TP.HCM: Hàng trăm văn phòng đại diện... mất tích!

TP.HCM: Hàng trăm văn phòng đại diện... mất tích!
Qua kiểm tra sơ bộ của Sở Thương mại TP.HCM, tại hơn 600 văn phòng đại diện (VPĐD) thương nhân nước ngoài, đã có đến 305 VPĐD bị rút giấy phép vì không báo cáo định kỳ 2 năm liên tục, không còn công ty “mẹ” ở nước ngoài hoặc đã… mất tích.

Trong số VPĐD còn lại, có đến 170 VPĐD không đủ điều kiện cấp phép thành lập theo quy định mới. Trong lúc đó, trên địa bàn thành phố còn đến hơn 2.000 VPĐD thương nhân nước ngoài. Chuyện gì đang diễn ra ở đó?

Không có “mẹ”, “con” vẫn sống

Trước đây, do cơ chế cấp phép một lần là tồn tại mãi mãi (theo Nghị định 45/2000/NĐ-CP) nên thời gian qua, công tác “hậu kiểm” hoạt động của các VPĐD gần như bị… bỏ ngỏ!

Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, ngay công ty mẹ vẫn phải gia hạn hoạt động theo định kỳ, thì ở Việt Nam, trong suốt thời gian dài vừa qua, các VPĐD được cấp phép, mặc nhiên “tồn tại vĩnh viễn”.

Chính vì cơ chế này mà thời gian qua mới xảy ra câu chuyện điện kế điện tử Linkton (Singapore) qua việc gian lận thương mại tại hợp đồng mua bán sản phẩm với Công ty Điện lực TP.HCM.

Dù giấy phép của công ty “mẹ” ở Singapore đã hết hạn nhưng tại Việt Nam, VPĐD của công ty vẫn ký hợp đồng mua bán bình thường, mà lại mua bán với cơ quan nhà nước hẳn hoi. May mà, chất lượng điện kế có vấn đề, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện công ty “mẹ” đã hết hạn đăng ký kinh doanh.

Thử hỏi, với việc thả lỏng quản lý như thế, VPĐD thương nhân nước ngoài nào tại VN có làm ăn, buôn bán sản phẩm chất lượng kém thì đối tác, người tiêu dùng đành chịu thiệt chứ chẳng cơ quan chức năng nào bảo vệ?

Đến giữa năm 2006, Nghị định 72/2006/NĐ-CP quy định về VPĐD của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, quy định thời gian hoạt động theo giấy phép của VPĐD là 5 năm, sau đó phải đăng ký lại. Khi kiểm tra, các cơ quan chức năng mới phát hiện nhiều VPĐD mất tích, không còn hoạt động tại địa điểm đã đăng ký và chuyển đi đâu cũng không biết.

Qua 2 đợt Sở Thương mại phối hợp với cơ quan quản lý thị trường xác minh địa chỉ đăng ký của 459 VPĐD thì có đến 445 VP mất tích, chỉ 14 văn phòng còn hoạt động. Lãnh đạo Sở Thương mại cho biết, muốn liên hệ với công ty “mẹ” ở nước ngoài để nắm tình hình xem VPĐD của họ chuyển đi đâu nhưng cũng không biết cách nào liên hệ nên đành nhờ báo chí công khai và đưa lên mạng để các công ty biết và đăng ký lại theo quy định mới.

Mới đây, Sở Thương mại phối hợp kiểm tra khoảng 600 VPĐD, đã ra quyết định thu hồi giấy phép 305 VPĐD vì không báo cáo hoạt động, không còn công ty “mẹ” ở nước ngoài mà đông nhất là VPĐD thương nhân Hàn Quốc (56 VP), lãnh thổ Đài Loan (47 VP), Singapore (43 VP), đặc khu Hồng Công của Trung Quốc (34 VP)…

Trong gần 300 VPĐD còn lại được sở hướng dẫn làm hồ sơ thành lập theo quy định mới thì có đến 170 VPĐD không đủ điều kiện, do công ty “mẹ” hết hạn đăng ký hoặc đã giải thể.

Quản lý: Bỏ ngỏ!

Một cán bộ Phòng Thị trường - Thương nhân nước ngoài của Sở Thương mại cho biết, phòng có 6 người (nay tăng lên 10 người) mà phải phụ trách cả khâu cấp phép (riêng năm 2007 cấp phép thành lập mới cho 407 VPĐD thương nhân nước ngoài) nên chỉ có thể quản lý hoạt động của VPĐD qua hồ sơ đăng ký và qua... báo cáo hàng năm!

Ngay cả khi nhiều VPĐD báo cáo không hoạt động gì nhưng cũng không thể kiểm tra được thực hư thế nào. “Vì thế mới có chuyện, tuy chức năng của VPĐD là nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, không được phép buôn bán kinh doanh, nhưng không ít VPĐD lợi dụng tổ chức kinh doanh trốn thuế.

Hoặc có văn phòng lách bằng cách thành lập song song VPĐD và công ty TNHH cùng trụ sở, lúc giới thiệu, quảng cáo, tuyển nhân sự thì lấy danh công ty TNHH, còn khi ký hợp đồng mua bán thì ký và chuyển tiền vào tài khoản của công ty mẹ ở nước ngoài” – ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Thương mại, nói.

Thậm chí, sau nhiều đợt kiểm tra, Sở Thương mại đã phát hiện không ít VPĐD hoạt động kinh doanh với quy mô lớn, nhân viên đông đến cả trăm người như VPĐD của Nike (Mỹ), Diethelm (Thụy Sĩ), Maersk (Singapore)…

Tính riêng năm 2007, Sở Thương mại kiểm tra và xử phạt 215 VPĐD, thu bổ sung 4.145 tỷ đồng. Ông Nhung bức xúc: “Mức phạt hiện nay rất thấp, chỉ 40 triệu đồng đối với VPĐD hoạt động kinh doanh, còn VPĐD “ma” chỉ phạt 20 triệu đồng, nên không đủ sức răn đe, trong khi nhiều VPĐD còn khai mức lương thấp để trốn thuế thu nhập cá nhân”.

Theo ông, cách quản lý giao cho thương nhân nước ngoài chịu trách nhiệm, nhưng đã nằm ở nước ngoài thì sở không thể kiểm tra được, “như thế thì chẳng khác nào chúng ta nắm… đằng lưỡi”. Theo quy định, muốn đăng ký thành lập thì công ty nước ngoài phải nộp báo cáo kiểm toán của công ty mẹ để chứng minh nhưng thực tế, báo cáo đó đúng sai thế nào, sở không thể kiểm chứng được!

Theo Hàn Ni
SGGP

MỚI - NÓNG