TPHCM: Thiệt đơn, thiệt kép vì bồi thường, tái định cư

TPHCM: Thiệt đơn, thiệt kép vì bồi thường, tái định cư
TP - Tạm cư kéo dài trong điều kiện tồi tệ, Nhà nước chưa quan tâm đến những tổn thất vô hình trước và sau khi người dân bị thu hồi đất khiến đời sống của rất nhiều hộ dân sau giải tỏa bị giảm sút, thậm chí lâm vào cảnh khó khăn…
TPHCM: Thiệt đơn, thiệt kép vì bồi thường, tái định cư ảnh 1
Bà Lê Thị Bạch Tuyết (quận 2): “Sau tái định cư, các hộ dân chịu rất nhiều thiệt thòi”

Những vấn đề trên đã được đề cập thẳng thắn tại hội thảo góp ý kiến về thực hiện chính sách tái định cư do Ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 21/11.

Tạm cư hơn… 10 năm

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng (XD), kể từ năm 1998 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện 638 dự án sử dụng vốn ngân sách với gần 110 nghìn hộ dân bị giải tỏa di dời. Có hơn 27.100 hộ dân yêu cầu tái định cư (TĐC), trong đó hơn 7.300 hộ đã được tái bố trí nơi ở mới, còn lại (gần 18.400 hộ) chưa được giải quyết.

Để có quỹ nhà tái định cư phục vụ các dự án trên, thành phố đã đầu tư 52 dự án nhà ở TĐC và điều tiết quỹ nhà còn dôi dư từ chương trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn mua lại gần 4.000 căn hộ chung cư, 3.300 nền đất của các DN bất động sản để phục vụ nhu cầu TĐC.

Tại sao người dân sau khi bàn giao mặt bằng vẫn phải tạm cư, có nhiều trường hợp kéo dài đến hơn 10 năm? Ông Nguyễn Văn Hiệp – Phó Giám đốc Sở XD thừa nhận: Nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã không có kế hoạch xây dựng quỹ nhà TĐC, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, số hộ bị giải tỏa rất lớn như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Hoàng Hoa Thám, công viên vòng xoay chân cầu Sài Gòn, các dự án do quận – huyện là chủ đầu tư hay chương trình di dời gần 1.000 hộ dân sống trong khuôn viên trường học – bệnh viện.

Bên cạnh đó, khi triển khai dự án xây dựng đường dây tải điện, do số hộ bị ảnh hưởng trong mỗi dự án tương đối ít nên người ta không chú ý đến TĐC; đến khi nhiều dự án gộp lại, tổng số hộ đang tạm cư là một con số khổng lồ, người ta mới …giật mình.

Tổn thất vô hình: Chưa tính đúng, tính đủ!

Ông Trương Trọng Nghĩa- Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh khẳng định: Chưa bàn đến giá bồi thường cao hay thấp, chỉ tính riêng thời gian quy hoạch “treo”, người dân đã bị tổn thất không nhỏ nhưng lại không được nhà nước bù đắp.

Đó là trong thời gian chờ bàn giao mặt bằng, người dân không được sửa chữa, sang nhượng hay cầm cố căn nhà, thửa đất để vay vốn, bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành- Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết qua khảo sát rộng rãi 7 khu TĐC từ các quận nội thành đến vùng ven, cho thấy: Sau khi đến nơi ở mới, tỉ lệ thay đổi việc làm rất thấp (chiếm 12,7%) vì người dân không được tái bố trí ở những nơi có nhiều nhu cầu việc làm hay thị trường buôn bán thuận lợi nên đa số phải quay về nơi ở cũ để làm việc, buôn bán, chịu đựng những khó khăn, tổn thất để giữ công ăn việc làm cũ.

Chưa hết, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TPHCM, do không được TĐC ở những nơi có nhiều nhà máy, số người trên 35 tuổi chiếm hơn 40% và hầu hết có trình độ văn hóa thấp nên họ không thể tham gia các khóa học nghề, mất cơ hội được hưởng chính sách ưu đãi cho người dân sau giải tỏa.

Đại diện cho các hộ bị thu hồi đất, bà Lê Thị Bạch Tuyết (phường Thủ Thiêm, quận 2) bức xúc: Nếu mua nhà TĐC, nhiều hộ dân phải vay tiền và lâm vào cảnh nợ nần không mong muốn. Ở trong căn nhà cũ (đã bị giải tỏa) dù tuềnh toàng nhưng người dân vẫn thấy thoải mái vì mình làm chủ, không bị nợ nần, thuận lợi trong công ăn việc làm, trong khi căn hộ TĐC vừa bất tiện trong việc đi lại, vừa không đích thực là của mình.

"Nghị quyết số 18 của Ban thường vụ Thành ủy nêu rõ: Chính sách bồi thường phải đảm bảo tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương tốt nhưng chưa có chính sách tốt, chăm lo đầy đủ đời sống tinh thần, vật chất, việc làm, việc học của người dân sau TĐC. HĐND thành phố sẽ yêu cầu UBND thành phố rà soát lại vấn đề TĐC, xây dựng cơ chế chính sách mới, quan tâm hơn đến đời sống, việc làm của người dân sau khi TĐC"- Bà Phạm Phương Thảo - Chủ tịch HĐND TPHCM nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...