Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Tass |
Khi Mỹ đang vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm và giá khí đốt tăng cao kỷ lục, thì nhiều cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ coi những vấn đề về kinh tế này là cấp bách hơn so với xung đột Ukraine.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Zelensky nhắc lại rằng cả Ukraine và Mỹ đều đang đấu tranh cho những giá trị chung.
“Xung đột ở Ukraine vẫn là cuộc xung đột đi ngược lại những giá trị được truyền bá ở Mỹ và châu Âu”, ông Zelensky nói với người dẫn chương trình Piers Morgan. “Chúng tôi đang hi sinh mạng sống của mình cho những giá trị của các bạn, cho an ninh chung của thế giới".
“Do đó, lạm phát không là gì cả. COVID không là gì cả. Những việc này chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng nhất là sống sót, và bảo toàn tính mạng của bạn, của gia đình bạn và đất nước của bạn. Chúng tôi đang làm việc này, nhưng phương Tây phải giúp chúng tôi”, ông Zelensky nói thêm.
Kiev trước đó từng cho biết nước này cần tới 65 tỷ đô la viện trợ nước ngoài trong năm nay chỉ để duy trì hoạt động, trong khi các cố vấn của ông Zelensky đã yêu cầu các khoản tài trợ vũ khí ngày càng lớn từ phương Tây.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov nói rằng quân đội Ukraine cần ít nhất 100 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất - chiếm khoảng 1/3 toàn bộ kho dự trữ của Mỹ - để tiến hành một "cuộc phản công hiệu quả" chống lại lực lượng Nga.
Tổng thống Zelensky nói với Morgan rằng ông mong đợi sự hỗ trợ không giới hạn từ phương Tây, rằng "sự giúp đỡ sẽ không đủ cho đến khi xung đột kết thúc, và cho đến khi chúng tôi giành chiến thắng".
Hồi tháng 5, phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hoà đã đồng tình với các đồng nghiệp đảng Dân chủ để bỏ phiếu ủng hộ việc phân bổ 43 tỷ đô la viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện có dấu hiệu cho thấy phe bảo thủ đang ngày càng mệt mỏi với việc bảo lãnh cho quân đội của Tổng thống Zelensky.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa Mỹ bước vào “Thế chiến 3”, trong khi chuyên gia bảo thủ Tucker Carlson lên án chính quyền của ông Biden vì đã nâng đỡ một quốc gia “tham nhũng” và “chuyên chế”.
Bất chấp những sự phản đối này, Mỹ có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine. Cùng với các lãnh đạo G7, Tổng thống Biden tháng trước cam kết sẽ viện trợ cho đến khi nào còn cần thiết. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuần trước thừa nhận mặc dù sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine có thể đang giảm dần, nhưng “vẫn còn những làn sóng ủng hộ bền vững trong Nhà Trắng và Quốc hội”.
Dự luật viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 43 tỷ đô la mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hồi tháng 5 đã “đủ để đảm bảo dòng chảy vũ khí tới Ukraine trong một khoảng thời gian nhất định”, ông Sullivan tuyên bố. Nhưng nếu hàng chục tỷ đô la này cạn kiệt, ông Sullivan cho biết “sẽ có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội để tái thiết các nguồn lực đó nếu cần”.