TPHCM chuyển sang trạng thái bình thường mới từ 1/10: Ưu tiên khôi phục sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 1/10, người dân có “thẻ xanh” (đã tiêm vắc-xin) sẽ được trực tiếp vào siêu thị mua sắm
Từ ngày 1/10, người dân có “thẻ xanh” (đã tiêm vắc-xin) sẽ được trực tiếp vào siêu thị mua sắm
TP - Ngày 30/9, TPHCM họp báo công bố Chỉ thị tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố từ ngày 1/10.

Theo đó, sau ngày 30/9, TPHCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh.

Mọi người không đồng loạt ra đường

“Không phải ngay sau 30/9, TPHCM sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Đưa hoạt động sinh hoạt người dân từng bước về trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đồng loạt ra đường” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nói và cho biết, từ ngày 1/10, TPHCM sẽ không cấp giấy đi đường, mà thay vào đó áp dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, trước ngày 1/10, Công an TPHCM sẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, thành phố sẽ duy trì 12 chốt chính, 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người ra vào TPHCM. “Người dân có nhu cầu về quê không được tự ý đi bằng xe cá nhân. Với 51 chốt của TPHCM, nếu người dân cùng kéo về các tỉnh sẽ gây ra tình trạng ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của chuỗi cung ứng hàng hóa. Công an TPHCM sẽ phối hợp với Công an các địa phương để kiểm soát, xử lý” - ông Quang nói.

Tiếp tục kiểm soát người ra vào TPHCM

Ngày 30/9, Thủ tướng ban hành công điện về việc tiếp tục kiểm soát người ra vào TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Công điện nêu rõ, hiện nay nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực TP.HCM và 3 tỉnh trên với các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Vì vậy, nếu dịch lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện việc kiểm sát người ra vào khu vực TP.HCM và 3 tỉnh lân cận. Việc đưa người ra, vào khu vực phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực và các địa phương khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài khu vực.

Văn Kiên

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho biết, từ nay TPHCM chỉ sử dụng một ứng dụng dùng chung là PC-COVID. Đây là ứng dụng quản lý mã QR cá nhân, quét mã QR, khai báo y tế, thông tin tiêm vắc-xin, thông tin xét nghiệm tại các điểm kiểm soát… “TPHCM sẽ có giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn 1 sẽ chuyển toàn bộ người dùng của Y tế HCM vào PC-COVID. Sau đó, giai đoạn 2, Y tế HCM sẽ thành một phần của PC-COVID. Người dân chỉ cần khai báo đúng số điện thoại và thông tin thì các nội dung sẽ tự động chuyển để tạo tiện ích cho người sử dụng” - bà Trinh nói.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang chia sẻ thêm, trong thời gian ứng dụng PC-COVID chưa được cập nhật đồng bộ, người dân có thể trình giấy xác nhận tiêm chủng ít nhất 1 mũi, hoặc người là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày có giấy xác nhận cũng được lưu thông.

Hướng đến 3 mục tiêu

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, song tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc-xin tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng. Do đó, chỉ thị mới của TPHCM hướng đến 3 mục tiêu: Tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn thành phố, kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả, mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố; Đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Ông Bình cũng cho biết, thành phố triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm: “An toàn là trên hết”, “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp cao hơn hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp. “Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động”, ông Bình nói. UBND TP HCM yêu cầu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng, triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện Chỉ thị trên địa bàn quản lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Về kế hoạch giao thông liên vùng, ông Lê Hòa Bình cho biết, TPHCM đã có bộ tiêu chí gửi cho 5 tỉnh, thành lân cận. Theo đó, người dân đang cư trú ở thành phố có nhu cầu về quê phải có tổ chức, vừa qua thành phố đã tổ chức cho 35.000 người về quê. Những công nhân, người dân muốn quay lại TPHCM sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải TPHCM.

MỚI - NÓNG