TPHCM: Nhiều nhà bỗng biến thành hầm chìm trong triều cường

TP - Sau khi nâng mặt đường lên cao cả mét, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM đã hết ngập. Nhưng những “căn hầm” là nhà dân lại chìm trong nước khi triều cường hay mưa lớn.
Đường Nguyễn Văn Quá (TPHCM) ngập nặng sau cơn mưa dù mới hoàn thành công trình chống ngập.

Tuyến đường Tam Bình, quận Thủ Đức được đầu tư nâng cao mặt đường lên gần 2m để chống ngập. Sau khi công trình hoàn thành, hàng loạt nhà dân hai bên bị biến thành hầm, nền nhà thấp hơn mặt đường hơn 1m nên người dân phải xây bậc thang để lên xuống. Mỗi khi trời mưa, nước từ trên đường lại chảy tràn xuống nhà gây ngập cục bộ. Do muốn nước rút nhanh, người dân phải mua máy bơm để bơm nước ra ngoài.

Ông Trần Thanh Chương, ngụ đường Tam Bình cho biết, từ khi tuyến đường này được nâng cao, có nhiều nhà dân thấp hơn mặt đường đến 1,7m. “Không cần trời mưa, chỉ cần triều cường lên là nhiều nhà dân cũng bị ngập”- ông Chương nói. 

Nhiều nhà ở trong các con hẻm dọc tuyến đường Tam Bình cũng biến thành nơi chứa nước khi trời mưa. Bà Lê Thị Lợi (50 tuổi, ngụ hẻm 142) cho biết, mỗi khi mưa lớn nước từ trên đường dồn xuống hẻm chảy thẳng vào nhà, dù đã xây bờ chắn.

Tương tự đường Phạm Văn Đồng qua địa bàn quận Thủ Đức sau khi được nâng cao đã hết ngập nhưng lại biến các con hẻm hai bên đường thành hầm chứa nước. Nhiều người dân sống ở các tuyến đường như đường số 20, đường Kha Vạn Cân, đường Linh Đông… không còn cách nào khác là xây tường ngăn nước vào nhà.

Càng chống càng ngập

Hơn 160 tỷ đồng là số tiền TPHCM đầu tư thi công nâng mặt đường, xây cống hộp thoát nước kích thước lớn với mục tiêu chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Văn Quá qua địa bàn quận 12 và khu vực lân cận. Dự án khởi công từ tháng 9/2015 và đưa vào sử dụng cuối tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân sống trên tuyến đường này chưa kịp mừng thì những cơn mưa đầu mùa đã biến tuyến đường đoạn qua phường Đông Hưng Thuận thành biển nước. Hàng trăm căn nhà bị nước ngập ngang thắt lưng. 

Một người dân ở đây cho biết chưa bao giờ thấy cảnh ngập nặng như vậy. Bình thường ngập 1-2 tiếng là rút nhưng trận mưa này ngập nửa ngày vẫn chưa rút hết nước.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị, các công trình chống ngập vừa xây xong đã gây ngập lớn hơn như đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, là do đoạn cuối của hệ thống cống này không thể thoát được nước gây ngập ngược lại. Trong quá trình thiết kế chống ngập, cơ quan chức năng không khảo sát kỹ từng địa bàn cụ thể mà dựa trên bản đồ để xây dựng.

Còn về tuyến đường Tam Bình, đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TS Phạm Sanh cho rằng, nâng đường chống ngập là giải pháp hoàn toàn sai lầm bởi khi đường nâng cao, nhà dân sẽ bị đẩy xuống thấp. Khi đó, đường hết ngập nhưng nhà dân lại ngập do nước không có lối thoát. Riêng đường Phạm Văn Đồng được xây dựng mới hoàn toàn, nhiều khu vực cống thoát nước của đường cao hơn nhà dân, những đoạn cống khu dân cư bị nghẹt nhưng không được khai thông…