Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc PAMAir, suốt buổi sáng 22/9, hầu hết các điểm đo ở TPHCM có chỉ số AQI từ 120 đến 160. Vào 12h trưa qua, tại Phú Mỹ Hưng (quận 7), chỉ số AQI là 153, tại The Manor Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đạt 153, tại Học Lạc (quận 5) là 151. Chỉ số này duy trì gần như cả ngày hôm qua. Các điểm đo khác, chỉ số AQI thường ở mức trên 120 như ở điểm đo Nguyễn Khoái (quận 4), điểm đo Cao Lỗ (quận 8), điểm đo Thành Thái (quận 10).
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, AQI từ 100 đến 200 không khó thuộc nhóm chất lượng kém, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp AQI của Mỹ, chỉ số AQI từ 150 đến 200, mọi người có thể bắt gặp một số vấn đề về sức khỏe, người nhạy cảm có thể gặp tác động nghiêm trọng hơn.
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Kết quả quan trắc của đại sứ quán Mỹ tại TPHCM hôm qua cũng cho chỉ số AQI ở mức 129-mức kém.
Không chỉ TPHCM, một số điểm đo khác ở Nam bộ cũng cho thấy không khí ô nhiễm bất thường như Kiên Giang, Vũng Tàu. Vào 15h chiều 22/9, tại Rạch Giá, chỉ số AQI lên tới 156. Tối 21/9, ở Vũng Tàu, chỉ số AQI lên 151, ở Phan Thiết (Bình Thuận) lên tới 158.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đợt ô nhiễm không khí lần này ở TPHCM khá bất thường. Cụ thể, ô nhiễm xảy ra vào cuối tuần và kéo dài cả ngày, không theo quy luật thông thường là ô nhiễm thường cao vào 7-10h sáng, sau đó giảm dần và ổn định.
Trong khi đó, theo báo cáo chất lượng không khí 2018 của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh, chất lượng môi trường không khí ở TPHCM năm 2018 duy trì ở mức trung bình. Số lượng ngày chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn Việt Nam không cao.
Tại điểm đo ở lãnh sự quán Mỹ, năm 2018 có 23 ngày vượt quy chuẩn Việt Nam, điểm đo ở quận 1 là 17 ngày, ở quận 5 là 18 ngày và quận 7 là 33 ngày. Số giờ chất lượng không khí TPHCM lên ngưỡng có hại cho sức khỏe (AQI từ 150) chiếm tỷ lệ khá thấp.