Tổng thống Nga: Động binh là lựa chọn cuối cùng

Các binh sĩ trên thành phố Simferopol hôm 4/3. Ảnh: The Guardian
Các binh sĩ trên thành phố Simferopol hôm 4/3. Ảnh: The Guardian
TP - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/3 nói ông thấy vẫn chưa cần thiết phải đưa quân vào Ukraine, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ làm như vậy. Nếu người dân nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine yêu cầu Nga giúp đỡ, Mátxcơva nhất định đáp ứng.

Bên cạnh phát biểu được đánh giá là dịu giọng này, sáng 4/3, điện Kremlin nói rằng, ông Putin đã ra lệnh cho hàng chục nghìn lính Nga đang tập trận gần biên giới Ukraine trở về căn cứ, theo báo Nga Moscow Times.

Đợt tập trận trên quy mô lớn ở miền tây nước Nga có sự tham gia của 150.000 quân, vài trăm xe tăng và vài chục máy bay chiến đấu. Vẫn chưa rõ có phải ông Putin làm như vậy là để đáp lại lời kêu gọi xuống thang của phương Tây hay không, trong lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa đến Kiev để gặp các lãnh đạo mới của Ukraine.

Các quan chức tháp tùng ông Kerry nói rằng, trong chuyến thăm này, Mỹ sẽ đề xuất cho Ukraine vay 1 tỷ USD, hãng tin Anh Reuters đưa tin ngày 4/3.

“Ông Yanukovych không còn tương lai chính trị”

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Putin nói rằng, Nga có quyền sử dụng “mọi phương tiện” để bảo vệ công dân ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, chính những tay súng vũ trang và dân thường ủng hộ Nga ở Crimea, không phải lính Nga, đang bao vây các căn cứ quân sự trên bán đảo này, hãng tin Nga Ria-Novosti đưa tin.

Hôm 4/3, lực lượng trung thành với Mátxcơva đang kiểm soát căn cứ không quân Belbek ở Crimea bắn nhiều phát súng chỉ thiên để cảnh cáo, khi gần 300 binh lính Ukraine biểu tình không vũ trang đòi được làm việc trở lại, hãng thông tấn Mỹ AP đưa tin.

Các nhà quan sát cho rằng, vụ việc phản ánh căng thẳng vẫn ở mức cao ở Crimea thuộc Biển Đen kể từ khi 16.000 lính Nga (theo ước tính của chính quyền Ukraine) thắt chặt kiểm soát bán đảo nơi có căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Ukraine cáo buộc Nga vi phạm điều kiện hạn chế di chuyển quân trong thỏa thuận song phương về việc cho thuê căn cứ này, nhưng Nga nói rằng, họ vẫn hành động trong giới hạn của thỏa thuận.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churchin hôm 3/3 nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, Nga được phép triển khai 25.000 lính ở Crimea theo thỏa thuận song phương.

Ông Churchin không nói rõ có bao nhiêu lính Nga đang đồn trú ở Crimea mà chỉ cho biết “họ đang hành động theo cách mà họ cho là cần thiết để bảo vệ cơ sở và phòng ngừa các hành động cực đoan”.

Tối hậu thư được cho là do Nga đưa ra đối với hai tàu chiến của Ukraine rằng phải đầu hàng hoặc bị tấn công đã qua đi mà không có hành động gì từ cả hai phía. Hai con tàu vẫn neo tại cảng Sevastopol thuộc Crimea, AP đưa tin.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Vladimir Anikin nói rằng, Nga không đưa ra tối hậu thư nào cả. Tuy nhiên, hãng tin Anh BBC đưa tin, hai tàu chiến của Ukraine đã bị tàu quét thủy lôi của Nga phong tỏa.

Trong khi đó, tại Brussels, các đại sứ của 28 nước thành viên NATO hôm 4/3 tham dự phiên họp khẩn thứ hai về tình hình Ukraine, sau khi Ba Lan (nước giáp biên giới với cả Nga và Ukraine) kêu gọi tham vấn khi một quốc gia thấy “nguy cơ bị đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh”, theo thông báo của NATO.

Trong những phát biểu đầu tiên kể từ khi Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych rời khỏi Kiev, Tổng thống Putin nói ông Yanukovych vẫn là tổng thống hợp pháp của Ukraine. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Nga nói: “Tôi không nghĩ ông ấy còn tương lai chính trị”, và Nga giúp ông Yanukovych vì lý do nhân đạo.

Ngày 3/3 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga nói ông Yanukovych đã chính thức đề nghị Nga triển khai quân để tái thiết luật pháp, trật tự tại Ukraine.

Phương Tây đe dọa chỉ phản tác dụng

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa nói rằng, Nga đang ở “mặt trái của lịch sử” ở Ukraine và hành động của Mátxcơva vi phạm luật quốc tế.

Ông Obama nói Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn kinh tế và ngoại giao để cô lập Nga, và kêu gọi Quốc hội nước này chấp thuận gói viện trợ cho Ukraine.

Mỹ sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, có thể trong vòng vài ngày tới, Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng John Kerry tới Ukraine.

Các ngoại trưởng của EU hôm 3/3 dọa sẽ hủy những cuộc đối thoại về tự do thị thực và đàm phán thúc đẩy hợp tác kinh tế, nếu Nga không rút quân khỏi Crimea trong 3 ngày tới.

Khối gồm 28 nền kinh tế này sẽ có cuộc họp khẩn vào 6/3 để quyết định các biện pháp trừng phạt Nga nếu nước này không xuống thang ở Ukraine, quan chức phụ trách ngoại giao châu Âu Catherine Ashton thông báo.

Ông Putin phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua rằng, đe dọa của phương Tây về việc trừng phạt Nga sẽ chỉ phản tác dụng.

Cơ quan giám sát nông nghiệp của Nga hôm 4/3 tuyên bố hủy quyết định trước đó về việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ. Cơ quan này nói rằng, hệ thống kiểm tra hiện nay của Mỹ không bảo đảm an toàn cho loại sản phẩm này.

Ông Sergei Glazyev, cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin, nói rằng, Nga có thể phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác để bù đắp bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà phương Tây có thể thực thi. Cố vấn của ông Putin cũng nói rằng, nếu Washington áp biện pháp trừng phạt kinh tế, Nga có thể từ chối trả nợ cho các ngân hàng Mỹ.

Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine đang phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ông Alexei Miller, lãnh đạo tập đoàn khí đốt độc quyền của Nga Gazprom, hôm 4/3 nói rằng, từ tháng 4 năm nay, Ukraine sẽ không được mua khí đốt với giá thấp vì họ đã vi phạm thỏa thuận.

Phái đoàn OSCE có mặt tại Kiev

Chính phủ tạm quyền của Ukraine tối 4/3 khẳng định, những nhà quan sát đến từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã được triển khai tới Ukraine, nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự với các lực lượng Nga.

“Một phái đoàn OSCE đã tới Kiev và sẽ tới bán đảo Crimea để giám sát tình hình”, Reuters dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine Andriy Paruby nói với các phóng viên.

MỚI - NÓNG