Trả lại tên cho hàng ngàn thanh niên xung phong

TP - Sau hơn 10 năm kiên trì “tranh đấu”, hàng ngàn thanh niên thời kỳ oanh liệt khai hoang mở đất xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) Hà Nội giữa đại ngàn Tây Nguyên đã được tặng kỷ niệm chương và hưởng chế độ thanh niên xung phong. Trang sử của vùng đất mới Lâm Hà (Lâm Ðồng) ghi tên họ một cách trang trọng trong hành trình hơn 40 năm hình thành và phát triển.

Bên cạnh niềm vui chung mừng 42 năm đất nước thống nhất, hàng ngàn thanh niên tiền trạm của Hà Nội xúc động nhớ về những ngày tháng này của 41 năm trước, khi họ xuất quân vào Tây Nguyên với khí thế “ba sẵn sàng” tay cuốc tay súng mở đất xây dựng vùng quê mới. Ông Phan Hữu Giản (76 tuổi, quê Từ Liêm) kể, Tổng đội thanh niên tiền trạm Gia Lâm với 125 thanh niên ra quân đầu tiên, sau đó các tổng đội từ nhiều quận, huyện khác tạm biệt thủ đô vào Lâm Ðồng thực hiện công cuộc khẩn hoang, xây dựng vùng KTM Hà Nội (nay là huyện Lâm Hà), nâng tổng số thanh niên tiền trạm lên hơn 2.660 người.

Lúc bấy giờ giảng viên trẻ của Ðại học Nông nghiệp Hà Nội Phan Hữu Giản tuy đã có vợ con nhưng vẫn xung phong dẫn quân vào Lâm Ðồng, được chỉ định làm Bí thư Ðoàn vùng KTM Lâm Hà. Ông Giản nói lúc xuất quân thì khí thế hừng hực, tâm trạng vi vu lắm nhưng khi vào đến Tây Nguyên lại nảy sinh nhiều vấn đề vì phải đương đầu với không ít khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Nào là rừng núi hoang vu bạt ngàn lau sậy, sốt rét ác tính và thú dữ rình rập. Nào là những hiểm họa do bị Fulro tấn công, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh… Vốn không quen với cuộc sống tập thể, lại là lần đầu tiên xa nhà đi vào chốn rừng hoang với những cơn mưa rừng triền miên, khỉ kêu, vượn hú, côn trùng nỉ non… nên không ít các chàng trai, cô gái sụt sùi vì buồn tủi, nhớ nhà…

 Trả lại tên cho hàng ngàn thanh niên xung phong ảnh 1 Một góc phố ở Lâm Hà.

Viết thư xung phong bằng máu

Chưa ấm chân ở Nam Ban, Hà Nội yêu cầu khai phá thêm khu vực Lán Tranh (Lâm Hà, Lâm Ðồng) với diện tích lên tới 40.000ha. Ðây không chỉ là vùng rừng nguyên sinh mà còn là một trong những cứ địa của Fulro. Bởi thế cần có 100 thanh niên mang súng đi theo để bảo vệ 100 cán bộ kỹ thuật làm công tác đo đạc, khảo sát địa chất, sinh thái, thổ nhưỡng... Ðoàn TN vừa phát động đã có 150 thanh niên xung phong vào “tuyến lửa”, có người viết thư tình nguyện bằng máu. 100 thanh niên vừa tuyển chọn được cho tập quân sự cấp tốc, trang bị tăng, võng, vũ khí. Ngoài ra, bộ đội địa phương cử một tiểu đội trinh sát để dẫn đường, sẵn sàng cùng lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu nếu chạm trán với Fulro.

Toàn lực lượng tập kết ở bờ sông Ðạ Dâng với khí thế ra quân hừng hực. Khi vào rừng Lán Tranh, đoàn chia thành nhiều nhóm để tiến hành khảo sát. Có những toán bắt gặp lán trại của Fulro, bếp lửa còn ấm, áo lính, bình toong, ngô, đậu vẫn treo trên vách nhưng không xảy ra đụng độ. “Sau này có tên lính Fulro bị bắt đã khai rằng vì phán đoán Quân khu Thủ đô cử lực lượng vào rừng Lán Tranh nên cấp trên của chúng lo ngại và chỉ đạo tránh đụng độ”, ông Giản  cho biết.

Bằng trí tuệ, sức lực của tuổi trẻ cùng với ý chí kiên cường bám đất, khảo sát quy hoạch hàng vạn héc ta đất hoang rừng rậm, phục vụ khai hoang 1.900ha đất; sản xuất thử nghiệm đạt hiệu quả hơn 1250ha; mở hàng trăm cây số đường giao thông và làm hàng chục cây cầu đảm bảo việc đi lại cả mùa khô và mùa mưa. Hàng ngàn căn nhà, giếng nước, nhà vệ sinh được dựng lên bước đầu đáp ứng việc đón các hộ dân Hà Nội vào xây dựng vùng KTM.

