“Hàng nghìn người đã bị giết hoặc bị bỏ tù. Thế giới đang theo dõi. Quan trọng hơn, Mỹ đang theo dõi. Hãy mở lại mạng internet và để các phóng viên tự do hoạt động”, Tổng thống Trump viết.
Vài giờ trước đó, ông Trump cũng thể hiện sự ủng hộ của chính quyền của mình đối với người biểu tình ở Iran. Viết trên Twitter, Tổng thống Mỹ khẳng định, ông sát cánh với họ từ khi ông nhậm chức gần 3 năm trước.
“Và chính quyền của tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các bạn. Chúng tôi đang theo sát các cuộc biểu tình của các bạn và sự can đảm của các bạn đã truyền cảm hứng cho chúng tôi”, ông Trump viết bằng tiếng Anh và tiếng Farsi (ngôn ngữ chính thức của Iran).
Biểu tình lan rộng
Lời xin lỗi của các nhà lãnh đạo Iran về vụ bắn hạ máy bay của Ukraine International Airlines hôm 8/1 vẫn không đủ để ngăn các vụ biểu tình chống chính phủ lan khắp Iran, CNN đưa tin ngày 13/1.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người đổ xuống đường phố thủ đô Tehran, hô vang các khẩu hiệu phản đối chính phủ, kêu gọi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và truy tố những người chịu trách nhiệm vụ bắn hạ máy bay. Ông Khamenei đã tại vị 3 thập kỷ và không có giới hạn về nhiệm kỳ đối với ông.
Trong khi đó, ngày 12/1, khoảng 150 người tập trung bên ngoài cổng chính Đại học Tehran để thể hiện sự ủng hộ chính phủ. Những người này cầu nguyện và hô to khẩu hiệu ủng hộ ông Khamenei.
Các nhân chứng nói rằng, cảnh sát, vệ binh cách mạng và các sĩ quan mặc thường phục xuất hiện nhiều gần Đại học Amirkabir và trên các con phố gần đó. Cảnh sát chống bạo động đi tuần cùng với xe chở vòi rồng.
Các vụ biểu tình đã lan từ Tehran sang các thành phố khác, bao gồm Shiraz, Esfahan, Hamedan và Orumiyeh, Reuters đưa tin.
Ngoài các vụ biểu tình trong nước, Iran còn phải đối mặt sự chỉ trích từ nước ngoài sau khi tạm giữ Đại sứ Anh Rob Macaire hôm 11/1 rồi triệu tập ông đến trụ sở Bộ Ngoại giao Iran hôm 12/1.
Theo hãng tin Iran Tasnim, Đại sứ Macaire bị bắt khi ở trong đám đông biểu tình trước Đại học Amir Kabir ở Tehran. Ông bị cáo buộc kích động, chỉ đạo biểu tình cấp tiến, có tính chất phá hoại nhưng sau đó được thả ra.
Trên Twitter, Đại sứ Macaire viết rằng, ông không tham gia bất kỳ cuộc biểu tình nào; ông chỉ đến tưởng niệm các nạn nhân của vụ máy bay bị bắn rơi. Đại sứ Anh nói rằng, ông rời khu vực đông người sau 5 phút “khi có một số người hô vang” (khẩu hiệu chống chính phủ)”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi vụ bắt giữ Đại sứ Macaire là “sự vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn”. Bộ Ngoại giao Đức và Pháp cũng có ý kiến tương tự.
Các quan chức Iran nói rằng, Đại sứ Macaire được thả ngay sau khi danh tính của ông được xác nhận.
“Khi cảnh sát thông báo với tôi rằng, một người đàn ông bị bắt nói rằng ông ấy là Đại sứ Anh, tôi nói: ‘Không thể nào’. Nhưng sau khi tôi điện thoại thì ngạc nhiên chưa, đúng là ông ấy. 15 phút sau, ông ấy được thả”, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi viết trên Twitter.
Đông người tập trung tại Đại học Amri Kabir ở Tehran để thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay bị bắn rơi. Ảnh: AP.