Không hẹn mà gặp, hai nông dân Huỳnh Thanh Khoa (42 tuổi, ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và Huỳnh Thanh Tâm (30 tuổi, ngụ ấp Phú Nhơn, Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho ra đời những trái cây nổi chữ trên xoài và dừa xiêm đầu tiên ở miền Tây. Thành công bước đầu của hai nông dân miệt vườn nhờ vào sự kiên nhẫn, mày mò đưa con chữ lên hai loại trái cây này mà trước đó, chưa có nhà vườn nào làm được.
Thất bại là mẹ thành công
Vừa đặt chân lên cù lao xã Tân Thuận Đông, “rừng” xoài hiện ra trước mắt, nơi đây được xem là “thủ phủ” của xứ xoài ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhà anh Huỳnh Thanh Khoa có hơn 8.000m2 vườn trồng chủ yếu xoài cát chu, xoài Đài Loan từ bao đời nay. Theo nghề truyền thống trồng xoài của gia đình, anh Khoa thấy giá trị kinh tế của trái xoài ngày một đi xuống, cây xoài bị chặt bỏ nhiều. Thấy xót, anh trăn trở tìm cách đưa giá trị kinh tế cây xoài tăng cao hơn.
Năm 2010 anh Khoa tìm đến nhiều mô hình trồng cây ăn trái ở miền Tây. “Đến những năm 2011, tui biết được người ta làm thành công trên dưa hấu, bưởi với nhiều mẫu “độc, lạ” như tạo dáng hồ lô, khắc chữ,… bán giá rất cao nên đã nghĩ ngay đến việc phải áp dụng cho trái xoài nhà mình”, anh Khoa nhớ lại.
Anh Huỳnh Thanh Khoa tất bật sản xuất xoài nổi chữ cho thị trường Tết. Ảnh: Việt Văn.
Tuy nhiên, việc tạo ra chữ trên trái xoài vô cùng khó. Nhiều lần anh thử làm nhưng thất bại. Mất ba năm (vào khoảng đầu năm 2014), trong một lần anh bao trái xoài sản xuất theo mô hình VietGAP, cách bao của anh bị lỗi. Anh Khoa phát hiện, trái xoài không vàng đều, chỗ bị hở ánh nắng chiếu vào khiến trái xoài có màu vàng xanh lốm đốm. Anh nghĩ ngay đến việc tạo chữ nổi bằng cách này.
Thành công cũng chưa đến với anh. Một năm liền mua bao bì, cắt chữ lên bao, thử nghiệm trên cả nghìn trái xoài đều thất bại cay đắng. Có lúc anh nản vì “phá hại” cả vườn xoài truyền thống gia đình. Đầu năm 2015, anh thành công với 5 trái xoài đầu tiên cho ra hình ra dáng có chữ rõ nét.
Cũng nhờ sự kiên nhẫn, chịu khó tìm tòi trong suốt 4 năm liền, anh Huỳnh Thanh Tâm ở xứ dừa Bến Tre cũng trèo lên, trèo xuống hàng trăm cây dừa xiêm mỗi ngày để thử nghiệm tạo chữ. Anh Tâm nhớ lại: “Năm 2012, tui dùng lon sữa bò, lồng chữ bằng dây đồng úp vào trái dừa non. Khi trái lớn dần, phình ra, trên da bắt đầu có chữ nhưng không rõ nét, chữ bị nhèm ra, hư hết”.
Không bỏ cuộc, suốt hai năm liền anh Tâm tiếp tục mày mò, điều chỉnh lại khuôn in chữ ép vào hàng nghìn trái dừa xiêm nhưng chữ vẫn mờ, trái dừa bị hư da khiến thương lái chê, bán không được. Nhiều lần thất bại, anh bị gia đình phản đối, ngăn cản không cho thực hiện ý tưởng “điên rồ” này nữa. “Lúc đó, tôi định bỏ cuộc vì gia đình không ủng hộ, nhưng nghĩ ở xứ này chỉ sống bằng nghề trồng dừa, với trái thường chỉ 5 nghìn đồng thì khó làm giàu được. Vậy là tui tiếp tục lén gia đình thử nghiệm bằng khuôn nhựa cứng”, anh Tâm cười nói.
Cho chúng tôi coi cái khuôn “đẻ ra tiền” của mình mày mò nghiên cứu ra, anh Tâm bảo phải cẩn thận không khéo hư vì làm bằng thủ công chứ bên ngoài không bán. Anh còn không quên dặn, đừng chụp hình đăng báo vì cái này là bí quyết riêng. Lúc này chúng tôi sực nhớ hồi gặp anh Huỳnh Thanh Khoa ở Đồng Tháp, anh cũng từng chia sẻ, phải giữ kĩ lắm cái bí quyết riêng của mình. Vườn anh cũng từng nhiều lần bị trộm cắp, không phải vì người ta ăn cắp xoài để bán (xứ này nhà nào cũng có -PV). Họ chỉ lấy cắp cái bao bì chứa bí quyết của anh về nghiên cứu vì sao tạo ra trái xoài “độc, lạ” mà trước giờ chưa ai làm được. Vẫn còn nhớ nét mặt và lời nói tự tin của anh Huỳnh Thanh Khoa: “Dù có ăn cắp bao bì cũng không thể làm được vì mình còn kĩ thuật riêng”.
