Tông xe, tưới xăng thiêu sống để...siết nợ

Tông xe, tưới xăng thiêu sống để...siết nợ
Thuần là dân giang hồ một thời, đã “rửa tay gác kiếm”. Không có anh, tôi khó có thể gặp và thâm nhập một góc nhỏ thế giới giang hồ Sài Gòn, để hiểu sự tàn bạo, sự đa mưu quỷ quyệt của những kẻ đòi nợ thuê kiểu… luật rừng.

Tông xe, tưới xăng thiêu sống để...siết nợ

> Dùng cây đánh chết vợ tại nhà, dựng hiện trường giả

> Bắt đối tượng bắt cóc trẻ em bán lấy tiền 

Thuần là dân giang hồ một thời, đã “rửa tay gác kiếm”. Không có anh, tôi khó có thể gặp và thâm nhập một góc nhỏ thế giới giang hồ Sài Gòn, để hiểu sự tàn bạo, sự đa mưu quỷ quyệt của những kẻ đòi nợ thuê kiểu… luật rừng.

Tông xe, tưới xăng thiêu sống để...siết nợ ảnh 1
 

Mềm thì nắn…

Ông Nguyễn Văn Đua là chủ công ty xây dựng ở quận Phú Nhuận ấn vào tay tôi tập hồ sơ công trình, giấy biên nhận từng giai đoạn và nằng nặc bắt tôi tìm cách đòi bằng được số tiền 3 tỷ đồng nhân công và VLXD từ Lý Hoàng Doanh ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

“Tôi xây xong nhà cho Doanh, kết toán công trình, nó chẳng trả, lại còn thách đố. Nhờ anh quen biết báo chí, cho nó một bài giúp tôi…”. Tôi giãy nảy, đến nợ nhau cũng đòi đưa lên báo sao được! Anh Thuần, dân giang hồ những năm 1990 bảo: “Kinh tế khó khăn, kẻ nợ nần thì vẫn sống ung dung, thừa mứa, còn người bị nợ thì vạ vật, gia đình tan nát. Thôi, để tôi ra mặt nhờ mấy đứa đàn em ở bến xe Miền Đông, chúng nó giúp”. Tò mò, chưa một lần biết giới giang hồ Sài Gòn mặt ngang mũi dọc thế nào, tôi nài nỉ anh Thuần cho đi cùng ông Đua. “Cấm chú tiết lộ những chuyện chú biết” – Thuần gằn giọng.

Long “Mai Dịch” có chừng 3 quán gội đầu máy lạnh và 1 quán karaoke ở quanh khu vực bến xe Miền Đông. Biết tôi đồng hương Hà Nội, Long hồ hởi chẳng giấu giếm: “Anh bị nợ tiền hả, em hứa giúp anh, bọn này em xử phát một à”. Tôi hỏi chi phí xong, đặt điều kiện: Đòi bằng được tiền, không hành hung, không gây thương tích… Đúng 1 tuần, Long điện thoại hẹn gặp: “Anh thích kiểu gì, em đã đến tận nhà nói phải quấy nhưng thằng này cứng đầu. Đành dùng cách của em thôi”. Tôi, Long và 4 đàn em của Long đi trên 3 xe máy, 7h sáng đợi ở chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh. 7h30, Doanh dắt xe ra cửa. Đám đàn em của Long bắt đầu bám theo, giữ một khoảng cách đủ để Doanh phát hiện… Chiều 17h, từ công ty của Doanh về nhà, kịch bản vẫn tương tự.

Sau nhiều ngày, thái độ của Doanh có vẻ lo lắng, hoảng hốt, thường xuyên ngó lại sau và tăng ga đột ngột. Long cười và bảo: “Nó bắt đầu biết sợ”. Long điện thoại cho đàn em: “Chúng mày liên tục ép xe nhưng không được để nó ngã”… Chẳng biết vì tâm trạng bất ổn hay đường đông quá, đi chừng vài kilomet, Doanh đã tự đâm vỉa hè, ngã xây xát. Long phóng vọt xe lên, nhảy xuống đỡ Doanh hỏi: “Có sao không em, có cần anh đưa đến bệnh viện không?”. Doanh líu lưỡi không nói được gì. Long điện thoại cho vợ Doanh nhắn đến đưa Doanh đi băng bó. Chiều, Long dặn tôi nhắn ông Đua. Ông Đua gọi điện đòi tiền và khi biết Doanh bị tai nạn, ông Đua mua quà đến thăm. Doanh run run đề nghị: “Anh cho em trả trước 1 tỷ, tháng sau em trả hết…”.

