TPHCM: Công khai chất lượng bữa ăn bán trú

Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TPHCM). Ảnh: Phan Nga
Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TPHCM). Ảnh: Phan Nga
Trường học kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào, kĩ lưỡng trong chế biến để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh. Nhiều trường còn tạo điều kiện cho cha mẹ tới ăn cùng con; phối hợp với phụ huynh tăng cường công tác kiểm tra giám sát bữa ăn học đường.

Quy trình được thực hiện chặt chẽ

Cứ vào thứ 6 hàng tuần, cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) bắt đầu lên thực đơn bữa ăn bán trú cho HS ở tuần tiếp theo. Thực đơn của HS được lựa chọn dựa vào phần mềm bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Công ty Ajinomoto cung cấp với sự tư vấn về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, bao gồm 120 thực đơn, 360 món ăn ngon miệng, cân bằng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với 3 miền. Lựa chọn món và công thức nấu xong, cô Nguyệt Thu chuyển cho nhà bếp của trường. Đặc biệt, thực đơn của cả tuần công khai trên trang web nhà trường để tiện cho phụ huynh theo dõi.

Liên quan đến nguồn thực phẩm đầu vào, tất cả những đơn vị mà trường chọn để cung cấp đều nằm trong danh sách chuỗi cung ứng thực phẩm an toànmà Ban An toàn thực phẩm TPHCM công khai trên trang web. Về mặt pháp lý, các đơn vị phải cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận, giấy phép đăng ký kinh doanh hay giấy kiểm nghiệm… Sau khi tham khảo, tham quan thực tế, trường mới quyết định ký hợp đồng.

Công đoàn, Chi đoàn, Ban giám hiệu nhà trường kết hợp với phụ huynh kiểm tra bữa ăn. Ngoài ra, đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành còn có kế hoạch kiểm tra đột xuất. Bên cạnh đó, nhằm công khai chất lượng bữa ăn, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo điều kiện cho phụ huynh ăn cùng con. Theo đó, nếu phụ huynh muốn ăn trưa cùng con, sẽ đăng ký báo thêm suất ăn cho nhà bếp.

Quan tâm đặc biệt tới bữa ăn bán trú

Thầy Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3) cho biết, ở các trường mầm non, do phải chuẩn bị cả bữa ăn sáng nên nhân viên nhà bếp phải có mặt từ sáng sớm, khi nhận nguồn thực phẩm đầu vào phải kiểm tra kỹ càng, tem kiểm dịch, trọng lượng, màu sắc, mùi vị... có giấy giao nhận rõ ràng của đơn vị cung cấp thực phẩm.

Các đơn vị lựa chọn đều nằm trong chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm mà Ban An toàn thực phẩm công bố như VietGAP, GlobalGAP... Mẫu thức ăn được lưu lại theo quy định, từng loại riêng. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng của trẻ luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Theo thầy Trần Văn Minh, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận 6), ngoài việc dạy học, nhà trường rất chú trọng bữa ăn bán trú cho HS từ khâu đầu vào thực phẩm, khâu chế biến luôn bảo đảm các quy định về VSATTP của bếp ăn bán trú. Thực phẩm được thay đổi theo tuần, theo mùa và niêm yết công khai tại các lớp học, bảng tin để phụ huynh, HS tiện theo dõi, nắm bắt.

Quản lý nhà trường và nhân viên cấp bếp ăn đều phải nắm vững kiến thức về ATTP; biết cách lựa chọn thực phẩm, nguyên lý bếp một chiều, chế độ kiểm thực ba bước, chế độ lưu mẫu thức ăn; khám sức khỏe định kỳ, trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay trong các khâu chế biến và chia thức ăn.

Ngoài việc bảo đảm chất lượng bữa ăn, thông qua bữa ăn, các trường cũng rèn kỹ năng cho HS, giúp các em hình thành thói quen xếp hàng, tiết kiệm… Theo chia sẻ của các trường tiểu học, khối lớp 1 còn nhỏ được các bảo mẫu hỗ trợ; còn khối lớn hơn, các em đều tự chuẩn bị muỗng, đũa hay dọn bàn ghế hỗ trợ các cô; hay khi ăn xong phải biết bỏ chén, đũa, khay đựng đồ ăn vào từng thùng để các nhân viên mang đi vệ sinh sau bữa ăn được thuận lợi hơn. Qua bữa ăn bán trú, các con hình thành thói quen xếp hàng, kiên nhẫn chờ đợi, biết phụ giúp các cô chuẩn bị cho bữa ăn để về nhà có thể phụ giúp ba mẹ chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà…

Tại Trường Mầm non Hoa Mai, trong năm học này, thay vì cho trẻ ăn sáng theo từng lớp như bình thường, như hầu hết các trường mầm non vẫn thực hiện, trường đã thí điểm cho trẻ ăn sáng tập trung. Theo lãnh đạo nhà trường, việc ăn sáng tập trung sẽ tạo cho các con làm quen với việc sinh hoạt tập thể, dần dần rèn thói quen cho các con tự phục vụ bản thân.

Trường cũng thường xuyên thay đổi hình thức bữa ăn, có những hôm các con ăn theo phần, khay đồ ăn của mình; cũng có những hôm các con sẽ ngồi ăn giống như bữa cơm gia đình, thức ăn được chia theo từng đĩa lớn, nhỏ, các con tự chọn thức ăn, tự phục vụ…

Theo Theo Giáo dục thời đại
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.