Cuối tháng 4, trong một buổi phỏng vấn với giới truyền thông, ông Koji Sato, Giám đốc điều hành mới của tập đoàn Toyota, cho biết tập đoàn ô tô Nhật Bản sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe hybrid, xe điện và các loại xe điện hóa khác.
“Chúng tôi theo đuổi điện hóa theo cách tiếp cận đa chiều, dựa trên điều kiện thực tế của từng thị trường”, ông nói. “Ưu tiên hàng đầu là giảm lượng khí thải CO2 ngay từ bây giờ và xe điện hay các loại xe điện hóa khác đều là công cụ để đạt được mục tiêu đó”.
Ông Koji Sato khẳng định: “Sự đa dạng đó chính là sự đổi mới”.
Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô đang chững lại ở các quốc gia phát triển, Toyota chọn cách đẩy mạnh xe điện, xe hybrid và xe hybrid sạc ngoài (plug-in hybrid). Còn với các quốc gia đang phát triển, Toyota tập trung vào xe hybrid, bởi đây là “bước đệm” phù hợp trong thời kỳ quá độ của xe động cơ đốt trong.
Hybrid dần trở thành một phần của thị trường ô tô Việt Nam
Toyota tiên phong xu hướng hybrid từ rất sớm. Năm 1997, hãng giới thiệu Prius, mẫu xe hybrid thương mại đầu tiên trên toàn cầu và cũng chính Prius trở thành mẫu xe hybrid bán chạy nhất toàn cầu đến năm 2020. Từ điểm khởi đầu, dải sản phẩm xe điện hóa của Toyota toàn cầu đã mở rộng lên con số 60 tính đến năm 2023, với đầy đủ các lựa chọn: xe hybrid, xe hybrid sạc ngoài, xe thuần điện và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu.
Sự phổ biến của xe hybrid dễ dàng hình dung qua các con số. Năm 2022, tập đoàn Nhật dẫn đầu doanh số ô tô toàn cầu với doanh số 10,48 triệu xe, trong đó xe hybrid chiếm thị phần đến 27%, tương đương 2,82 triệu xe.
Xe hybrid cũng đang dần trở thành một phần của thị trường ô tô Việt Nam. Từ tháng 8/2020 đến nay, hãng xe Nhật đã bán 7.162 xe hybrid, bao gồm Corolla Cross Hybrid, Corolla Altis Hybrid và Camry Hybrid. Chiến lược tiên phong của Toyota Việt Nam mở đường cho các thương hiệu khác dấn thân, mở rộng số lượng xe hybrid đang được phân phối chính hãng ở Việt Nam lên con số 8 và sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới.
Xe hybrid kết hợp được ưu thế của động cơ xăng và động cơ điện trên cùng một mẫu xe, như vận hành bền bỉ, êm ái, giảm tiếng ồn, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường. Công nghệ này cũng không cần hạ tầng trạm sạc phức tạp và đầu tư tốn kém bởi pin lưu trữ điện năng trên xe tự sạc thông qua quá trình vận hành. Đây là mấu chốt giúp xe hybrid đáp ứng nhu cầu khách hàng ở những quốc gia đang phát triển, hạ tầng trạm sạc chưa đủ tốt để xe điện phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, xe hybrid đã được chấp nhận rộng rãi tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khi nhận thấy hạ tầng trạm sạc phát triển và sự chấp nhận của khách hàng đủ lớn, Toyota sẽ đẩy nhanh quá trình mở rộng dải sản phẩm xe điện tại Việt Nam. Một trong những bước đầu tiên của kế hoạch này là giới thiệu mẫu xe điện bZ4X tại Việt Nam thông qua triển lãm VMS 2022 nhằm mục đích thăm dò ý kiến khách hàng.
Xe hybrid tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm khí CO2 vượt trội so với xe xăng cùng loại
Tháng 7/2022, 7 tập đoàn lớn Nhật Bản, trong đó có Toyota, đã thành lập Hiệp hội nghiên cứu đổi mới sinh khối nhiên liệu ô tô, thúc đẩy nghiên cứu cơ cấu công nghệ sản xuất xăng sinh học thế hệ thứ hai. Đây là một trong 9 giải pháp đa chiều của tập đoàn Toyota hướng đến mục tiêu trung hòa carbon trong mọi hoạt động vào năm 2050.
Theo quan điểm của tập đoàn Nhật Bản, để đạt được trung hòa carbon nhanh nhất, ngoài nỗ lực thúc đẩy sử dụng các loại xe điện hóa thông qua việc bán xe mới, mà còn phải tìm cách giảm khí thải CO2 thải ra từ các phương tiện đang lưu thông hàng ngày.
