TP.HCM thiếu nước sinh hoạt

TP.HCM thiếu nước sinh hoạt
Tết Mậu Tý đã đến gần nhưng nhiều gia đình ở TP.HCM vẫn đang phập phồng nỗi lo không có nước sinh hoạt. Ngành cấp nước thì bảo: phải chờ!
TP.HCM thiếu nước sinh hoạt ảnh 1
Người dân xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè đang chờ xe bồn chở nước - Ảnh: Đình Mười

Người dân ở khu vực cuối đường Dương Bá Trạc, P.1, Q.8, TP.HCM khoảng mười ngày nay luôn than phiền vì nguồn nước máy bỗng dưng tắc tị. Hẻm 157 Dương Bá Trạc là điểm nóng nhất về tình trạng khan hiếm nước ở Q.8 với hơn 100 hộ gia đình đang chịu đựng.

Từ đầu hẻm, một vòi tiếp nước từ các xe bồn của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nối với đường ống dẫn sâu vào trong hẻm. Tại vị trí này, luôn có hàng chục người chực chờ với xe đẩy cùng hàng trăm can nhựa lỉnh kỉnh để canh lấy nước. Đi sâu vào trong hẻm, xe 3 bánh đẩy nước ra vào không ngớt.

Ông Trần Đình Long, nhà ở số 157/79 kể, nhiều lúc các gia đình tranh cãi nhau ỏm tỏi cũng chỉ vì chuyện nước. Ông Long bảo: "Có lúc tôi không dám tắm mà chỉ dùng khăn lau tạm. Rất may là nhà tôi có người quen ở đầu đường nên vợ chồng tôi và các con ra ngoài đó tắm nhờ. Hai đứa con tôi mỗi khi về đến nhà thì câu nói đầu tiên là: có nước không ba?".

Một số người dân trong hẻm 157 còn cho biết: “Nhiều lúc chúng tôi mở máy bơm suốt đêm với hy vọng là bơm được nước vậy mà cũng không có. Mấy ông ngành cấp nước gắn đồng hồ nước cho chúng tôi nhưng sao không cấp nước vào đường ống cho người dân sử dụng?".

Nước sạch trong khu vực này đang giống như món hàng giá trị cao, thùng nước 100 lít được bán với giá 25.000 đồng. Như vậy, 1m3 là 250.000 đồng.

Khan hiếm nước sạch những ngày đầu mùa khô đã bắt đầu làm khổ người dân các xã Phú Xuân, Hiệp Phước, Long Kiển, Phước Kiển..., huyện Nhà Bè. Dọc tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, từ chợ Phú Xuân đi về hướng mũi Nhà Bè, cảnh xe bồn bơm nước, xe 3 bánh chở nước diễn ra liên tục từ sáng đến tối.

Tại một "đại lý" nước sinh hoạt ở đầu hẻm 463 Huỳnh Tấn Phát, ông Hai Xê đang loay hoay buộc một can nước lên chiếc xe gắn máy cà tàng. Ông Hai Xê bảo nhà ông ở tận ngã ba Hãng Ga, nhà chỉ có hai vợ chồng già nên phải mua từng can 20 lít mỗi lần. Một phần vì đường vào nhà ông quanh co, sình lầy nên xe 3 bánh không thể vào được.

Bác Huỳnh Công Lý, sống bằng nghề đạp xe 3 bánh chở nước thuê tại khu vực này nói: "Mỗi lần chở được 12 can, giá từ 20.000 - 70.000 đồng/xe tùy theo quãng đường từ nơi chở đến nhà người mua nước".

Theo ông Lý, có khi ông phải đẩy xe đi xa 2 km mới đến nơi, như đến tận kho B thuộc Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Nhiều hôm cúp nước, ông chở 13 - 14 xe/ngày, rạc hết cả người.

Bà Nguyễn Thị Cúc tại đầu hẻm 463 cho biết, mỗi ngày có cả trăm xe bồn của ngành cấp nước chở nước xuống khu vực này nhưng vẫn không cung cấp đủ cho người dân.

Bản thân nhà bà Cúc dù có đồng hồ nước nhưng không hề có giọt nước nào, may mắn là nhà bà có cái bồn 5m3 do chính quyền địa phương làm giúp để bà làm nghề đổ nước sống qua ngày. Có ngày bà không ăn được cơm vì người dân đến mua nước liên tục.

Trong đó, nhiều công nhân bận làm suốt ngày nên đến tận 10 - 11 giờ đêm mới đến lấy nước. Tình hình căng thẳng đến nỗi mấy hôm nay, xe bồn xuống không kịp, hàng chục người sốt ruột đứng chờ.

Còn thiếu nước dài dài

Trao đổi với PV, ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè (thuộc Sawaco) xác nhận tình trạng nhiều khu dân cư tại Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ đang thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng. Hiện Sawaco cùng với các công ty dịch vụ công ích Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ phải huy động tối đa lượng xe bồn cả ngày lẫn đêm chở nước cung cấp cho người dân khu vực các xã: Phú Xuân, Hiệp Phước, Long Kiển...

Tuy nhiên, biện pháp cấp nước bằng xe bồn cũng chỉ đáp ứng được 5.000 m3/ngày. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương đang cần 10.000 m3/ngày. 

Giải thích về tình trạng thiếu nước tại Q.8, ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn cho rằng, do TP.HCM đang trong giai đoạn mùa khô nên các khu vực cuối nguồn, trong đó có Q.8 khả năng cấp nước trên mạng giảm xuống.

Trong khi đó lượng nước do người dân sử dụng tăng với tốc độ rất nhanh. Chưa kể, việc cấp nước bằng xe bồn cũng gặp nhiều khó khăn do thành phố không cho xe tải chạy vào nội thành trong giờ cao điểm nên xe bồn chủ yếu chạy vào ban đêm.

"Hiện giải pháp cấp nước bằng xe bồn cho khu vực Q.8 chỉ mang tính tình thế. Tất cả phải chờ nguồn nước từ Nhà máy BOO nước Thủ Đức" - ông Đức cho biết.

Đình Mười
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.