Ban đầu là các hộ của huyện Từ Liêm rồi đến các quận, huyện khác như Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Ðình, Ðống Ða, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... di cư vào Lâm Hà. Vì mới trải qua thời kì thắt lưng buộc bụng, tất cả cho tiền tuyến nên người dân rất nghèo. Không chỉ mang theo xoong nồi, bát đĩa, chăn màn mà đến cả cây chuối non người dân cũng đánh lên, bọc đất đem đi.

Bà Lê Thị Nhàn, một trong những cán bộ chủ chốt của huyện Lâm Hà kể: Bố tôi là liệt sĩ (hy sinh năm 1969) nên gia đình không thuộc diện động viên đi KTM. Thế nhưng mẹ tôi là cô giáo nuôi dạy trẻ của xã Châu Quỳ lại muốn vào  Nam, nơi bố tôi yên nghỉ để vong hồn ông khỏi cô quạnh. Tháng 6/1979, ô tô chở mấy chục gia đình vào tới cửa rừng. Thấy núi rừng thâm u, đường sá lầy lội, lại nghe tiếng khỉ kêu, vượn hú, nên đám trẻ con sợ quá khóc như ri, chẳng chịu xuống xe. Cả tháng sau mới hoàn hồn, quen dần.

“Khi ra đón dân, lãnh đạo dặn dò có nghe súng nổ thì ở yên trong nhà, đừng ra ngoài, đề phòng gặp Fulro, còn lực lượng tiền trạm thì động viên, giúp đỡ, hướng dẫn người dân cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi… vì nhiều người chưa quen với sản xuất nông nghiệp lại lạ nước lạ cái. Rồi thì góp công góp sức xây chợ, trường học, trạm xá… để dân an tâm định cư xây dựng quê mới. Chúng tôi luôn canh cánh nỗi lo người dân bỏ về quê cũ. Trước đây thủ đô từng có những đợt đưa dân đi xây dựng vùng KTM ở miền núi phía Bắc và đã thất bại. Với phương thức xen làng ghép dân, 10 hộ đi thì 8-9 hộ bỏ về, gay lắm”, ông Giản tâm sự.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Ðức Tài, mấy mươi năm qua, Lâm Hà dần chuyển mình thành vùng đất dân sinh, KT-XH phát triển nhanh, thu hút thêm người dân từ nhiều tỉnh khác đến định cư, lập nghiệp. Lâm Hà hiện có gần 150.000 người, tổng diện tích đất tự nhiên gần 160.000ha, trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp có tiếng với hàng vạn héc ta. Những nương dâu, đồi chè, vườn cà phê choàng lên mảnh đất này một màu xanh trù phú, ấm no. Công nghiệp chế biến nông - lâm sản và dịch vụ cũng phát triển.

 Trả lại tên cho hàng ngàn thanh niên xung phong ảnh 2 Ông Giản và cuốn sách tâm huyết về vùng KTM Lâm Hà.

Bức tâm thư

Cuộc di dân vào vùng KTM Lâm Hà là cuộc di dân lớn nhất của Hà Nội từ trước đến nay và đã đạt hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Số hộ bỏ về lại địa phương hay đi nơi khác trong những năm đầu khai hoang chỉ có vỏn vẹn 5% và càng về sau càng giảm. Bà con đã thật sự yên tâm bám trụ lâu dài và làm ăn mỗi ngày thêm khấm khá. Thành quả đó có sự đóng góp to lớn của hơn 2.600 thanh niên tiền trạm. Họ đã hy sinh cả tính mạng của mình (4 thanh niên bị Fulro sát hại), trở thành nạn nhân của những tai nạn lao động, sốt rét ác tính… Thế nhưng khi trở về quê cũ, hàng ngàn thanh niên tiền trạm này không được hưởng chế độ chính sách như các lực lượng thanh niên xung phong khác. Nhiều người phải vất vả, lam lũ kiếm sống nên không khỏi tâm tư, than trách.

Ðầu năm 2006, đại diện của lực lượng thanh niên tiền trạm gồm 2.600 người đã gửi bức tâm thư đến các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Hà Nội và Lâm Ðồng để kiến nghị với chính phủ giải quyết dứt điểm các chế độ chính sách  đối với thanh niên lao động tiền trạm đi xây dựng vùng KTM Hà Nội. Bởi thanh niên tiền trạm thực chất cũng là thanh niên xung phong nên không thể vin vào cái tên để từ chối giải quyết quyền lợi cho những người đã có nhiều hy sinh cống hiến.

Ông Giản cho biết liên tục 10 năm sau đó, năm nào các ông cũng ra Hà Nội nhắc lại kiến nghị này. Mãi đến năm 2016, 3 Bộ mới giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Những người bị Fulro sát hại được công nhận liệt sĩ. Toàn bộ thanh niên tiền trạm đã hoàn thành nhiệm vụ được tặng kỷ niệm chương thanh niên xung phong , được hưởng trợ cấp... Ðiều lớn lao nhất là thế hệ chúng tôi có thể tự hào đã góp công sức lập nền móng cho một vùng quê mới trù phú của Hà Nội trên cao nguyên.

Điều lớn lao nhất là thế hệ chúng tôi có thể tự hào đã góp công sức lập nền móng cho một vùng quê mới trù phú của Hà Nội trên cao nguyên.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.