Ông Nguyễn Thành Phong, cho biết dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế TPHCM. Trong đó có 6.173 doanh nghiệp ngưng hoạt động và 1.640 doanh nghiệp giải thể, tăng so với cùng kỳ là 17,8%.
Từ nay đến cuối năm 2020, TPHCM triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp với 4 nhóm nội dung gồm: Hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện bảo đảm an toàn; Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt cho người dân; Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch.
Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đề xuất Bộ Công thương đã giảm 10% giá điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020, ước tính số tiền giảm là 11.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề hiện nay vẫn là áp dụng giá điện bậc thang, trong bối cảnh khí hậu nóng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại sau dịch COVID -19 khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao, dẫn đến mức chi tiêu tăng lên.
“Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục giảm 10% giá điện hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Phong nêu.
Về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM đóng góp kinh tế cả nước là 24% và hiện nay là địa phương tăng trưởng chậm nhất do ảnh hưởng dịch bệnh.
TPHCM đã có chủ trương về gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tuy nhiên gói hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng. “TPHCM xin Chính phủ dành khoảng 20% tổng gói hỗ trợ này cho thành phố, thành phố sẽ chịu trách nhiệm chi…để triển khai nhanh nhất hỗ trợ doanh nghiệp và hậu kiểm”, ông Nhân nói.
Từ quý 2 năm 2020, TPHCM sẽ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân trong nước. Ngành dịch vụ du lịch TPHCM sẽ mở cửa có chọn lọc dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới.