TPHCM: Khởi động nhiều dự án giải tỏa áp lực giao thông nội đô

TPHCM: Khởi động nhiều dự án giải tỏa áp lực giao thông nội đô
TP - TPHCM đang triển khai nhiều dự án giao thông, vận tải quy mô lớn và không ít dự án được khởi động ngay trong tháng đầu năm. Việc khởi động những dự án này là động thái tích cực cho việc giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội đô.
TPHCM: Khởi động nhiều dự án giải tỏa áp lực giao thông nội đô ảnh 1

Khi Cảng Sài Gòn được di dời, áp lực giao thông khu vực nội đô TPHCM sẽ giảm xuống     

Tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) vốn được người dân thành phố chờ đợi từ lâu, theo dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 1/2008.

Tuyến đường sắt đô thị này dài gần 20km, có điểm đầu (ga số 1) từ trước chợ Bến Thành và điểm cuối (ga số 14) cách khu du lịch Suối Tiên 2km.

Trên toàn tuyến có 2,6km nằm trong trung tâm được thiết kế đi ngầm, phần còn lại đi trên cao vượt qua sông Sài Gòn và đi song song hành lang xa lộ Hà Nội đến điểm cuối. 

Theo thiết kế, đoàn tàu chạy trên tuyến đường sắt này gồm 6 toa, với sức chứa gần 1.000 người. Mỗi chuyến tàu chạy cách nhau từ 5-6 phút/chuyến vào giờ cao điểm. Xung quanh nhà ga có bãi giữ xe, siêu thị, trung tâm thương mại… và có hệ thống xe buýt trung chuyển đến những nơi cần đến. Theo tính toán, chi phí đi suốt tuyến chỉ mất 6.000 đồng/người/lượt.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013 và sẽ chính thức khai thác vào đầu năm 2014. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt số 1 sẽ trở thành xương sống trong vận chuyển hành khách công cộng nội đô theo trục Đông-Tây với 526.000 khách/ngày. Trong tương lai, tuyến đường sắt này còn nối đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Chuẩn bị cho dời cảng

Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn, ông Lê Công Minh, cho biết năm 2008 CSG sẽ tập trung đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cảng mới nước sâu tại khu vực cửa ngõ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Hiệp Phước (TPHCM).

Đó là 4 dự án đầu tư xây dựng cảng mới đã được Chính phủ cấp phép. Theo đó, tại Cái Mép - Thị Vải, Cảng quốc tế Sài Gòn SSA (liên doanh giữa CSG và Tập đoàn hàng hải Hoa Kỳ SSA) sẽ được khởi công trong quý I/2008 và đưa vào khai thác cuối 2010.

Cảng Sài Gòn SSA có công suất hơn 1 triệu TEUs Container/năm với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD. Một dự án khác, Cảng Quốc tế Cái Mép, liên doanh giữa CSG với Cry Maersk A/S (Đan Mạch) công suất 1,2 triệu TEUs/năm cũng được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.

Trước đó, vào giữa tháng 10/2007 dự án cảng tổng hợp Thị Vải- liên doanh giữa CSG và Cty PSA Việt Nam (Singapore) đã được khởi công. Cảng được xây dựng trên diện tích 56 ha, được đầu tư trong 2 giai đoạn và hoàn thiện vào năm 2010. Cảng có công suất 2,2 triệu TEUs/năm và có khả năng tiếp nhận tàu 75.000 DWT.

Trên sông Soài Rạp, dự án Cảng Hiệp Phước với diện tích 54 ha cũng đang tích cực triển khai. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 160 triệu USD. Dự án có khả năng thông qua 7,5 triệu tấn hàng và dự kiến sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2011. Đây là cảng phục vụ cho công tác di dời các cảng Nhà Rồng, Khánh Hội vào năm 2010.

Theo ông Minh, sau khi các dự án cảng mới nước sâu hoàn thành và đưa vào sử dụng tổng năng lực thông qua của CSG sẽ được nâng lên khoảng 55 triệu tấn, trong đó có hơn 4 triệu TEUs Container, tăng gấp 4 lần khả năng khai thác hiện nay. Ngoài ra, việc di dời các cảng sẽ góp phần tích cực trong giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội đô. 

MỚI - NÓNG