Tổng thống Morsi có thể bị “thẻ đỏ”

TP - Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi lên đài truyền hình gửi lời kêu gọi tới người dân Ai Cập và khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới sẽ diễn ra đúng vào ngày 15- 12 như đã định, bất kể tình hình trong nước ra sao. Còn người dân Ai Cập xuống đường phản đối như họ đã từng làm với cựu tổng thống Mubarrak.

> Tổng thống Ai Cập 'xuống nước' về sắc lệnh Hiến Pháp mớ

Biểu tình chống Tổng thống Morsi.

Ông Mohamed Morsi biện minh cho bản Tuyên bố Hiến pháp trao cho ông những quyền lực thực tế là vô hạn và đã gây phẫn nộ trong xã hội Ai Cập. Ông cho rằng văn kiện đó chỉ nhằm “bảo vệ cách mạng” và “bảo đảm quá trình chuyển tiếp đến nền dân chủ”.

Trước làn sóng phản đối ngày càng dâng cao, ông Morsi đề nghị tất cả các thủ lĩnh phe đối lập, dù đấy là thủ lĩnh các chính đảng đối lập hay thủ lĩnh phong trào phản kháng ngoài đường phố, hãy cùng chính quyền của ông tiến hành thương lượng trong thời gian sớm nhất nhằm tìm ra một giải pháp có thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Ông Morsi cũng buộc phải đưa ra những nhượng bộ nhất định. Ông tuyên bố sẵn sàng bãi bỏ bản Tuyên bố Hiến pháp nếu cuộc thương lượng với phe đối lập thành công. Ông cũng cam kết sẽ thành lập một Hội đồng rộng rãi để chuẩn bị phương án mới cho bản Hiến pháp.

Một trong những thành viên chủ chốt khác của phe đối lập là “Phong trào 6 tháng 4” của giới thanh niên Ai Cập cũng đã lập tức bác bỏ đề nghị của ông Morsi và kêu gọi những người biểu tình tiếp tục xuống đường để giơ “thẻ đỏ” cho đương kim Tổng thống.

Lời kêu gọi của ông Morsi vang lên trong bối cảnh tình hình ngày càng xấu đi. Những người biểu tình đã đốt cháy trụ sở phong trào “Anh em Hồi giáo” tại một quận ở thủ đô Cairo và phá tan 2 văn phòng của phong trào này cũng tại Cairo.

Hơn thế nữa, ông Morsi không nói được những điều phong trào đối lập muốn nghe – đó là ngừng hiệu lực của bản Tuyên bố Hiến pháp và bãi bỏ cuộc trưng cầu dân ý ngày 15- 12 về bản Hiến pháp mới. Đề nghị thương lượng của ông đã không được phe đối lập hưởng ứng.

Tổ chức đối lập lớn nhất - “Mặt trận cứu nguy Ai Cập” – đã từ chối thương lượng với ông Morsi bởi vì theo lời họ, lời kêu gọi của ông Morsi cho thấy ông không hề chịu nhượng bộ chút nào và ông đã tỏ ra không có khả năng thương lượng

Mới 2 năm trước đây, “Phong trào 6 tháng 4” đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tổ chức những cuộc biểu tình quần chúng chống lại nhà độc tài Mubarak.

Sau nửa tháng diễn ra những hành động phản kháng rầm rộ, ông Mubarak đã bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền. Cuộc bầu cử đã đưa ông Morsi thay thế ông Mubarak.

Nhưng ông Morsi chỉ cần 6 tháng cầm quyền đã biến “Phong trào 6 tháng 4” thành lực lượng chống lại chính ông. Giờ đây, “Phong trào 6 tháng 4” cho biết, họ chỉ vừa lòng nếu “chế độ sụp đổ”.

Một số tổ chức đối lập khác cũng liên kết với “Phong trào 6 tháng 4”. Họ kêu gọi những người phản kháng tập trung tại các nhà thờ và quảng trường khắp Ai Cập, sau đó sẽ diễu hành về thủ đô Cairo và “hội quân” ngay bên ngoài Phủ Tổng thống.

Trong khi ông Morsi đọc thông điệp gửi người dân Ai Cập, hàng nghìn người chống đối ông đã tập trung gần Phủ Tổng thống để đòi ông phải từ chức.

Họ hô to các khẩu hiệu: “Kẻ sát nhân! Kẻ sát nhân!” và “Chúng ta sẽ không ra đi, ông ta phải ra đi!”. Đây chính là khẩu hiệu họ đã từng hô to 2 năm trước, khi xuống đường kêu gọi lật đổ nhà độc tài Mubarak.

Ngọc Thoa
Theo Gaxeta.ru

Theo Báo giấy