Theo báo cáo nghiên cứu của Cty CP Chứng khoán thành phố HCM (HSC) phát đi chiều 6/10, quá trình thông qua TPP tại Quốc hội các nước sẽ mất ít nhất nửa năm (6-9 tháng, tùy từng nước).
Tại Việt Nam, quá trình này có thể lâu hơn, vì Quốc hội chỉ họp 2 lần mỗi năm, lần họp tới nhiều khả năng diễn ra vào tháng 5/2016 (có khả năng TPP được trình Quốc hội trong tháng 10 này, nhưng không chắc chắn). Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, TPP có thể có hiệu lực trong nửa cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Với Việt Nam, khi TPP có hiệu lực có thể giúp tăng thêm khoảng 1% GDP hằng năm. Hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhà máy để thỏa mãn quy định nước xuất xứ hay để tận dụng lợi thế giảm thuế cũng đã bắt đầu và tăng dần.
Với tài chính, các thành viên TPP có thể có cam kết không phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy vậy, cam kết này ít ảnh hưởng Việt Nam khi những năm gần đây chỉ điều chỉnh tỷ giá với tốc độ khá chậm.
Dệt may: Sẽ chịu tác động lớn, khi nhiều loại thuế liên quan đến dệt may sẽ được bỏ hoàn toàn (một số được loại bỏ dần theo lộ trình). Đây là lợi thế lớn, khi hàng dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ vẫn đang chịu thuế suất bình quân khoảng 17%, trong khi Nhật Bản đã về 0% theo hiệp định giữa 2 nước. Tuy vậy, quy định xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải dùng vải và sợi từ các nước thuộc TPP.
Thủy sản: Chịu tác động vừa phải, khi ngành này nhận được ít lợi ích từ TPP hơn mong đợi của thị trường. Như với cá tra xuất khẩu sang Mỹ không chịu thuế, còn xuất sang Nhật Bản không nhiều. Tuy vậy, thuế nhập khẩu sẽ được giảm ở các thị trường nhỏ hơn như Australia, Singapore và Mexico, và dĩ nhiên là lối vào các thị trường này sẽ rộng mở hơn. Với tôm, mực, cá ngừ hiện thuế xuất khẩu chỉ 1-10%.
Đầu tư công: Chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian dài, do các doanh nghiệp thành viên TPP có thể tham gia đấu thầu đầu tư công tại các quốc gia thành viên.