TPHCM : Cần Giờ sơ tán dân và cho HS nghỉ học

TPHCM : Cần Giờ sơ tán dân và cho HS nghỉ học
TPO - Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, huyện Cần Giờ phải cho học sinh nghỉ học và khẩn trương sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm thuộc 7 phường xã, thị trấn – đặc biệt là xã đảo Thạnh An đến nơi trú ẩn an toàn trước 16 giờ ngày 17/11.
TPHCM : Cần Giờ sơ tán dân và cho HS nghỉ học ảnh 1

Lãnh đạo  TPHCM chỉ đạo ứng phó bão số 10 trong cuộc họp khẩn sáng 17/11. Ảnh : Huy Thịnh

Sáng nay 17/11, lãnh đạo Thành ủy, UBND và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM (BCH PCLB) đã có cuộc họp khẩn với các Sở Ngành và UBND 24 quận huyện để tìm biện pháp ứng phó với cơn bão số 10.

Ông Đoàn Văn Sơn – Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết từ 10 sáng 17/11, huyện bắt đầu cho sơ tán toàn bộ dân (khoảng 2.000 người) thuộc xã đảo Thạnh An vào đất liền.

Chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng đã huy động 20 phương tiện hoạt động liên tục nên dự kiến việc di dời dân xã đảo Thạnh An sẽ hoàn tất trước 16 giờ. Các hộ dân đi sơ tán sẽ được bố trí tạm cư tại nhà văn hóa, nhà thiếu nhi và trụ sở UBMTTQ huyện.

“Tại các điểm tiếp nhận, huyện đã chuẩn bị sẳn sàng máy phát điện, đèn dầu để phục vụ người dân trong thời gian có bão. Sáng nay, UBND huyện đã cho 2 phần 3 cán bộ, viên chức, công nhân viên trên địa bàn về hỗ trợ gia đình và giúp dân chằng chống, neo buộc nhà cửa chắc chắn.” – ông Sơn cho biết

Ngoài ra, Ông Hoàng Minh Trường – Phó Phòng Nông nghiệp cho biết UBND huyện Cần Giờ đã chỉ đạo UBND 6 xã, thị trấn khác như Long Hòa, Cần Thạnh, Lý Nhơn, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp và An Thới Đông lên phương án di dời, chuẩn bị nơi trú ngụ và sẳn sàng sơ tán các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm ven biển, sông rạch, rừng phòng hộ và những nơi có nguy cơ sạt lở, nước dâng cao một khi bão sắp đổ bộ vào bờ. Dự kiến, tổng số dân phải sơ tán trong toàn huyện là 12 nghìn người.

Theo ông Sơn, huyện đã cho toàn bộ học sinh xã đảo Thạnh An nghỉ học vào sáng 17/11 để đi sơ tán. Các trường khác thì tùy tình hình, diễn biến của cơn bão sẽ quyết định cho nghỉ hay không.

Tuy nhiên, chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân đã lập tức yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học ngay từ chiều 17/11 để đề phòng tình huống xấu nhất, đồng thời tổ chức di dời ngay các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm thuộc xã Long Hòa.

Ngoài ra, ông Quân cũng yêu cầu các quận- huyện dọc theo các tuyến sông rạch phải rà soát và kịp thời sơ tán các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trung Tín, nếu bão đổ bộ vào TPHCM, trong tình huống nguy cấp, thành phố buộc phải di dời các hộ dân đang ngụ tại các căn nhà cấp 4 thuộc các quận nội thành và ngoại ô thiếu chắc chắn đến nơi an toàn. TPHCM đã có sẳn phương án trên và đã chuẩn bị hơn 300 điểm tiếp nhận.

Quyết liệt ứng phó 

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, UBND thành phố đã cho thành lập 9 đoàn kiểm tra xuống các quận – huyện để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng tránh bão.

Cũng trong sáng 17/11, ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng BCH PCLB đã ký văn bản số 7113 yêu cầu triển khai các biện pháp phòng chống bão số 10, cho biết theo dự báo, nhiều khả năng bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền vào đêm ngày 17/11 và ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, hiện nay đợt triều cường giữa tháng 11 năm 2008 trên địa bàn thành phố đang tiếp tục duy trì ở mức cao, dự báo đỉnh triều chỉ xuống dưới mức báo động cấp III từ chiều ngày 17/11, trong khi hồ Dầu Tiếng đã bắt đầu xả tràn với lưu lượng 150 m3/s vào lúc 21 giờ ngày 16/11.

Do đó, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận - huyện triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi quận – huyện để chủ động ứng phó, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, tránh theo Phương án số 151/PA-PCLB ngày 02-7-2008 của BCH PCLB.

Huyện Cần Giờ phải hoàn thành việc di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn trước 16 giờ ngày 17-11-2008.

Riêng các quận - huyện có khu vực thường xuyên bị ngập úng ven sông, đặc biệt là quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa bão, xả lũ gây ra; thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”; huy động và bố trí lực lượng xung kích túc trực tại các vị trí xung yếu, tập kết vật tư và các dụng cụ, phương tiện cần thiết để gia cố ngay khi phát hiện ra sự cố bờ bao, chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu, sẳn sàng chống úng.

Ngoài ra, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố phải trực tiếp xuống địa bàn quận – huyện được phân công phụ trách, lãnh đạo quận – huyện trực tiếp xuống địa bàn phường – xã – thị trấn ngay trong ngày 17-11-2008. 

Kể từ chiều ngày 17/11, các quận – huyện và Sở - ngành tạm hoãn các cuộc họp chưa thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão số 10 kết hợp với triều cường và xả lũ.

UBND thành phố Yêu cầu Sở GTVT triển khai phương án, kế hoạch chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã; không để ùn tắc giao thông do ngã, đổ cây xanh khi mưa to, gió lớn, đảm bảo an toàn cho cầu, phà, kế hoạch dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy phù hợp với địa hình thành phố khi xảy ra bão, ngập lụt để kịp thời đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu hộ - cứu nạn, cứu trợ; thực hiện đặt biển cảnh báo an toàn khi xảy ra bão, ngập lụt trên các tuyến đường, công trình, khu dân cư.

Sở Xây dựng triển khai ngay phương án đảm bảo an toàn cho các nhà, xưởng, công trình, các công trường đang thi công, chung cư cũ - xuống cấp khi xảy ra mưa bão, giông gió; phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện phương án di dời dân đến nơi an toàn, cảnh báo các chủ đầu tư có công trình ngầm chuẩn bị và thực hiện tốt nhất phương án chống ngập.

MỚI - NÓNG