Ở Việt Nam, tháng 3/2023, Toyota ký kết hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn về dự án nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học trên phương tiện giao thông tại Việt Nam.
Dự án nghiên cứu dựa trên 3 tiêu chí: tiêu thụ nhiên liệu, phát thải và khả năng tăng tốc. Hai mẫu xe được sử dụng cho nghiên cứu là Corolla Cross 1.8V sử dụng động cơ xăng và Corolla Cross 1.8HEV sử dụng động cơ hybrid. Cả hai được thử nghiệm với 3 loại xăng (RON 95-V, E5 RON 95-V và E10 RON 95-V) trong nhiều điều kiện vận hành khác nhau, từ phòng thí nghiệm đến đường phố công cộng giờ thấp điểm, cao điểm... Dù có sự khác nhau ở các điều kiện vận hành, thử nghiệm khác nhau, nhưng kết quả cho thấy sử dụng xe hybrid cùng xăng sinh học là giải pháp hoàn hảo ở hầu hết điều kiện vận hành để tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải và tối ưu khả năng tăng tốc.
Về khả năng tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid có tỷ lệ quãng đường không phát thải lên tới 63,26% ở điều kiện nội đô cao điểm, 69,43% ở điều kiện nội đô thấp điểm, 58,8% ở điều kiện quốc lộ và 21,83% ở điều kiện đại lộ.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc lấy ví dụ bản thân ông mỗi ngày lái xe 28km (2 lượt di chuyển) thì mỗi năm có thể tiết kiệm 532,17 lít xăng nếu chuyển sang xe hybrid và tiết kiệm thêm 37,86 lít xăng nếu tiếp tục chuyển từ xăng thông thường sang xăng sinh học E5 RON 95-V, tương đương hiệu quả giảm 1,31 tấn CO2 thải ra môi trường.
Với vai trò chủ nhiệm dự án, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định rằng: "Xe hybrid có kết quả tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm khí thải nhà kính vượt trội so với xe động cơ đốt trong cùng loại. Đặc biệt trong điều kiện tắc đường, xăng E5 còn giúp xe hybrid giảm khoảng 7% lượng tiêu thụ nhiên liệu so với xăng thông thường. Tại Việt Nam, xăng E5 và xe hybrid là giải pháp hiệu quả cho việc tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm phát thải".
Cả vòng đời của chiếc xe không còn phát thải
Mục tiêu dài hơi của Toyota là cắt giảm khí CO2 dựa trên tiêu chuẩn “Well-to-Wheel”, tức giảm CO2 trong cả vòng đời của chiếc xe, từ các khâu khai thác nguyên liệu sản xuất, sản xuất nhiên liệu, sản xuất xe, quá trình chiếc xe lăn bánh cho đến khâu tái chế. Toyota đang trên hành trình nỗ lực giảm hơn 33% lượng khí thải CO2 so với năm 2019 vào năm 2030 để thực hiện cam kết về trung hòa carbon.
Tại Việt Nam, Toyota áp dụng chiến lược về bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ từ nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển, nhà máy Toyota đến hệ thống đại lý trên toàn quốc. Một số sáng kiến nổi bật là lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời tại đại lý, phương pháp vận chuyển “Milk-Run”, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải... Toàn bộ nhà cung cấp Toyota, đối tác đơn vị vận chuyển, nhà máy Toyota và hệ thống đại lý Toyota đã giảm thiểu 11.658 tấn CO2 thải ra môi trường năm 2022.
Đồng thời, Toyota Việt Nam cũng đóng góp vào mục tiêu của Chính phủ về giảm phát thải CO2 thông qua các hoạt động đóng góp xã hội như dự án “1 tỷ cây xanh”, chương trình “Toyota xanh hóa học đường”, tháng môi trường,...
Từ khi thành lập, Toyota toàn cầu luôn xác định mục tiêu bảo vệ môi trường cần song hành với các hoạt động sản xuất, kinh doanh tới một xã hội phát triển bền vững. Từ năm 2015, Toyota đã đặt ra 6 thách thức môi trường đến năm 2050, gồm: xe mới không phát thải CO2; không phát thải CO2 trong toàn bộ vòng đời sản phẩm; nhà máy không phát thải CO2; giảm và sử dụng hiệu quả nguồn nước; thiết lập xã hội và hệ thống dựa trên nền tảng tái chế; và thiết lập xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Ngoài mục tiêu trung hòa carbon, Toyota tiếp tục đặt ra hành trình “thách thức về 0 và hơn thế nữa” với các nỗ lực xóa bỏ những tác động tiêu cực tới con người và xã hội, đồng thời tiếp tục chăm chỉ tìm kiếm những giải pháp cải thiện cuộc sống và xã hội, gìn giữ quê hương tươi đẹp cho thế hệ mai sau.