Chuyện thật như đùa

Công việc thành công, sau bữa nhậu cảm ơn, ông Đua lại nhờ tôi nói giúp Long “hỗ trợ” người bạn cũng bị quỵt tiền. Ông Trần Đức Thiện ở quận 12 nhận thầu phụ đoạn Nhị Bình, Hóc Môn trong dự án xây kè hệ thống sông Sài Gòn. Đơn vị nhận thầu B là Công ty Đức Cường ở tận Long An đã quyết toán công trình với Ban Quản lý dự án TP.HCM lấy hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên Đức Cường tìm cách kéo dài thời gian rồi không trả ông Thiện số tiền 7 tỷ đồng.

Sau chừng 20 ngày, Long điện thoại: “Thằng Cường nó có mấy cái nhà trên thành phố, 1 cái nhà rất to ở ngay bến xe thành phố Tân An, song nhà này bị nợ ngân hàng, may ra 1 căn ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh khoảng 3 tỷ, căn hộ ở Saigon Pearl chừng 4 tỷ và mảnh đất ở Thủ Đức là có thể ép đòi được”.

Bất ngờ về khả năng thu thập thông tin của Long, tôi gặng hỏi. Long cười: “Bọn em có quan hệ khắp Đông Nam bộ, miền Tây, giúp đỡ nhau cả thôi. Anh em xã hội, khi đã không bảo kê, không tranh giành địa phận thì phải làm ăn đàng hoàng, dùng cái đầu ngồi với nhau để bàn. Những thằng ác thì phải dạy cho nó biết sợ”. Cái lý anh hùng kiểu này, nghe cũng hay, song nghe cũng thấy rùng mình vì... phạm luật.

Đang ngủ trưa, Long điện thoại dựng tôi dậy: “Đi với em, đã tóm được thằng Cường”. Tôi ú ớ lên ô tô chờ sẵn ngoài cửa. Tại một khách sạn ở Bà Điểm, Hóc Môn, Cường to béo bị quăng như heo ở xó phòng. Cường rên rỉ: “Sao các ông bắt tôi, tôi la toáng lên bây giờ…”. Long cười khẩy: “Mày ăn chặn tiền của anh Thiện, mày có mấy cái nhà, nuôi bồ nhí, đi Lexus, còn anh Thiện nợ ngân hàng đầm đìa, nhà ở bị thế chấp, lãi tính cả trăm triệu, thế mà còn muốn ai bảo vệ mày…”.

Nói rồi, Long thủng thẳng đọc từng hợp đồng, từng giấy biên nhận chất lượng, tiến độ công trình, Long kiếm đâu ra cả tờ thanh lý hợp đồng và phiếu chuyển séc của Ban quản lý dự án chuyển vào tài khoản Đức Cường. Cường im lặng. Thế rồi Long rủ rỉ khuyên… Mặt Cường vẫn lạnh tanh. Đã 8 giờ trôi qua. Long nhắc đàn em: “Cho nó đói ngày hôm nay” rồi kéo tôi bỏ đi. Lo lắng, tôi bâng quơ hỏi, không biết làm vậy có quá tay không? Long bảo: “Với cái loại loãng não, anh cứ để em trị”. Hôm sau, Long và tôi đến khách sạn. Long mở cửa và bê bát phở, tận tay xúc từng thìa cho Cường, vừa đợi Cường ăn, vừa thuyết phục…

Tôi choáng về cách dụ người của Long. Sau khi Cường thư thả hút điếu Con Mèo, Long hỏi: “Ý em thế nào, trả tiền cho anh Thiện, cho anh ấy đỡ khổ. Nếu thiếu, gán mấy căn nhà để anh Thiện bán, cả 2 bên đều thanh thản, vẫn là anh em”. Cường vẫn rất lỳ lợm. Long hầm hầm bắt đàn em lôi Cường ra cái chòi ở sân sau. Không nói không rằng, Long cầm nửa can xăng, hất ướt hết người Cường. Tôi tá hỏa giữ Long lại: “Không làm thế, không lấy được tiền thì thôi, đừng giết người…”. Mặc tôi líu ríu, Long lao thẳng vào nhà tìm chiếc Zippo, rồi xoẹt lửa, cứ thế lao thẳng ra chòi. Khi cách chòi chừng 3m, mặt Cường cắt không còn hạt máu, nói không nên lời, đầu chỉ gật lắc lia lịa… “Mày có trả tiền không?”, Long quát. Cường gật mạnh một cái rồi gục xuống…

