Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói các cơ quan ngoại giao phương Tây 'sẽ phải trả giá'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết các phái bộ phương Tây sẽ phải "trả giá" cho việc đưa ra cảnh báo an ninh và tạm thời đóng cửa lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, dù cảnh sát cho biết không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với người nước ngoài sau khi bắt giữ 15 nghi phạm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm Chủ nhật.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói các cơ quan ngoại giao phương Tây 'sẽ phải trả giá' ảnh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters

Ankara đã triệu tập đại sứ của 9 quốc gia (Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh) hôm 2/2 để phản đối việc những nước này đưa ra các cảnh báo an ninh và quyết định tạm thời đóng cửa các cơ quan ngoại giao.

Một ngày sau đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ và Đức, đã không chia sẻ thông tin chứng minh cho mối lo ngại an ninh của những nước này.

“Bộ Ngoại giao của chúng tôi đã triệu tập các đại sứ và đưa ra tối hậu thư, nói với họ rằng các bạn sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục làm như vậy”, ông Erdogan nói trong chương trình được phát sóng hôm Chủ nhật.

Bên cạnh việc đóng cửa, một số quốc gia phương Tây đã cảnh báo công dân về nguy cơ tấn công nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao và những nơi thờ cúng không theo đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau một loạt các cuộc biểu tình cực hữu ở châu Âu trong những tuần gần đây, bao gồm một số vụ đốt Kinh Koran.

Ông Erdogan nói rằng các quốc gia phương Tây đang "câu giờ" và "những quyết định cần thiết" sẽ được đưa ra trong cuộc họp nội các hôm thứ Hai (6/2).

Không có mối đe dọa cụ thể

Hôm Chủ nhật, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không tìm thấy bằng chứng về bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào đối với người nước ngoài. 15 nghi phạm IS đã bị bắt giữ với cáo buộc nhắm vào các lãnh sự quán và nhà thờ không theo đạo Hồi

Hãng thông tấn Anadolu trích dẫn một tuyên bố của cảnh sát Istanbul cho biết các nghi phạm đã "nhận được chỉ thị hành động nhắm vào các lãnh sự quán của Thụy Điển và Hà Lan, cũng như các địa điểm thờ phượng của người Cơ đốc giáo và người Do Thái".

Trong khi mối quan hệ của các nghi phạm với nhóm thánh chiến đã được xác nhận, không có mối đe dọa cụ thể nào đối với người nước ngoài được tìm thấy, tuyên bố cho biết.

Các cảnh báo an ninh xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn việc ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Stockholm và Copenhagen (Đan Mạch). Trong đó một phần tử cực đoan chống Hồi giáo đã đốt kinh Koran khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, vì Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đa số theo đạo Hồi.

Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu hôm thứ Bảy nhắc lại sự thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ với việc Thụy Điển không tích cực ngăn chặn các thực thể mà Ankara cáo buộc là có hoạt động khủng bố.

Thụy Điển và Phần Lan sẽ không thể gia nhập NATO nếu không có sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên khối, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG