Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hai bên dự kiến hợp tác trên 8 lĩnh vực lớn, như: Khảo sát nhu cầu thị trường lao động lĩnh vực xây dựng; xây dựng tiêu chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, rèn luyện kỹ năng thi tay nghề các cấp, ….
Theo ông Dũng, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tại Việt Nam đang được thực hiện khá tốt, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách so với mong muốn và kỳ vọng.
Trên cơ sở thực tiễn ấy, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kỳ vọng Tập đoàn Hoà Bình sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo, gắn nhà trường với doanh nghiệp; thúc đẩy gắn kết và sự tham gia của Tập đoàn vào các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp. Đây là hướng đi mới mà những năm gần đây Bộ LĐ -TB &XH tập trung phát triển.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Cty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, lực lượng kỹ sư, chuyên gia trong ngành xây dựng của Việt Nam là 12.000 kỹ sư/1 triệu dân, cao gấp 4 lần mức bình quân thế giới.
Ông Hải nhận định, nếu lực lượng này làm việc với năng suất tương đương mức bình quân trên, có thể đem lại cho ngành xây dựng 800 tỷ USD/ năm (5,2% sản lượng thế giới thời điểm đó). Tuy nhiên, con số này không khả thi, bởi quy mô GDP Việt Nam mới ở mức 300 tỷ USD.
Để năng lực cạnh tranh của Việt Nam có vị trí trên thi trường quốc tế, ông Hải cho rằng, rất cần sự hỗ trợ hiệu quả của lực lượng lao động trực tiếp.
Thông qua hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Hải ky vọng, sẽ nâng cao chất lượng nhân lực ngành xây dựng, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Từ đó, đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong thời kỳ dân số vàng
Theo nội dung hợp tác, Tập đoàn Hoà Bình sẽ tham gia vào việc đánh giá kết quả đào tạo cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề Quốc gia; tuyên dụng lao động qua đào tạo nghề xây dựng…