Trả lại vị thế cho môn Lịch sử

Trả lại vị thế cho môn Lịch sử
TP - Thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong các trường phổ thông là vấn đề đã được các nhà khoa học, nhà giáo cũng như dư luận xã hội bàn đến nhiều. Tiền phong mở diễn đàn “Trả lại vị thế cho môn Lịch sử”. Mong được nhận sự đóng góp ý kiến của quý độc giả.
Trả lại vị thế cho môn Lịch sử ảnh 1
Nhiều học sinh không "mặn mà" với môn sử.

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: tienphong02@vnn.vn hoặc ban Giáo dục, báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Phản hồi của bạn đọc

Ha Huynh Anh; Email: conoday...@yahoo.com.vn

Nếu tính đến công sức đầu tư cho việc giảng dạy thì giáo viên dạy Sử tốn khá nhiều thời gian. Để có được một tiết dạy tốt, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, giáo viên còn phải có nhiều sơ đồ, lược đồ, tranh ảnh minh họa... 

Thế nhưng, do đồng lương còn khiêm tốn, lại không có thu nhập thêm từ việc dạy thêm như những môn tự nhiên nên giáo viên dạy Sử tìm cách kiếm tiền bằng nhiều cách khác. Vì vậy, họ đâu có thời gian đầu tư tiết dạy.

Trong khi đó, một số giáo viên thật sự tâm huyết cho tiết giảng, yêu cầu nghiêm khắc đối với học sinh thì gặp ngay sự phản ứng của chính những đồng nghiệp trong trường mình. Họ cho rằng, với môn Sử, chỉ cần cho các em vài ba bài học để đối phó được rồi.

Theo tôi, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của giáo viên dạy Sử đều đáng quan tâm dể họ cũng được sánh vai cùng các giáo viên bộ môn khác trong sự nghiệp trồng người.

Vinh; Email: hasang...py@yahoo.com

Theo tôi, học sinh từ lớp 7 trở xuống chỉ cần học các danh nhân và địa điểm lịch sử. Bài học cũng không cần nhấn mạnh đến ngày tháng năm sinh, thời gian lịch sử, mà chỉ cần nhấn mạnh danh nhân đó làm được gì cho lịch sử, địa danh đó có dấu ấn gì với lịch sử thôi. Như thế, các em dễ nhớ hơn.

Từ lớp 8 đến hết lớp 9, chỉ nên đưa vào chương trình lịch sử từ thời tiền sử cho đến cuối đời nhà tiền Lê. Bậc THPT nên học lịch sử từ thời nhà Lý cho đến lịch sử hiên đại.

Như vậy, từ lớp 8 đến hết lớp 12, các em phải học kỹ về các mốc thời gian lịch sử. Nhờ kiến thức dễ học và dễ nhớ, các em sẽ biết rõ danh nhân, địa điểm lịch sử đó ở giai đoạn lịch sử nào.

Dấu ấn về những người anh hùng, địa danh lịch sử trong tiềm thức trẻ thơ sẽ là động lực để các em ham thích môn học này.

Hoàng Hoa (Hoà Bình)

Tôi đồng ý với ý kiến cuả báo là phải trả lại vị thế cho môn Lịch sử. Nhiều bài đã phân tích hạn chế của người Thầy, nay hãy xem lại những quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo về đánh giá một giờ giảng.

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến nhiều giáo viên dạy lịch sử khi giảng dạy luôn bám chặt lấy nội dung sách giáo khoa mà ít có khai thác sâu vào các sự kiện, hiện tượng lịchh sử.

Giáo viên muốn dạy hay cũng khó vì mỗi tiết học 45 phút thì mất từ 5 đến 10 phút để củng cố, kiểm tra đầu giờ; dặn dò cuối giờ, vì nếu không có các bước đó coi như giờ giảng không đạt.

Hầu hết giáo viên chỉ cố làm sao thể hiện hết các bước quy định khi lên lớp và phản ánh hết những gì trong sách giáo khoa, bài giảng khó mà lôi cuốn được học sinh.

