Tổng giám đốc EVN lên tiếng về khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng

TPO - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mỗi kWh điện bán ra, tập đoàn lỗ 180 đồng do giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới tăng cao. Để đảm bảo hoạt động, EVN  kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện như xăng, dầu. 

Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN - giải trình về khoản lỗ 31.000 tỷ đồng trong năm 2022 tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra.

Theo ông Nhân, 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên. Doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 ước đạt 460,73 nghìn tỷ đồng, tăng 4,31% so năm 2021 và vượt kế hoạch năm. Doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385,3 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng rất cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, ước lỗ 31.360 tỷ đồng. Công ty mẹ EVN lỗ do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào của chi phí nhiên liệu, đồng thời EVN trích lập dự phòng cho khoản lỗ của các công ty con. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các Bộ ngành cho điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

“Chúng tôi đạt kế hoạch sản lượng, doanh thu nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ. Hiện nay, giá than nhập khẩu tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng 3 lần so với đầu năm 2022. Việc tăng thêm này khiến chi phí của EVN tăng lên 47.000 tỷ đồng trong năm 2022. Giá khí ăn theo giá dầu tăng 5.500 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 180 đồng”, ông Trần Đình Nhân cho biết.


Mỗi kWh điện bán ra lỗ 180 đồng, EVN mong sớm tăng giá điện. Ảnh minh hoạ

Trước thực tế trên, EVN kiến nghị Ủy ban chính thức xác nhận EVN lỗ do nguyên nhân khách quan. Năm 2023 nếu không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, EVN tiếp tục lỗ.

Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo, EVN đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về việc sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. EVN kiến nghị Uỷ ban chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tăng cường khai thác than trong nước để cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện. Uỷ ban có giải pháp để giảm giá than bán cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479 của Thủ tướng và kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện như xăng, dầu.