TP.HCM chỉ đạo chuyển trường cho nữ sinh khóc vì 'cô giáo không nói'

Sáng 6/4, UBND TP.HCM tổ chức họp khẩn liên quan việc cô giáo Trần Thị Minh Châu không giảng bài. Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng nhà trường giải quyết vụ việc quá chậm.
Tại cuộc họp khẩn sáng 6/4 về vụ cô giáo Trần Thị Minh Châu, THPT Long Thới, TP.HCM không giảng bài suốt hơn ba tháng, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Sở GD&ĐT TP.HCM đã biết nguyện vọng chuyển trường của em Phạm Song Toàn.

Giải quyết vụ việc quá chậm

Nữ sinh này đang chịu áp lực rất lớn sau khi phản ánh giáo viên dạy Toán của lớp em không giảng bài, không trò chuyện với học sinh, chỉ cho chép và giao bài tập. Hơn một học kỳ, lớp của Song Toàn tự học, không biết bày tỏ nỗi lòng với ai.
TP.HCM chỉ đạo chuyển trường cho nữ sinh khóc vì 'cô giáo không nói' ảnh 1 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho rằng nhà trường và Sở GD&ĐT TP.HCM giải quyết vụ việc chậm.
Bà thu không hài lòng khi đến giờ này vẫn để cô giáo đứng lớp, khiến dư luận lo lắng. Vai trò của người đứng đầu rất lớn nhưng có thể hiệu trưởng xem đây là sự việc bình thường nên không giải quyết rốt ráo, kể cả ban giám đốc sở cũng không chỉ đạo giải quyết dứt điểm. "Việc em Toàn phản ánh như thế là đúng. Nhưng học sinh, phụ huynh lớp này hơn một nửa đồng ý để cô giáo tiếp tục đứng lớp. Việc đúng không bảo vệ, việc sai cũng im lặng thì chúng ta đào tạo ra thế hệ như thế nào đây, một thế hệ công dân tương lai sẽ như thế nào", bà Thu đặt câu hỏi. Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng để em Toàn một mình đối chọi dư luận, việc này nhà trường và lãnh đạo sở giáo dục phải suy nghĩ cẩn trọng. Cũng cùng sự việc diễn ra trong nhà trường, cùng tường hợp giáo viên cư xử với học sinh, phụ huynh, ví dụ ở Hải Phòng, nhà trường thanh lý hợp đồng với cô giáo ngay. "Tôi đồng ý chúng ta chưa đưa ra quyết định kỷ luật ngay được, nhưng động thái xử lý như hiện nay là chậm, để giáo viên sai phạm lớn như thế mà vẫn đứng lớp", bà Thu phát biểu. Theo phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc quan trọng nhất hiện nay là ổn định tinh thần cho em Song Toàn và cả lớp, tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt nhất. “Trong quá trình xử lý, các đồng chí phải căn cứ các điều luật, văn bản liên quan trách nhiệm, đạo đức của giáo viên để xử lý kiên quyết, đúng quy trình để không có oan ức, khiếu nại về sau. Nếu cô Châu từng có sai phạm và được ngành giáo dục mở ra con đường cho cô làm lại từ đầu, thì đó là tinh thần nhân văn trong giáo dục. Nhưng cô tiếp tục sai phạm thì tôi nghĩ có lẽ cô khó thay đổi tích cực trong tương lai”, phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu. Bà Thu cho rằng để nữ sinh học tại trường có thể có nhiều khả năng xấu xảy ra với em. Bà đề nghị tạo điều kiện cho nữ sinh chuyển trường. 'Lên lớp không nói gì là bạo hành về tinh thần'

Bà Thu đánh giá việc cô giáo lên lớp không nói gì là sự bạo hành về tinh thần, một sự việc rất nghiêm trọng; đề nghị ban giám đốc sở GD&ĐT theo dõi, quan tâm tình hình sát sao, tư vấn cho trường xử lý đúng quy trình.

Học sinh chắc chắn đã phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, nhưng thầy cô không báo cáo lên trên. Có lẽ, giáo viên coi đây là điều bình thường.

Ngành giáo dục có những quy định riêng xử lý về điều này. Sở phải chung tay hỗ trợ nhà trường, để xử lý không sai đối với cô Châu, xử lý đúng mực, không du di, không thỏa hiệp.

"Ngành giáo dục nên xem lại trách nhiệm của mình. Việc bạo hành xảy ra ngay trong khối trường công lập là rất nghiêm trọng. Sở GD&ĐT cần chấn chỉnh việc này để tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt nhất, để ngành giáo dục không mất uy tín và đây cũng chính là uy tín của thành phố", bà Thu nói.

Chuyển trường cho học sinh, kỷ luật hiệu trưởng và cô giáo

Chia sẻ quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trưởng ban Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đánh giá công tác tư tưởng chính trị của trường THPT Long Thới không tốt.

"Em Song Toàn phải đối mặt áp lực dư luận lớn trong khi nhà trường lại có những phát biểu bất nhất khiến dư luận hiểu sai", bà Hoài nói.

Trong cuộc họp, ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhận trách nhiệm của sở, đồng thời khẳng định: "Tuần sau, em Toàn sẽ được chuyển trường. Hiệu trưởng trường THPT Long Thới, cô Châu và những người liên quan khác sẽ bị kỷ luật".

Trước đó, trong chương trình gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cùng học sinh trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 23/3, nữ sinh Phạm Song Toàn phản ánh giáo viên dạy Toán của lớp em không giảng bài, không trò chuyện với học sinh, chỉ cho chép và giao bài tập. Hơn một học kỳ, lớp của Song Toàn tự học, không biết bày tỏ nỗi lòng với ai.

Hiệu trưởng trường THPT Long Thới cho hay nữ sinh vấp phải làn sóng tẩy chay ngay trong lớp học của mình.

Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá đây là vụ việc gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học sinh, tạo bức xúc cho phụ huynh, xã hội, làm ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo, nên phải xử lý nghiêm vi phạm.

Theo kiểm tra bước đầu, Sở GD&ĐT TP.HCM xác định: Cô Trần Thị Minh Châu có sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của giáo viên khi giảng dạy môn Toán tại lớp 11A1.

Giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của học sinh đã không làm tròn trách nhiệm, không xử lý kịp thời các ý kiến của em Phạm Song Toàn và không phản ánh lên cấp trên.

Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường đã thiếu sót trong công tác quản lý, để sự việc xảy ra trong thời gian dài mà không phát hiện, xử lý.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG