Chiều 12/10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin quý III/2022, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nhìn nhận, nguồn cung xăng dầu ở TPHCM hiện nay gặp khó khăn, chuỗi bán lẻ có 550 cửa hàng, đỉnh điểm có 137 cửa hàng không đủ xăng để phục vụ cho người dân. Trong giai đoạn khó khăn thì doanh nghiệp choàng gánh, chia sẻ với nhau để phục vụ người dân.
Từ nay đến kỳ điều hành sắp tới, thành phố cơ bản đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên Sở vẫn đang theo dõi để phân phối nguồn hàng xăng dầu. “Mức tiêu thụ bình quân xăng dầu của TPHCM từ 6-7 triệu lít/ngày, những ngày qua có khó khăn về tiếp cận nguồn hàng nhưng vẫn đủ nguồn hàng để cung cấp cho người dân thành phố” - ông Vũ cho biết.
Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2 thuộc Petrolimex Sài Gòn cho biết, tại TPHCM, hệ thống này có 71 cửa hàng phân phối xăng dầu, 45 thương nhân nhượng quyền bán lẻ; mặc dù số lượng chỉ chiếm 20% trong tổng số 550 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thành phố nhưng sản lượng chiếm tới 40% thị phần.
“9 tháng năm nay, bình quân Petrolimex Sài Gòn cung ứng 1.500m3/ngày. Từ đầu tháng 10, một số cửa hàng xăng dầu của các đơn vị khác hết hàng, tạm ngưng bán xăng nên đã gây áp lực lên hệ thống, làm cho sản lượng tăng 18% vào ngày 8-9/10; tới ngày 10/11-12/10, sản lượng tăng 200% với 3.100m3/ngày, quá tải cục bộ tại một thời điểm dẫn đến tâm lý khách hàng lo lắng, xếp hàng mua xăng gây ùn tắc hệ thống Petrolimex Sài Gòn và các cửa hàng nhượng quyền” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, sau khi được Sở Công Thương và các cơ quan hỗ trợ cho xe bồn tăng cường chạy trong giờ cao điểm, hiện nay xăng đã được cung ứng đủ cho cửa hàng trong hệ thống để không đứt nguồn, đảm bảo hoạt động diễn ra liên tục.
“Chiều 11/10, xăng dầu thay đổi giá nên áp lực có giảm nhưng 18h vẫn còn áp lực, dù vậy đã giảm 30% áp lực. Tới 12h trưa 12/10, nhu cầu tiêu thụ vẫn dồn về và tăng 18% so với bình quân. Tuy nhiên, tôi tin rằng 1-2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường” - ông Hùng cho biết.
Đại diện Công ty xăng dầu khu vực 2 thuộc Petrolimex Sài Gòn cũng cho biết, tại TPHCM lượng tồn kho trên 3.000m3, vài ngày tới có tàu vận chuyển thêm 100.000m3 xăng các loại nên nguồn cung cho TPHCM đảm bảo hết tháng 10 và sẽ trở lại bình thường.
“Dù hiện nay, áp lực xăng dầu vẫn tăng 135% nhưng vẫn đáp ứng được cho TPHCM. Trong hệ thống phân phối và nhượng quyền của Petrolimex Sài Gòn thì không có cửa hàng nào dừng hoạt động. Chúng tôi chịu nhiều áp lực khi nhu cầu tăng lên đột xuất nhưng vẫn đảm bảo đủ số lượng, hoạt động dần trở lại bình thường” – ông Hùng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, từ 10/10, cửa hàng xăng dầu được nhập xăng chỉ có 7,4%; số lượng này dần tăng lên trong ngày 11/10, đạt 39%; ngày 12/10 đã đạt gần 68%. Sau thời gian xăng tăng giá, việc xếp hàng mua xăng giảm đáng kể. Đến hôm nay tình hình đã dịu đi rất nhiều.
Xuất nhập khẩu tăng
Sở Công Thương TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm nay, các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Thành phố đã khôi phục hoạt động 223 chợ, 3 chợ đầu mối, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 3.000 cửa hàng tiện lợi.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 9 ước đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng hơn 97% so với tháng cùng kỳ. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm hơn 56%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước tháng 9 ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng gần 23% so với tháng 9 năm 2021. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dự ước đạt gần 37 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,4%).
Kim ngạch nhập khẩu qua cửa khẩu cả nước tháng 9 ước đạt gần 5 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước nhưng tăng gần 23% so với tháng cùng kỳ. Cộng dồn 9 tháng ước đạt gần 49 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.