TPHCM: Loạt quận, huyện chưa báo cáo về thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin Truyền thông và 15 quận huyện, thành phố trên địa bàn TPHCM chưa báo cáo về thị trường bất động sản theo quy định.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng năm 2022 về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TPHCM.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM về báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng năm 2022 về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn TPHCM, ngày 30/12/2021, Sở Xây dựng đã gửi công văn gửi các sở ngành, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện đề nghị báo cáo nội dung liên quan đến lĩnh vực, chức năng quản lý, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị theo đề cương của Ban chỉ đạo Trung ương.

Tuy nhiên, đến nay, Sở Xây dựng mới nhận được báo cáo của 8 sở, ngành và 7 quận huyện. Trong khi đó, có 5 sở chưa báo cáo, gồm Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin Truyền thông. 15 quận huyện, thành phố chưa báo cáo, gồm TP.Thủ Đức và quận 1, 5, 7, 8, 10, 11, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Dù nhiều sở ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức chưa báo cáo nhưng Sở Xây dựng đã tổng hợp, hoàn chỉnh và dự thảo để UBND TPHCM báo cáo Bộ Xây dựng (Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản) về nhiệm vụ năm 2021, năm 2022 trên địa bàn TPHCM.

TPHCM: Loạt quận, huyện chưa báo cáo về thị trường bất động sản ảnh 1

Năm 2022, thị trường bất động sản TPHCM có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Dự thảo báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Xây dựng bao gồm 2 phụ lục. Theo đó, dự thảo phụ lục 1 có một số điểm đáng chú ý như tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 17,32% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, còn tổng vốn đăng ký giảm sâu 84,6%; đây là năm thứ hai liên tiếp hoạt động kinh doanh bất động sản TPHCM suy giảm. Điểm sáng là vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt 214,1 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn thấp hơn năm 2019 tới 53,3%.

Ngoài ra, UBND TPHCM thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn TPHCM.

Dự thảo cũng nêu dự báo năm nay, dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội và đổ mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.

Tuy nhiên, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tình trạng “sốt, nóng” cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.

Với tình hình hiện nay, TPHCM dự báo thị trường bất động sản năm 2022 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng hay bong bóng; ngược lại, sẽ theo hướng ổn định và bền vững hơn năm 2021. Khi kinh tế có thể giữ nhịp và kiểm soát được đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục chứng kiến sự phục hồi nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư có thể sẽ tăng trở lại.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.