TPHCM đề xuất quy định giờ bán xăng dầu tối thiểu 12 tiếng/ngày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Sở Công Thương TPHCM, để tránh tình trạng doanh nghiệp (DN) đăng ký, thay đổi, giảm thời gian bán hàng nhất là trong trường hợp nguồn cung xăng dầu thiếu hụt thì cần có quy định về thời gian bán hàng của các cây xăng trên địa bàn.

Sở Công Thương TPHCM cho biết đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, các DN có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện gửi thông báo đăng ký thời gian bán hàng đến Sở Công Thương. Tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể do DN tự xác định.

Sở Công Thương TP cho rằng, có trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động 24/24 giờ; nhưng có DN đăng ký bán hàng từ 6 - 18 giờ hàng ngày, hay chỉ bán đến 17 giờ hàng ngày.

“Thời điểm 17 - 18 giờ hàng ngày là giờ tan tầm, lượng xe lưu thông lớn và có nhu cầu đổ xăng dầu rất cao. Vì vậy các cây xăng chỉ phục vụ đến 17-18 giờ hàng ngày không phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở TPHCM, nhất là có thời điểm thiếu hụt xăng dầu cục bộ trong thời gian qua” – Sở Công Thương cho biết.

TPHCM đề xuất quy định giờ bán xăng dầu tối thiểu 12 tiếng/ngày ảnh 1

Sở Công Thương TPHCM đề xuất giờ bán xăng dầu (ảnh: Phạm Nguyễn).

Sở Công Thương đề xuất quy định tổng thời gian bán hàng trong một ngày và giờ bán hàng cụ thể trong ngày do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định theo thực tế, phù hợp với khả năng của DN. Tuy nhiên phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật); phải bảo đảm không mở cửa bán hàng trễ hơn 6 giờ và không đóng cửa trước 18h hàng ngày.

Đối với những ngày lễ, Tết, thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày. Khuyến khích các thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên. Thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ đăng ký thời gian bán hàng sau khi quy định này có hiệu lực.

Thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải niêm yết thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ theo thời gian đã đăng ký. Nội dung niêm yết phải rõ ràng, cụ thể; vị trí niêm yết tại nơi dễ nhận thấy trong phạm vi cửa hàng và thuận tiện cho quan sát của khách hàng.

Với các trường hợp tạm dừng bán hàng, Sở Công Thương cho biết, việc gửi thông báo tạm dừng bán hàng của DN về Sở Công Thương thường chỉ sớm hơn 1-2 ngày so với thời gian tạm dừng bán hàng được đề cập trong văn bản của DN, nhưng cá biệt vẫn có trường hợp thời gian đề xuất tạm dừng bán hàng là thời gian ban hành văn bản, như vậy sẽ không đảm bảo được khung thời gian tối thiểu để Sở có thể xem xét, kiểm tra và có ý kiến chấp thuận hoặc từ chối nếu lý do tạm dừng bán hàng không hợp lý; chưa đảm bảo việc thực hiện nghiêm theo quy định “chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp bất khả kháng như cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng”.

Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến ngày 1/10/2022, thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý và 29 đại lý bán lẻ.

MỚI - NÓNG