Trong bữa tiệc giải quyết tranh chấp nhà hàng giữa 2 phe nhóm ở Vũng Tàu, Long giới thiệu tôi với Thanh - kẻ vỗ ngực khẳng định: “Em bảo kê toàn bộ cáp treo Vũng Tàu” và Chiến “hâm” - một giang hồ quận 12, quận Gò Vấp. Chiến bảo: Từ đầu năm đến giờ, CATP.HCM ra quân quyết liệt, nhưng chỉ có mấy đám “đầu đất” hung hăng, đòi nợ manh động mới chết…

Tông xe, tưới xăng thiêu sống để...siết nợ ảnh 2
 

“Đòn” tâm lý

Ngồi trong quán nhậu ở quận Tân Bình giữa chừng 20 tay anh chị người Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Vũng Tàu…, tôi sởn cả gai ốc. Có cảm giác sợ! Xung quanh, chục cô nhân viên áo hở hang, xộc xệch cũng khép nép, luống cuống, khi các đại ca bắt làm gì, phải làm theo ngay lập tức. Long lên tiếng: “Đây là ông anh, anh ấy có việc nhờ, mày giúp hết sức nhé”. Thanh khề khề cười rồi nâng ly: “Có việc để giúp các anh, em mãn nguyện rồi…”. Mấy hôm sau, tôi khệ nệ ôm tập hồ sơ chừng 2kg cùng ông Nguyễn Hồng, một thương gia Việt kiều đầu tư dự án resort dưới Vũng Tàu xuống gặp Thanh ở quán cà phê gần Paradise Vũng Tàu. Vì chưa được đứng tên mua đất xây khu nghỉ dưỡng, ông Hồng liên doanh với Chung - TGĐ Công ty Đ.T.P và đã chuyển 5 triệu USD về nước. Dự án được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép nhưng 4 năm qua, phía Việt Nam chẳng triển khai. Bức xúc, ông Hồng đòi rút vốn nhưng bất thành.

Ông Hồng hứa trả công hậu nếu lấy lại được vốn. Tôi ngây ngất với con số mà ông Hồng tuyên bố, trong khi Thanh điềm tĩnh đọc từng trang hồ sơ và bí mật đặt máy tính bảng trên bàn, ghi hình toàn bộ cuộc gặp. Tôi phát hiện gần đấy, 1 người cũng đang dùng điện thoại ghi hình. Lập tức tôi kéo sụp chiếc mũ xuống và kéo chiếc ly che hướng mình ngồi… Về TP.HCM, tôi điện thoại trách Thanh. Thanh bảo: “Anh yên tâm, em không ghi hình anh tý nào, em làm tư liệu để khẳng định, lão Hồng quyết tâm đòi tiền. Anh có nhớ em hỏi, nếu nó không trả, hành hung, bắt cóc được không, lão Hồng chả điên tiết nói được là gì… Đây là chứng cứ, em gửi cho thằng Chung, dọa nó; cũng là thông tin sau này, lão Hồng không chuyển tiền hoa hồng như đã thỏa thuận, em đập vào mặt lão cái đĩa, dọa gửi công an”.

