TPHCM có 12 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND TP nhiệm kỳ 2021 -2026

TPO - Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu tham dự đã thống nhất giới thiệu 45 đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội; 106 đại biểu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có 2 đại biểu Quốc hội và 10 đại biểu HĐND TPHCM tự ứng cử.

Ngày 9/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 và Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026. Theo kế hoạch, TPHCM sẽ bầu 30 ĐBQH, trong đó 15 đại biểu do trung ương giới thiệu. Các đại biểu đã thống nhất TPHCM sẽ giới thiệu 45 đại biểu.

Cụ thể cơ cấu thành phần của 45 đại biểu như sau: Lãnh đạo chủ chốt TPHCM 2 đại biểu; số đại biểu chuyên trách 2 đại biểu; MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội 10 đại biểu; lực lượng vũ trang TPHCM 4 đại biểu; cơ quan tư pháp 2 đại biểu; lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế 8 đại biểu; viện nghiên cứu, đại học, học viện 7 đại biểu; doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp 6 đại biểu; tôn giáo 2 đại biểu; tự ứng cử 2 đại biểu.

Như vậy, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, sẽ có 60 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH tại TPHCM. Dự kiến, sau 3 lần hiệp thương, số lượng này giảm xuống còn 50 người để phân bổ và tiến hành bầu tại 10 tổ bầu cử trên địa bàn TPHCM.

Hội nghị hiệp thương lần 1 đã thống nhất cơ cấu, thành phần ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Thành ủy TPHCM

Về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026; theo kế hoạch, cử tri TPHCM sẽ tiến hành bầu 95 đại biểu HĐND TPHCM khóa X, giảm 10 đại biểu so với nhiệm kỳ IX.

Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã thống nhất số lượng đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa X là 160 đại biểu. Sau các vòng hiệp thương, số lượng đại biểu còn lại là 159 để tiến hành bầu tại 32 tổ bầu cử.

Cụ thể, trong 160 đại biểu này có đại diện khối Thành ủy 6 đại biểu; Đại biểu chuyên trách HĐND TPHCM 19 đại biểu; cơ quan quản lý Nhà nước TP 18 đại biểu; MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM 9 đại biểu; Lực lượng vũ trang 6 đại biểu; cơ quan tư pháp 4 đại biểu; TP Thủ Đức, quận, huyện 45 đại biểu; đơn vị sự nghiệp 13 đại biểu; trí thức - văn nghệ sĩ 6 đại biểu; cơ quan báo chí 5 đại biểu; doanh nghiệp 12 đại biểu; đại biểu Tôn giáo 7 đại biểu; đại biểu tự ứng cử 10 đại biểu.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Tô Thị Bích Châu cho biết: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đang được các cấp nỗ lực triển khai và tổ chức thực hiện. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực các cấp.

Bà Tô Thị Bích Châu - Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM

Theo bà Tô Thị Bích Châu, việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới được thực hiện theo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, trong đó MTTQ Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, hiệp thương giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, thành phần, đặc biệt là tiêu biểu về uy tín, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, trung thành với Tổ quốc nhằm đại diện cho Nhân dân.

“Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đúng tiến độ về thời gian cho từng công việc, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.” - Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.