Vương Thị Hiền; Email: vươnghienvy...@yahoo.com

Để việc học tập môn lịch sử thực sự có hiệu quả, thiết nghĩ, trước hết phải để Lịch sử trở thành bộ môn thiết yếu của cuộc sống.

Học về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ta tự hào về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" nhưng đối với học sinh thì việc vận dụng vào cuộc sống có nhiều không?

Những vấn đề về kinh tế có thể áp dụng vào cuộc sống cần phải được chú trọng hơn.

Ngoài ra, cần phải tạo cho học sinh niềm vui, thích tìm hiểu Lịch sử một cách thực sự. "Dân ta phải biết Sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt nam"... Bởi lẽ, muốn học tốt, trước hết phải có niềm tin, lòng đam mê, yêu thích.

Bên cạnh đó nên tăng cường học ngoại khóa, tổ chức đưa học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử, Cách mạng, Quân đội, di tích lịch sử… hoặc gặp mặt các cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử của một trận đánh, một chiến dịch...

Và theo tôi, một điều quan trọng nữa để việc học tập môn Lịch sử thục sự có hiệu quả, là bản thân giáo viên phải có hiểu biết sâu sắc, có tâm huyết, nhiệt tình với bộ môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy.

Hồ Bá Minh; Email: peace.co...@gmail.com

Việc dạy sử cho học sinh các cấp phổ thông cần có sự bổ sung thêm về những kiến thức, văn học sử, khảo cổ học, dân tộc học để tạo cho học sinh tập trung nhận thức cho môn học lý thú, đa dạng.

Với cách học có sự phối hợp này, học sinh sẽ có một mối liên kết logic, dù có học thuộc lòng hay theo dàn ý phân tích thì kiến thức về Sử vẫn "vào đầu".

Cần kiểm tra bài thi đánh giá kết quả theo hướng tự luận. Ví dụ, nói về nền văn minh Hy Lạp thì không dùng phương pháp trả bài như trước, mà cần đặt vị trị của nó trong các nền văn minh khác, niên đại, kể cả vị trí địa lý.

Học sử thông qua Internet, có nhiều hình ảnh minh họa. Truyền hình cần hỗ trợ, mở rộng những cuộc thi từ hình ảnh trực quan và suy luận, suy đoán ra đáp án theo mức độ khó dần (như chương trình Đuổi hình bắt chữ ở Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội).

Nguyễn Thanh; Email: minh.minh…@yahoo.com:

Những năm gần đây, kết quả học tập môn Lịch sử của học sinh sa sút nghiêm trọng. Người ta đề cập đến nhiều nguyên nhân, như: sách giáo khoa, chương trình quá nặng, phương pháp dạy của giáo viên phổ thông chưa tốt…

Là người đang trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử ở trường THPT, tôi không có ý bào chữa cho những người dạy sử ở bậc học này, cũng không trách móc ai, chỉ xin được đề cập đến một số vấn đề thực tế để cùng suy ngẫm.

Ngày còn là học sinh phổ thông, chúng tôi cứ nghĩ đại học là cao siêu lắm, các giảng viên dạy chắc tuyệt vời lắm. Nhưng khi vào học rồi thì mới vỡ mộng.

Số giảng viên dạy tốt đếm chưa qua đầu ngón tay, thậm chí có một số phải nói là không bảo đảm. Đơn cử như khi chúng tôi học bộ môn “Lịch sử tôn giáo” và chuyên đề “Lịch sử Việt Nam hiện đại” do một thầy dạy.

Không thể tưởng tượng nổi, suốt các tiết học, thầy chỉ biết có một động tác là đọc cho sinh viên chép(!)

Năm học thứ hai, khoa mời một vị giáo sư ở Hà Nội vào dạy thỉnh giảng. Nhìn chung thầy dạy cũng bình thường. Điều chúng tôi rất nhớ về kiểu thỉnh giảng này là sau khi dạy xong, thầy trở về Hà Nội và để lại đề thi cho các giáo viên (?).

Thứ ba, chương trình ở đại học nặng quá. Trong bốn năm, sinh viên phải học quá nhiều môn, nhưng có nhiều môn chỉ ở dạng “học cho biết”, thậm chí “cho vui”.

