Trả lối ra biển cho dân: Vẫn chậm, nên xã hội hóa

Các dự án ven biển mọc lên chặn lối xuống biển của người dân. Ảnh: PV.
Các dự án ven biển mọc lên chặn lối xuống biển của người dân. Ảnh: PV.
TP - Những dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp mọc lên dọc tuyến đường ven biển cũng là lúc người dân Đà Nẵng mất dần lối ra biển. Không còn lối ra, tắm biển nhiều lúc là điều khó khăn đối với người dân sống ngay gần biển. Chính quyền đã đề nghị nhiều lần nhưng đến nay, các chủ đầu tư vẫn chậm trễ trong việc trả lối ra biển cho dân.

Phường ven biển không có biển

Quận Ngũ Hành Sơn có 12km đường bờ biển. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ dải đất ven biển qua địa phận của quận đã được giao hết cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dọc tuyến đường ven biển (đường Võ Nguyên Giáp và Trường Sa) đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến địa phận tỉnh Quảng Nam bị vây kín bởi tường rào, cổng của các resort, làm trở ngại cũng như thu hẹp khoảng không gian công cộng. Muốn ra biển, người dân và du khách phải đỏ mắt họa may tìm được lối ra.

Dải đất dọc đường Võ Nguyên Giáp từ Hồ Xuân Hương đến đường Minh Mạng thuộc địa phận phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) nay đã không còn chỗ trống. Sáu khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn đồ sộ đã mọc lên và hàng chục dự án khác đang còn xây dựng dang dở. Những công trình đưa vào sử dụng được xây tường rào. Những công trình đang thi công được dựng rào che chắn. Hỏi chuyện biển, một cán bộ phường Khuê Mỹ lắc đầu ngao ngán: “Nói là phường ven biển nhưng Khuê Mỹ giờ làm gì còn biển. Đất thành phố thì đã giao hết cho doanh nghiệp, họ xây dựng hết, đâu chừa lối ra biển. Tôi là người địa phương, mấy năm rồi đâu được tắm biển Khuê Mỹ nữa”.

Ông Lê Văn Hùng, một người dân phường Khuê Mỹ cho biết, trước đây, cứ sáng sớm và chiều hôm người dân chỉ cần chạy ù cái là ra đến biển. Từ ngày có các resort, khách sạn người dân coi như mất biển. Tắm biển là xa xỉ. Muốn tắm thì phải đi xa, đâu có thời gian.

Theo ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, từ khi các dự án được triển khai, cũng là lúc đường ra biển bị chặn. Chính quyền đã nhiều lần kiến nghị lên quận và thành phố. Hiện, thành phố cho biết, đang rà soát lại để mở đường ra biển cho người dân Khuê Mỹ. Tuy nhiên, bao giờ có đường thì ông Nghĩa cũng không biết.

Phường Hòa Hải gần đó, sau một thời gian dài kiến nghị, đến nay đã mở được 3 điểm đường ra biển, bãi biển cho dân tại Sơn Thủy, Non Nước và Tân Trà. Tuy nhiên, những bãi tắm này chỉ được mở bên cạnh những dự án dang dở và bỏ hoang nhiều năm nay. Ngay tại khu vực trung tâm bãi tắm Sơn Thủy, khu vực tắm cũng hạn chế khoảng 50m, bởi bãi tắm 2 bên của các resort quản lý. Trong khi đó, hai điểm còn lại xung quanh là những dự án bỏ hoang, dang dở nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, cho hay, trước đây, khi chưa có các dự án resort, khu nghỉ dưỡng, toàn bộ dải đất là bãi biển công cộng, người dân tắm biển, ra biển thoải mái. Nhưng nay đã bị thu hẹp vì đất đã được thành phố cấp hết cho các nhà đầu tư. Sau nhiều lần đề nghị, đến nay ba điểm đường ra biển đã được mở, đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân và khách du lịch. “Quy mô bãi tắm do Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và thành phố phê duyệt, phường chỉ biết mở 3 điểm như vậy. Có 3 điểm tắm như thế cũng cơ bản hợp lý. Đất cấp hết cho dự án thì làm sao thu hồi và mở rộng được”, ông Hiền cho biết.

Trả lối ra biển cho dân: Vẫn chậm, nên xã hội hóa ảnh 1

Những dự án ven biển mọc lên chặn luôn lối xuống biển của người dân.

Xã hội hóa việc mở lối ra biển?

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX vừa qua, các đại biểu đã chất vấn lãnh đạo thành phố khá gay gắt về việc tuy đồng ý mở thêm 5 lối xuống biển từ những dự án treo, nhưng hiện tại chưa có lối đi nào được mở. “Sở Xây dựng xem xét có thể đề nghị các nhà đầu tư mở lối xuống biển trước để người dân thụ hưởng, sau đó tiếp tục hoàn thiện các thủ tục thu hồi dự án”, đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung chất vấn.

Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng nói: Thành phố vừa phê duyệt quy hoạch 5 lối xuống biển. Trong đó, lối rộng nhất là 35 mét, lối nhỏ nhất là 3,5m, chủ yếu nằm giữa ranh giới các dự án ven biển. Theo tính toán của Sở, vốn đầu tư cho các lối xuống biển này mất khoảng 10-15 tỷ đồng. Ông Hùng cho rằng: Số tiền không lớn, nên có thể đầu tư bằng vốn ngân sách. Trước mắt, Sở sẽ báo cáo UBND TP để thu hồi đất trước, mở tạm các lối xuống biển, sau này sẽ đầu tư lại cho bài bản như trồng cây xanh, lắp đặt điện chiếu sáng.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, không nên “cái gì cũng dùng vốn ngân sách”. Nếu tư nhân có thể làm các lối xuống biển thì thành phố nên kêu gọi họ tham gia. Để tư nhân đầu tư lối xuống biển và làm bãi tắm nước ngọt, giữ xe kinh doanh luôn cho nhanh. Ngân sách thành phố cũng có hạn, và phải chờ, nên muốn nhanh có lối xuống biển thì phải xã hội hóa.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, ai đi tắm biển cũng có nhu cầu tắm nước ngọt, gửi xe. Do đó có thể đem ra đấu thầu việc đầu tư xây dựng các lối xuống biển, để tư nhân làm và quản lý luôn sẽ tốt hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên, lãnh đạo Đà Nẵng chỉ đạo việc mở lối ra biển cho dân. Vào tháng 10/2015, ông Huỳnh Đức Thơ cũng chỉ đạo khá rốt ráo việc này. Tuy nhiên, đến nay người dân ven biển vẫn ngóng chờ được ra biển lại, dù chỉ để… tắm nhưng mãi không xong và chưa biết đến bao giờ!

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.