“Quả ngọt” đến với anh Huỳnh Thanh Tâm sau mấy năm mày mò thử nghiệm.
Quả ngọt mùa Tết
Năm đầu tiên ra mắt thị trường Tết của hai anh Khoa và Tâm là năm 2016. Sản phẩm trái cây “độc, lạ” của hai anh được thị trường đón nhận. Nắm bắt nhu cầu, Tết 2017 này, hai anh bắt đầu sản xuất số lượng lớn với hàng nghìn trái tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Anh Khoa cho biết, tết năm trước anh trồng thành công khoảng 1.300 trái xoài với chữ nổi thư pháp, bản đồ Việt Nam bán với giá từ 300 - 500 nghìn đồng/trái nhưng vẫn thiếu hàng cung cấp. Bình thường loại xoài vườn tại đây có giá chỉ 30 - 40 nghìn/kg nhưng khi được tạo chữ lên đã nâng giá trị gấp chục lần. Nhờ vậy mà thu nhập gia đình cũng khấm khá hơn, ăn tết ngon hơn và tiếp tục hoàn tiền làm vốn cho vụ sau.
Theo anh Khoa, chi phí để làm ra những trái xoài nổi chữ này rất tốn kém với gần 175 nghìn đồng/trái, lại mất nhiều thời gian do đó năm nay, giá cả sẽ cao hơn một chút. Mẫu chữ trên trái xoài năm nay cũng được anh nghiên cứu thay đổi cho hấp dẫn hơn, kích cỡ tùy theo nhu cầu của khách với các bộ chữ ưa chuộng: ‘Xuân Mới Phát Tài”, “Phúc Lộc Thọ”, “Vạn Sự Như Ý”, “Tâm Tín”, “Ra Giêng Anh Cưới Em”,…
“Năm nay tui quyết định tung ra thị trường 5.000 trái xoài nổi chữ phục vụ Tết. Hầu hết khách hàng từ Hà Nội, TPHCM đặt hàng xong để tui làm những bộ chữ nổi trong dịp Tết này cho họ. Còn đối với những khách hàng lẻ thì chưa dám nhận, do sợ không đủ xoài cung cấp”, anh Khoa hồ hởi cho biết. “Khủng” hơn là trái dừa xiêm của anh Huỳnh Thanh Tâm. Nếu trái dừa bình thường chỉ có giá 5 nghìn đồng thì qua tay anh tạo chữ đã có giá gấp trăm lần. Mỗi trái dừa tạo chữ anh bán trong dịp tết năm 2016 là 500 - 600 nghìn đồng. Dự kiến năm nay, anh sẽ tiếp tục cho ra 2.000 quả dừa xiêm khắc chữ cùng 4.000 trái dừa hồ lô cung ứng cho thị trường châu Âu.
Những trái dừa nổi chữ đang có sức hút lớn trên thị trường Tết.
Mừng vì có thị trường đầu ra tốt nhưng anh Tâm vẫn trăn trở, việc tạo ra một trái dừa nổi chữ phải mất thời gian khá lâu, từ công đoạn tạo khuôn đến chọn trái dừa tạo chữ,…Trong khi tỷ lệ thành công khoảng 50%. Như năm đầu tiên 2016, anh tiến hành tạo chữ trên 600 trái dừa thì chỉ có 300 trái thành công. “Dịp Tết 2017 này, tui sẽ cho ra 2.000 trái dừa in chữ, 4.000 trái dừa hồ lô để xuất khẩu sang châu Âu theo đơn đặt hàng với giá từ 300 - 400 nghìn đồng/trái”, anh Tâm cho biết.
Tự hào vì địa phương có người đầu tiên tạo ra chữ nổi trên xoài, ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sản phẩm trái xoài nổi chữ là sản phẩm mới, cách làm mới cho thấy sự mày mò, kì công tìm tòi tạo sáng tạo ra từ anh Huỳnh Thanh Khoa, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
“Để tiếp tục “nâng bước” anh Khoa, vụ Tết 2017 này, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 30% kinh phí trồng, sản xuất 5.000 trái xoài nổi chữ phục vụ dịp Tết. Đồng thời, Hội làm vườn tổ chức các buổi tập huấn cho anh Khoa và nhiều nông dân trồng xoài khác về các kĩ thuật trồng xoài, các buổi tập huấn về cách chăm sóc xoài tránh bị nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn…”, ông Tâm cho biết.
Đăng ký sở hữu trí tuệ
Bà Lê Thị Trúc Chi, Phó trưởng phòng quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, sở đã hướng dẫn và hỗ trợ anh Huỳnh Thanh Tâm đăng ký xong chứng nhận “Giải pháp hữu ích”. Hiện tỉnh đang hỗ trợ và hướng dẫn để anh Tâm hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), để anh Tâm an tâm sản xuất, cũng như chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình ra cho các nông dân, nhất là thanh niên trong tỉnh cùng sản xuất.