Thứ tư là chất lượng sinh viên. Người ta cứ nghĩ sinh viên đại học thì phải là học sinh khá, giỏi trở lên. Chuyện đó đúng ở đâu tôi không biết, chỉ biết nó không đúng trong lớp học của tôi.

Không ít sinh viên học Lịch sử (để ra dạy môn Lịch sử) mà thủ đô Berlin của Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ hai bị chia cắt như thế nào cũng không biết; rồi lại chỉ tên đường “Phan Huy Liệu” cho bạn nữa chứ (!!!)

Thứ năm, cách nhìn nhận môn Lịch sử ở trường phổ thông: Giữa tháng 6/2007, trong phiên họp tổng kết thi tốt nghiệp, hiệu trưởng trường tôi phán: “Xin lỗi các đồng chí, theo tôi thì môn Lịch sử học sinh có thể không học 11 năm mà chỉ cần học một năm 12, thi tốt nghiệp vẫn được”(!!!)

Thứ sáu, bồi dưỡng thay đổi phương pháp dạy học. Theo chu kỳ, một số dịp hè, các giáo viên chúng tôi lại được tề tựu về tỉnh để học bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học. Phương pháp các giảng viên mang tới và cổ súy rất mạnh mẽ, đó là “Lấy người học là trung tâm”. Nhưng suốt quá trình học chúng tôi không hề được trở thành trung tâm trong bài giảng của thầy(?)…

Nhật Minh; Email: denca…@yahoo.com

Tôi đồng ý cơ bản với cách đặt vấn đề trong bài báo của GS Văn Như Cương, nhưng phần giải pháp trong đó thì hơi sơ sài.

Theo tôi, cần có Hội đồng Quốc gia nghiên cứu cải cách nội dung, phương pháp dạy và học môn Sử một cách nghiêm túc và không vội vàng.

Đúng, tôi học Lịch sử để trước hết trang bị thế giới quan, sau đó là nhân sinh quan cho mình, và sau nữa là để yêu nước, tự hào dân tộc. Những người như tôi là số đông trong xã hội, chỉ có một số ít người có thiên hướng, nhu cầu học tập và nghiên cứu chuyên sâu về môn Sử để sống và làm việc với chuyên môn Sử học.

Ai cũng dễ dàng thống nhất rằng giáo trình phổ thông về môn Lịch sử là để dành cho số đông trong xã hội, cho nên cần tổ chức học hành, thi cử đối với môn Lịch sử nhẹ nhàng hơn, trực quan hơn.

Đặc biệt, cần phải thay đổi tư duy trong soạn thảo giáo trình, xây dựng phương pháp dạy và học... hướng tới tạo ấn tượng sâu sắc về mỗi sự kiện lịch sử cho người học, thay vì bắt người đọc nhớ niên giám của sự kiện, hay các con số thống kê về sự kiện đó.

Tôi chỉ nhớ rõ và ấn tượng mạnh là chiến dịch Điên Biên Phủ kéo dài 54 ngày đêm, đặc biệt là bộ đội ta đã bắt sống được tướng Đờ Cát - Tổng tư lệnh chiến trường Điện Biên Phủ. Ở đó có các tấm gương anh hùng liệt sỹ như Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai...

Tôi có thể kể rất nhiều về Điện Biên Phủ nhưng tôi sẽ không làm được bài thi nếu đề ra yêu cầu phải liệt kê ta đã huy động bao nhiêu bộ đội, dân công vào chiến dịch; địch tập kết vào thung lũng Mường Thanh bao nhiêu quân, bao nhiêu xe tăng, đại bác? Địch bị thương vong bao nhiêu, bị bắt bao nhiêu? Ngày nào ta bắt đầu tiến công, mở màn chiến dịch, ngày nào đánh chiếm được đồi Độc Lập, Him Lam... Nặng thống kê, thiếu trực quan, thiếu cảm xúc thật (không gây được sự tò mò tìm hiểu sự kiện)...

Điều đó giải thích tại sao học sinh không "thuộc" sử và thầy dạy không hay (vì không có cảm xúc)?

>> Bấm vào đây để gửi ý kiến

MỚI - NÓNG