TPHCM cần giải pháp mạnh để sớm chấm dứt dịch

0:00 / 0:00
0:00
Tiểu thương chợ Bình Ðiền (TPHCM) được tiêm vắc-xin COVID-19. Ảnh: Uyên Phương
Tiểu thương chợ Bình Ðiền (TPHCM) được tiêm vắc-xin COVID-19. Ảnh: Uyên Phương
TP - “TPHCM phải có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu lực hơn, nhằm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế bằng được các ổ dịch COVID-19, phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện tại; bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân cả vật chất, lẫn tinh thần, nhất là người nghèo”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những yêu cầu kể trên tại cuộc họp giao ban trực tuyến phòng, chống dịch của TPHCM, chiều 6/7. Đây là buổi làm việc thứ 3 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với TPHCM trong 2 ngày 5-6/7.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Trên tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước chia sẻ với TP HCM”, Phó Thủ tướng đề nghị, thành phố thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, ở mức cao hơn hiện nay. TPHCM cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo các quy định cần thiết để hạn chế người tụ tập, đi lại trong thành phố, trong trường hợp không thực sự cần thiết, không ra khỏi nhà.

Phó Thủ tướng lưu ý: "Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách như đã xảy ra ở một số nơi khi đang thực hiện giãn cách xã hội".

Bên cạnh đó, TPHCM khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương khác. Đồng thời, thành phố và các địa phương hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển phương tiện vận tải ra vào thành phố, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa, kiểm soát nguồn lây.

“Tinh thần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Hơn 2 triệu liều vắc-xin Moderna sắp về Việt Nam

Tối 6/7, đại diện Bộ Y tế cho biết, hơn 2 triệu liều vắc-xin Moderna chuẩn bị về tới Việt Nam. Lô vắc-xin này do Mỹ viện trợ thông qua tổ chức Covax Facility, dự kiến sẽ về tới Việt Nam vào ngày 7 hoặc ngày 8/7. Ðây là một phần trong số 80 triệu liều vắc-xin đầu tiên mà Mỹ cam kết hỗ trợ thế giới, trong chiến lược nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.

Thái Hà

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết đến nay khoảng 900 F0 là công nhân, người buôn bán qua các chợ đầu mối. Thành phố đang tập trung truy vết chuỗi lây nhiễm trong khu nhà trọ công nhân, tại các chợ.

Phân tích của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo cho thấy TPHCM cần chú ý đến việc xuất hiện thêm nhiều ổ dịch nhỏ ngày càng xa 3 ổ dịch lớn ban đầu.

Bên cạnh xét nghiệm nhanh, TPHCM đang thực hiện khoảng 200.000 mẫu xét nghiệm PCR/ngày; xét nghiệm sàng lọc định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao; lấy mẫu xét nghiệm đại diện gia đình là những người có nguy cơ lây nhiễm cao…

Phó Thủ tướng đánh giá sau hơn 1 tháng, TPHCM đã rất nỗ lực, quyết tâm chống dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp, bắt đầu lây lan ra các tỉnh. Ông đề nghị TPHCM hết sức lưu ý công tác tổ chức, điều phối thống nhất trong lấy mẫu, xét nghiệm, chỗ nào trước, chỗ nào sau, bảo đảm lấy mẫu đến đâu xét nghiệm đến đấy, không để tồn đọng. Kết hợp xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, mẫu gộp tuỳ theo đánh giá mức độ nguy cơ từng khu vực, trên tinh thần tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả. TPHCM phải chuẩn bị phương án, cách thức lấy mẫu, xét nghiệm mới phù hợp hơn trong thời gian tới đây.

Ðảm bảo đời sống cho người dân

Trong ngày 6/7, các quận, huyện của TPHCM đã siết chặt các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngừng hoạt động một số chợ đầu mối, truyền thống không bảo đảm an toàn phòng dịch. Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân sau khi một số chợ đầu mối dừng hoạt động, các hệ thống siêu thị sẽ tăng cường lượng hàng hoá từ 50% đến 100%.

Các thương lái, người buôn bán tại các chợ đầu mối sẽ được tập huấn sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử để mua bán trực tuyến, đồng thời TPHCM dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP. Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hoá thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.

Sở Công Thương TPHCM sẽ vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cử hàng tiện lợi… an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm.

TPHCM cần giải pháp mạnh để sớm chấm dứt dịch ảnh 1

Phong tỏa chợ An Nhơn, quận Gò Vấp, TPHCM ngày 6/7. Ảnh: ngô bình

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, TPHCM đảm bảo mức hỗ trợ tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày cho 230.000 hộ nghèo tại các khu vực giãn cách xã hội. Thành phố đã dự trù kinh phí hỗ trợ trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chính phủ đồng tình, hoan nghênh thành phố đông dân nhất nước này đã chuẩn bị gói hỗ trợ cho hơn 230.000 hộ dân nghèo, Phó Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Người ra, vào vùng dịch phải tự cách ly tối thiểu 7 ngày

TPHCM đã thống nhất với các tỉnh lân cận về việc lưu thông hàng hóa với hai phương án là đổi lái xe hoặc lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định đối với những trường hợp ra, vào TPHCM cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày không phân biệt xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm RT-PCR. Những nơi có thể điều kiện thì áp dụng ngay QR code.

Tối 6/7, Bộ Y tế cho biết trong ngày Việt Nam ghi nhận 1.029 ca mắc mới với 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Có 1.019 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (710), Ðồng Tháp (99), Bình Dương (92), Phú Yên (41), Long An (14), Hà Nội (12), Ðồng Nai (11), An Giang (11), Hưng Yên (6), Bắc Giang (5), Thanh Hóa (4), Bắc Ninh (3), Nghệ An (3), Vĩnh Long (2), Hà Nam (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (2); trong đó 872 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Cùng ngày Bộ Y tế công bố 7 ca mắc COVID-19 tử vong.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TPHCM và các tỉnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển các phương tiện vận tải ra, vào thành phố, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa, kiểm soát nguồn lây. “Chúng ta duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể trong tình hình dịch”, ông nói.

Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Công điện gửi tất cả các tỉnh, thành phố, quy định thống nhất trong việc kiểm soát người ra vào vùng dịch và TPHCM theo hướng, tất cả người ra, vào vùng dịch khi về địa phương phải khai báo y tế, tự cách ly ở nhà tối thiểu 7 ngày.

MỚI - NÓNG