TPHCM cấp mã QR cho dân sản xuất, lưu thông

0:00 / 0:00
0:00
Người dân quét mã QR khi qua chốt kiểm soát dịch
Người dân quét mã QR khi qua chốt kiểm soát dịch
TP - Người dân đang sinh sống tại Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ sẽ được cấp mã QR hoặc mã số để tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông.

Theo UBND TPHCM, từ ngày 16-30/9, các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp ở 3 địa phương này và khu công nghệ cao được thí điểm triển khai cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần. Thành phố sẽ thí điểm triển khai “thẻ xanh COVID” gắn với mã QR cá nhân và đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.

“Theo kế hoạch, từ ngày 16/9, người dân trên địa bàn Quận 7 sẽ bắt đầu được đi chợ 1 tuần 1 lần. Sẽ có 21.206 hộ ở vùng xanh/92.986 hộ dân trên địa bàn thuộc 452 tổ dân phố trên địa bàn 10 phường. Mỗi người đi chợ hộ sẽ được phát 1 phiếu. Người đi chợ phải đảm bảo đã được tiêm vắc-xin ít nhất 1 mũi, thực hiện theo yêu cầu 5K chỉ đi trên địa bàn mỗi phường. Phiếu quy định thời gian, địa điểm để đảm bảo giãn cách tránh tập trung đông người”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nói.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ UBND TPHCM, Sở TT&TT phối hợp Sở Y tế phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố “Y tế HCM” thành nền tảng ứng dụng thống nhất triển khai thí điểm tại Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. Sáng 16/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, người dân khi tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn thí điểm tại các quận, huyện trên sẽ được cấp 1 mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh “Y tế HCM”.

Nếu người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số (qua tin nhắn điện thoại SMS) hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ. Các thông tin chính gắn với mã QR cá nhân của người dân gồm: khai báo y tế; lịch sử tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (mũi 1, mũi 2); kết quả xét nghiệm; thông tin theo dõi sức khỏe tại nhà (dành cho F0 cách ly tại nhà).

Người dân cần thực hiện khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động (hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn/) trước khi ra đường. Xuất trình mã QR hoặc mã số để kiểm tra khi đến trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất, kinh doanh; các nơi có kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... Khai báo sức khỏe và cách ly tại nhà (dành cho F0 cách ly tại nhà).

Cuối tháng 9 sẽ kiểm soát được dịch

Tiêm vắc-xin đang dần đạt độ bao phủ, số ca mới mắc giảm dần, số ca tử vong giảm đáng kể, nên các chuyên gia dự báo, đến cuối tháng 9 này, dịch COVID-19 ở TPHCM sẽ được kiểm soát. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, bày tỏ tin tưởng rằng, đến hết tháng 9, dịch COVID-19 tại TPHCM sẽ được kiểm soát tốt. Về nguyên tắc của bệnh truyền nhiễm nói chung, tốc độ lây nhiễm của COVID-19 đã đạt đỉnh. Thành phố cơ bản đã hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin mũi 1, đang đẩy nhanh tiến độ chích mũi 2. Vắc-xin bao phủ đến đâu thì dịch sẽ lây chậm lại đến đó.

Với nhóm bệnh nặng và tử vong, bác sĩ Khanh nói rằng, những trường hợp này do chưa được chích vắc-xin, người có bệnh lý nền chưa chích ngừa kịp sau khi nhiễm bệnh rơi vào nguy kịch. Đến nay, nhóm bệnh nhân có diễn tiến nặng nhưng đã chích vắc-xin nên sẽ được bảo vệ. Thời gian tới, số ca bệnh tử vong sẽ tiếp tục giảm sâu. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức), nhận định, thời gian qua TPHCM áp dụng các biện pháp phòng dịch quyết liệt, tiến độ phủ vắc-xin đã được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, TPHCM và Bộ Y tế đã đưa ra hướng điều trị COVID-19 tại cộng đồng hợp lý hơn, các trạm y tế hay bệnh viện tuyến quận, huyện đã ổn định hơn, đội ngũ nhân viên y tế đã từng bước kiểm soát được tình hình, nên số lượng bệnh nặng ở các nơi cũng như con số tử vong bắt đầu giảm rõ rệt.

Ngày 16/9, bác sĩ Linh cho biết, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) đang điều trị gần 700 ca F0, trong đó 150-200 người giảm dần mức độ nặng. Bệnh viện thuộc tầng cuối trong mô hình điều trị 3 tầng, có quy mô lớn nhất TPHCM, đi vào hoạt động từ ngày 14/7, đến nay đã thu dung hơn 2.900 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đến nay, trên 50% bệnh nhân đã xuất viện hoặc giảm từ độ nặng sang nhẹ, được chuyển đến bệnh viện tầng dưới tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Linh, những ngày cuối tháng 8, số bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 luôn trên 700 người mỗi ngày. Từ đầu tháng 9 đến nay, số bệnh nhân nhập viện giảm dần, hằng ngày có khoảng 30-50 ca xuất viện. Số ca tử vong cũng giảm từ 16-17 xuống 9-10 mỗi ngày. Trong khi đó, bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, cho biết, lúc cao điểm dịch, bệnh viện tiếp nhận điều trị trên dưới 700 bệnh nhân, trong đó nhóm bệnh nhân nặng hầu hết đều tử vong. Tuy nhiên, số ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện chỉ còn trên dưới 400 bệnh nhân mỗi ngày. Đến nay, tỷ lệ tử vong so với giai đoạn cao điểm dịch đã giảm được gần 50%. Tương tự, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn lúc cao điểm tiếp nhận hơn 700 bệnh nhân, nhưng đến nay chỉ còn hơn 400 bệnh nhân.

MỚI - NÓNG