TPHCM thi và xét công nhận tốt nghiệp riêng 2017: Giảm cơ hội vào đại học

Giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2016.
Giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2016.
TP - Trước đề án thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của TPHCM năm 2017 vừa trình Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia tuyển sinh của các trường đại học cho rằng, đề án này rối rắm, tăng áp lực và gây khó không chỉ cho học sinh mà còn cho các trường trong quá trình tuyển sinh.

Áp lực tăng, cơ hội giảm…

Theo đó, kỳ thi THPT riêng của TPHCM  năm 2017 (tức giai đoạn 1) được diễn ra trong ngày 2 và 3/6/2017 với 3 môn thi gồm Ngữ văn: 120 phút, Toán: 120 phút và Ngoại ngữ: 90 phút (đối với hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế). Giai đoạn 2 kỳ thi THPT riêng của TPHCM bắt đầu từ năm 2018 trở về sau.

Cụ thể, thời gian thi, nội dung ra đề thi, đối tượng được miễn thi giống như giai đoạn 1. Ngoài 3 môn như giai đoạn 1, giai đoạn này thí sinh sẽ thi thêm môn tích hợp, thời gian làm bài 120 phút. Tuy nhiên, điểm xét tốt nghiệp sẽ không lấy điểm học bạ (trung bình cả năm lớp 12) như giai đoạn 1 nữa.

Đề án này gần như ngược hướng với Bộ GD&ĐT bởi kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Trong đó, ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong một phòng thi sẽ có một mã đề riêng. Bài thi sẽ được chấm bằng máy.

Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, đề án của Sở GD&ĐT TPHCM vừa đề xuất có phần bị vênh so với dự thảo phương án thi của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi của Bộ là 2 trong 1 với mục đích vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH, CĐ nên thí sinh thi kỳ thi này có lợi hơn học sinh TPHCM. Nếu theo đề án của TPHCM thì học sinh phải vừa thi kỳ thi của thành phố, vừa phải thi kỳ thi của Bộ GD&ĐT hoặc của trường ĐH mới có thể tham gia xét tuyển vào ĐH được.

“Nếu kỳ thi của Bộ GD&ĐT chỉ là một kỳ thi quốc gia thôi thì đề án của TPHCM có thể hợp lý và xét tốt nghiệp THPT do Sở quy định. Tuy nhiên lúc đó Bộ phải quy định tốt nghiệp THPT phải do Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm. Còn Bộ đã đứng ra tổ chức kỳ thi 2 trong 1 thì việc thực hiện theo đề án của Sở sẽ không công bằng cho học sinh TPHCM”, ông Thông cho biết.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, đề án của TPHCM nếu trong tương lai thì được song thời điểm này thì không những gây khó cho học sinh mà còn gây khó cho các trường đại học.

“Đề án của TPHCM chỉ thi 3 môn tự luận là để xét tốt nghiệp trong khi kỳ thi THPT Quốc gia là 2 trong 1 và chỉ có môn Văn là tự luận còn lại là trắc nghiệm. Hình thức thi và mục đích khác nhau nên gây khó cho các trường khi chọn thí sinh. Nếu thí sinh phải thi thêm 1 lần nữa thì thiệt thòi, áp lực cho các em, còn nếu trường tổ chức thi riêng thì đề thi sẽ thế nào, liệu có công bằng cho tất cả các em học sinh với nhau”, ông Dũng nói. 

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông lâm TPHCM, cho rằng: “Có thể Sở GD&ĐT muốn giảm áp lực thi cử, giảm thời gian thi cho học sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (tức một tổ hợp xét tuyển D1) đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng của học sinh trên địa bàn TP. Vì vậy, phương án này cần được cân nhắc kỹ để tăng cơ hội cho học sinh”.

Nên làm để có tính cạnh tranh tốt hơn

Trong khi đó, TS Vũ Thị Phương Anh (thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam) cho rằng, nên giao kỳ thi tốt nghiệp về cho các Sở GD&ĐT tổ chức để cho nhẹ nhàng, nhưng nên sử dụng đề thi chung như hiện nay để có thể thực hiện các phân tích so sánh sau khi thi nhằm có những điều chỉnh về mục tiêu, nội dung, phương pháp hoặc sự đầu tư của nhà nước đối với các địa phương khác nhau. Còn việc thi đại học thì đó là việc của các trường và nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào đó.

“Do đó, tôi ủng hộ phương án cho TPHCM thí điểm cách thi tốt nghiệp của mình bởi đây là một thành phố lớn, năng động, và có nền tảng kinh tế - xã hội riêng không giống nhiều địa phương khác, nên có thể có những nhu cầu và tầm nhìn khác biệt cần được khuyến khích và tạo điều kiện để phát huy”, TS Anh nói.

Theo TS Anh, trên thực tế TPHCM đã nhiều lần có những sáng kiến đi trước cả nước (việc tổ chức các lớp tiếng Anh tăng cường, và trước đó nữa là chương trình song ngữ là một vài ví dụ tiêu biểu). Điều còn lại khiến nhiều người băn khoăn là việc thi tốt nghiệp theo kiểu riêng của TPHCM có thể làm giảm nguy cơ xét tuyển vào đại học của thí sinh. “Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng bằng cách xem việc tốt nghiệp ở TPHCM (dùng đề thi riêng) cũng giống như tốt nghiệp ở các nơi khác. Điều này cũng chẳng có gì lạ vì trên thế giới vẫn tồn tại nhiều kỳ thi cho cùng một mục đích và chúng vẫn được xem là tương đương với nhau (ví dụ, SAT  hay ACT là hai bài thi hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn được xét để vào đại học ở Mỹ). Sự tồn tại nhiều bài thi tương đương sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các bài thi này và làm cho chúng ngày càng được cải thiện”, TS Anh nói.

Tuy nhiên, TS. Anh đề xuất: “Mọi sự thay đổi đều phải được bàn bạc rộng rãi và thông tin đầy đủ đến công chúng, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của những thay đổi này, với thời gian đủ lâu để chuẩn bị. Ngoài ra mọi thay đổi đều cần có thời gian để xem xét tác động của chúng đối với nền giáo dục; nếu mỗi năm đều có thay đổi như hiện nay thì làm sao ta có thể so sánh được kết quả của các năm để đưa ra một kết luận gì đó về tác động của việc đổi mới thi cử như hiện nay?”.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.