Tham luận tại ngày làm việc thứ 2 Đại hội X của Đảng:

Tổng rà soát, điều chỉnh chức năng các cơ quan hành chính

Tổng rà soát, điều chỉnh chức năng các cơ quan hành chính
Ông Đỗ Quang Trung, Bộ trưởng Nội vụ nêu ý kiến trên trong tham luận trình bày tại Đại hội X. "Mỗi khi có sự cố trong bộ máy, chúng ta lại giật mình nghĩ về tổ chức và chức năng, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính", ông nói.
Tổng rà soát, điều chỉnh chức năng các cơ quan hành chính ảnh 1
Ông Đỗ Quang Trung, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tham luận tại đại hội. Ảnh : TTXVN

Tại phiên họp chiều 19/4, các đại biểu dự Đại hội X của Đảng đã tham luận về các vấn đề mà Đại hội quan tâm. TPO xin trích giới thiệu tham luận của Ban cán sự Đảng Chính phủ do ông Đỗ Quang Trung, Đoàn đại biểu Khối I cơ quan Trung ương trình bày với tiêu đề: “Các biện pháp cơ bản để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính''.

...Công cuộc cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, đặc biệt là xây dựng khung khổ pháp lý cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cải cách hành chính đã góp phần mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy vậy, những kết quả đã đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp. Hệ thống thể chế cải cách hành chính còn nhiều bất cập, chưa theo kịp đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chưa hình thành môi trường pháp lý đồng bộ tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội. Bộ máy hành chính cồng kềnh, tính chuyên nghiệp thấp, dấu ấn của cơ chế bao cấp, đặc biệt là cơ chế “xin - cho” còn khá nặng nề.

Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn gây trở ngại cho dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ công chức còn yếu kém về trình độ nghiệp vụ và phẩm chất. Tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, vô trách nhiệm là rất nghiêm trọng. Những yếu kém và tiêu cực ấy làm giảm lòng tin của dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Nhìn tổng thể, nền hành chính của chúng ta đang tụt hậu và có nguy cơ tụt xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới

Tình trạng như vậy do các nguyên nhân chủ yếu: Một là, chưa có đầy đủ nhận thức và quyết tâm cải cách hành chính một cách thực sự và kiên quyết. Hai là, cải cách hành chính chưa được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, với cải cách kinh tế, cải cách tư pháp, cải cách lập pháp. Ba là, cấp ủy Đảng và những người đứng đầu các cấp chính quyền chưa làm hết trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính từ Trung ương đến cơ sở.

Cuộc sống đang đặt ra câu hỏi rất quan trọng và cơ bản đó là làm thế nào để bộ máy cải cách hành chính phục vụ dân tốt hơn, làm thế nào để cán bộ công chức tận tâm hơn với công việc. Từ kinh nghiệm thời gian qua, một số biện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính trong thời gian tới là:

Tạo lập cho được sự nhất quán, đồng bộ giữa thể chế của cả hệ thống chính trị với thể chế nhà nước, trong đó có thể chế hành chính.

Muốn làm rõ chức năng của bộ máy hành chính, của người đứng đầu cơ quan hành chính cần phải có những cải cách phù hợp của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị xã hội. Tổ chức Đảng phải làm đúng vai trò lãnh đạo sẽ tạo điều kiện để cơ quan hành chính phát huy hết trách nhiệm trong quản lý nhà nước, cả về công việc cũng như nhân sự.

Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, trong đó rất quan trọng là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đây là điều hết sức lưu tâm trong quá trình đổi mới. Phải có sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính về đẩy mạnh cải cách hành chính, thông qua đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục làm rõ và điều chỉnh chức năng của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Từng bước qua cải cách, chức năng của chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương các cấp đã rõ hơn, đã có những kết quả tích cực trong phân cấp của Trung ương cho địa phương. Nhưng như thế chưa đủ. Mỗi khi có sự cố trong bộ máy, chúng ta lại giật mình nghĩ về tổ chức và chức năng, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính.

Các vụ án tham nhũng đã và đang xử lý tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, Bộ Giao thông Vận tải cho thấy sự rõ ràng trách nhiệm của Bộ đối với doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, sự dai dẳng của cơ chế xin - cho, sự lẫn lộn, chồng chéo trong chức năng quản lý của Bộ đối với các dự án, sự buông lỏng thanh tra, kiểm tra của Bộ...v.v. Tất nhiên, không thể ngay một lúc xác định đúng và rõ chức năng quản lý nhà nước của các bộ trong cơ chế thị trường. Nhưng không thể để quá lâu không có được những câu trả lời đúng.

Để giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác là phải kiên trì thực hiện chủ trương mà Đảng ta đã khẳng định là Chính phủ, các bộ tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước về tầm vĩ mô: hoạch định chính sách, thể chế, quy hoạch, kế hoạch, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, từng bước phân biệt rõ quản lý hành chính với hoạt động doanh nghiệp, hành chính với sự nghiệp với thực hiện phân cấp đích đáng với các cấp hành chính.

Mong mỏi của khá nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chính là được quy định thật cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm, ví dụ như Bộ, tỉnh có mấy việc phải giải quyết đối với doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, mấy việc với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Ngoài các việc đó, bất kỳ việc gì khác mà cấp dưới không trình lên là không thuộc phạm vi giải quyết. Như vậy sẽ rõ được trách nhiệm, ai đúng, ai sai, sai đến đâu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều này có làm được không. Chắc là phải làm được. Và chúng ta phải thay đổi cả cách làm. Lâu nay khi bàn về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, thông thường chỉ là các cơ quan hành chính ngồi với nhau. Các doanh nghiệp Nhà nước,các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội không được tham gia.

Hãy để một doanh nghiệp nhà nước, một trường đại học, một viên nghiên cứu khoa học, một doanh nghiệp tư nhân liệt kê ra bao nhiêu việc phải trình lên để bộ quyết, cho ý kiến đồng ý, phê duyệt.v.v. Chắc chắn là danh mục liệt kê sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Xin đề nghị sau Đại hội X tiến hành tiếp một đợt tổng rà soát và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước với sự tham gia rộng rãi của tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Làm rõ chức trách, phận sự của từng cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Trên cơ sở đó xây dựng lại tiêu chuẩn cán bộ công chức, viên chức, xác định lại cơ cấu cán bộ, công chức , quy định chuẩn chế độ công vụ, trách nhiệm và đạo đức công vụ, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức thực chất hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập. Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm người đứng đầu.

Cần cải cách thực sự tiền lương để cán bộ, công chức sống được bằng lương, nuôi được gia đình. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra công vụ trong các cơ quan hành chính các cấp. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

TTXVN

MỚI - NÓNG