Chừng 10 ngày sau, Thanh điện thoại: “Em đã đến công ty ngọt nhạt với thằng Chung, nó hình như có ai chống lưng nên coi thường lắm. Để em dạy cho nó bài học”. Cuối tuần, ông Hồng hốt hoảng gọi cho tôi: “Thằng Thanh nó bắt người rồi đưa lên núi, làm thế nào bây giờ…”. Tôi và ông Hồng vội vàng xuống Vũng Tàu. Sau nhiều ngày thương lượng không được, Thanh đã theo dõi Chung và trưa hôm đó trên tỉnh lộ 51 lúc vắng người, Chung đi xe ô tô và đã va chạm làm ngã 2 thanh niên đi xe máy. Đám thanh niên chừng 10 đứa không biết ở đâu túa ra vây Chung đòi bắt đền. Khi Chung ra khỏi xe, rất nhanh, 1 chiếc ô tô đã táp lại ép Chung lên xe và chạy thẳng lên khu vực núi hoang vắng thuộc huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tôi và ông Hồng được đàn em của Thanh dẫn đi bộ sâu vào trong rừng chừng 1 giờ, Thanh đợi sẵn trong một hang đá. Chung khá trẻ, chừng 40 tuổi, mặt bạc thếch. Thanh bảo: “Một là mày đọc số tài khoản ngân hàng và viết cam đoan chuyển trả tiền cho bác Hồng, tao hứa cho mày nửa số lãi mày gửi 100 tỷ đồng ở ngân hàng; hai là mày uống 10 lọ thuốc ngủ và nằm lại cái hang này hết đời”. Có lẽ cả tháng trời bị Thanh và đám đàn em quấy nhiễu, Chung đã mệt mỏi và có dấu hiệu nhượng bộ.

Những thủ đoạn rợn người

Một vụ lợi dụng, chiếm đoạt tiền cũng thuộc dạng “khủng” mà tôi được tham gia liên quan đến chị Thúy ở quận 6. Qua người quen, chị được giới thiệu mối làm ăn với một doanh nghiệp thành đạt tên T, người từng tham gia đóng bộ phim truyền hình ăn khách của đạo diễn C.H. Ông T khá thế lực và đang thực hiện một dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á. Chị Thúy vì tin người đã cầm cố nhà cửa, tài sản hơn 70 tỷ đồng để tham gia dự án cùng ông T. Trớ trêu, dự án chẳng thấy đâu, giờ chị Thúy phải ở trọ, bị người thân hắt hủi. Còn ông T thì vẫn sống trong giàu sang, miệng vẫn leo lẻo khẳng định sẽ trả, nhưng mỗi tháng chỉ… 5 triệu đồng. Bực tức vì câu chuyện của tôi, Chiến “hâm” bảo: “Nó trả 5 triệu/tháng thì đến hết đời mới xong nợ à, chú để anh giải quyết vụ này”. Tôi biết Chiến khá manh động và không kiểm soát được hành vi, nên hỏi: “Anh định thế nào?”. Trước mắt, hàng ngày cho đám đàn em tung “bom bẩn” vào nhà riêng và trụ sở công ty, vài tháng sau theo dõi, thuê ôtô quệt cho lão một phát, đảm bảo không chết người, chỉ vào chấn thương chỉnh hình 1 tháng thôi. Bước cuối, lừa lão đi công tác tỉnh xa, theo dõi và bắt, đưa cả nhân viên lẫn sếp đến một bờ sông vắng dưới Đồng Nai, nhét vào bao tải, đeo đá nặng, thả bùm một phát rồi nhấc lên, vài lần cho nhớ…

Trên đường tìm cách rút lui khỏi mớ bùng nhùng đòi nợ thuê, tôi nhớ người bạn làm Thừa phát lại Bình Thạnh - anh trước đây là cán bộ có năng lực của CSĐT CATP.HCM. Anh bảo, với các vụ việc dân sự như thế này, rất khó có thể làm nhanh chóng dù có đầy đủ chứng lý buộc bên nợ phải trả, trong khi pháp luật vẫn quy định. Thừa phát lại địa phương nào chỉ hoạt động trong phạm vi quy định, quận Bình Thạnh không thể với sang quận 5, quận 10, cũng không thể liên hệ để thanh lý tài sản, đòi nợ cho thân chủ ở tận Đồng Nai, Long An, Bình Thuận… Lực lượng công an càng không được phép tham gia mảng nhạy cảm này vì dễ vi phạm quy định, dễ bị quy là lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Sau nhiều ngày yên ổn, không còn ám ảnh bởi chuyện đòi nợ thuê, tôi bình tâm ngẫm ngợi. Nếu như ở Việt Nam có một cơ quan dân sự với chức năng điều tra như Viện Công tố ở nhiều nước trên thế giới, để giúp người dân, doanh nghiệp có cơ hội đòi lại quyền lợi một cách chính đáng, tuân thủ pháp luật, biết đâu sẽ không còn đất để các nhóm “xã hội đen” lợi dụng kiếm chác, gây nhiều tiêu cực, ảnh hưởng tình hình ANTT xã hội.

Theo Anninhthudo

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG