TPP không chỉ là thương mại

TP - Báo chí Mỹ vừa đưa tin, lý do Tổng thống Mỹ Barack Obama nóng lòng muốn kết thúc thỏa thuận tương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là mang ý nghĩa chiến lược nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng, TPP chưa đủ để đáp ứng tất cả những hy vọng địa chính trị.  
Tổng thống Mỹ Barack Obama

TPP bao gồm Mỹ, Nhật Bản và 10 nền kinh tế thuộc vành đai châu Á - Thái Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc. Sự tranh cãi ở Washington xung quanh TPP là những tiêu chuẩn về nông nghiệp, tiền tệ và sở hữu trí tuệ. Washington nói rằng, lý do Mỹ không mời Trung Quốc tham gia thỏa thuận này là vì nền kinh tế Trung Quốc chưa mở cửa đủ rộng để tham gia.

Tuy nhiên, vài tuần trước, ông Obama gần như thừa nhận TPP không chỉ là vấn đề thương mại khi nói với Wall Street Journal rằng, việc đạt được thỏa thuận này rất quan trọng. “Nếu chúng ta không viết ra luật lệ, Trung Quốc sẽ viết luật lệ… Chúng ta sẽ bị hất ra… Chúng ta không muốn Trung Quốc dùng quy mô của họ để thể hiện sức mạnh với các nước khác trong khu vực”, ông Obama nói.

Báo Financial Times dẫn lời nhiều quan chức đối ngoại Mỹ nói rằng, hàm ý rộng hơn của TPP là các vấn đề chính trị. Một báo cáo gần đây của Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng, những nỗ lực nhiều thập kỷ của Mỹ nhằm “đưa Trung Quốc vào trật tự quốc tế tự do” đã phản tác dụng vì sức mạnh của Trung Quốc giờ đây đe dọa “vai trò hàng đầu của Mỹ ở châu Á”.

Hai tác giả của báo cáo Robert Blackwill và Ashley Tellis (cũng là hai quan sát viên châu Á uy tín) cho rằng, rất nhiều biện pháp được thực hiện để khắc phục thực tế này, bao gồm “những thỏa thuận thương mại ưu đãi giữa các nước bạn bè và đồng minh của Mỹ… thông qua những công cụ nhằm loại trừ Trung Quốc”. Đó chính là một mô tả về TPP. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lần phát biểu trước Quốc hội Mỹ gần đây đã nói về TPP: “Giá trị chiến lược của nó thật tuyệt vời”. Khi Tranh chấp lãnh thổ trực tiếp giữa Nhật Bản và Trung Quốc có vẻ đã hạ nhiệt phần nào, nhưng Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động cải tạo trái phép trên biển Đông và chúng mang mục đích quân sự rõ ràng. Trên mặt trận kinh tế, sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn cản các đồng minh quan trọng tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng khiến Mỹ mất mặt. Washington có thể đang lo ngại AIIB trở thành công cụ để Trung Quốc phát triển mạng lưới hạ tầng mới khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Khi vấp phải những bước lùi này, chính quyền Obama được cho là quyết tâm hoàn tất TPP để khẳng định ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, TPP không thể thực sự đáp ứng những hy vọng chiến lược đối với nó. Trước tiên, vẫn chưa rõ 12 quốc gia liên quan có thể đáp ứng các tiêu chí và TPP có được thông qua tại những nước này hay không. Sự đấu tranh của ông Obama với Quốc hội Mỹ để hoàn tất TPP cũng đang vất vả không kém.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng, điều quan trọng là đã quá muộn để ngăn Trung Quốc trở thành hạt nhân của kinh tế châu Á, với tất cả hàm ý chính trị và chiến lược. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia quan trọng tham gia đàm phán TPP, bao gồm Nhật Bản, Singapore và Úc, và là đối tác thương mại lớn thứ hai của chính nước Mỹ. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á không nằm trong TPP.

Theo Washington Post, Wall Street Journal, Financial Times