Đến đầu năm 2009:

Tổng công ty Sông Đà đưa vào khai thác 11 nhà máy thủy điện

Tổng công ty Sông Đà đưa vào khai thác 11 nhà máy thủy điện
TP - Thời gian của gần 40 ngày tới là dành cho các lực lượng xây lắp tại 2 dự án thủy điện Bình Điền ( cách thành phố Huế 30 km ) và thủy điện Nậm Mu ( Hà Giang ) để hoàn thành toàn bộ công trình nhằm đưa 2 nhà máy này hòa vào lưới điện quốc gia.
Tổng công ty Sông Đà đưa vào khai thác 11 nhà máy thủy điện ảnh 1
Đến nay, các đơn vị thuộc Tổng công ty Sông Đà đã vận hành hoàn hảo dây chuyền công nghệ bê tông RCC - công nghệ mới lần đầu tiên tiếp nhận, có hiệu suất cao bậc nhất trong nghề xây dựng trên thế giới, giúp toàn công trường đảm bảo tiến độ chung phát  điện vào tháng 12/2010. Trong ảnh: Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Xuân Trường

Đây là cột mốc cuối cùng trong tiến trình thi công dự án đồng thời cũng là lời hứa danh dự của những người thợ Sông Đà luôn về đích đúng hẹn, dâng tặng món quà quý giá này nhân dịp đón xuân mới Kỷ Sửu và mừng ngày sinh nhật Đảng quang vinh (3 - 2 -2009).

Có thêm nhà máy thủy điện Bình Điền công suất 44 MW và thủy điện Nậm Mu 9 MW đến thời điểm này TCT Sông Đà đã đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành kinh doanh 11 nhà máy điện trên phạm vi toàn quốc với tổng công suất gần 350 MW.

Trong hơn 6 năm vận hành, các nhà máy trên đã cung cấp vào lưới điện quốc gia ngót 4 tỷ KW/giờ điệm thương phẩm, góp phần không nhỏ vào việc cung cấp điện năng phục vụ cho sản xuất, công nghiệp và tiêu dùng trên toàn quốc.

Việc được Chính phủ cho phép, Tổng công ty Sông Đà đầu tư xây dựng các nhà máy điện vừa và nhỏ, không những chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo cho Sông Đà phát huy tiềm năng nội lực một cách triệt để, hữu ích từ sức lao động sáng tạo tính tự lực tự cường của tập thể, cán bộ, kỹ sư và công nhân Tổng công ty Sông Đà .

Từ mô hình B.O.T đầu tiên được xây dựng thành công tại thủy điện Cầu Đơn (76MW) Tổng công ty Sông Đà đã xây dựng thành công dự án tiếp theo như: Thủy điện SeSan 3A (108MW).

Tại công trình này Sông Đà đảm nhiệm toàn bộ các khâu từ khảo sát thiết kế, xây dựng, đến việc tự lắp đặt thiết bị toàn bộ đồng thời kiểm tra thí nghiệm, hiệu chỉnh kỹ thuật điện, vận hành an toàn nhà máy mà không phải thuê mượn chuyên gia nước ngoài cũng như các nhà thầu thi công trong nước như  trước kia.

Với thế mạnh đó, TCT Sông Đà được chính phủ giao cho thi công các công trình thủy điện trọng điểm  lớn của quốc gia như: Thủy điện Sê San 3 (250MW), thủy điện Tuyên Quang (342MW) theo hình thức tổng thầu EPC.

Với mô hình mới này, tuy được làm nhà tổng thầu nhưng nguồn vốn và việc đặt hàng mua thiết bị toàn bộ lại không được quyền chủ động cộng với nhiều trở ngại khi triển khai dự án nên đã gặp không ít khó khăn.

Dù vậy tập thể CBCN Tổng công ty Sông Đà đã nỗ lực khắc phục để vượt qua và đến nay đã có thể khẳng định những dự án EPC do Sông Đà đảm nhận chức chính phủ đã hoàn thành xuất sắc đem lại hiệu quả rất cao về kinh tế cũng như uy tín, năng lực của người thợ Việt Nam.

Đầu tháng 12/2008 vừa qua được phép của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào, Tổng công ty Sông Đà đã ký bản ghi nhớ về việc đầu tư xây dựng cụm thủy điện Xê Bang Hiêng 1 và 2 tại Xavana Khét với tổng vốn đầu tư  400 triệu USD Mỹ.

Đây là dự án đầu tư lớn thứ 2 do Sông Đà đầu tư tại Lào sau khi đã và đang tiến hành xây dựng cụm thủy điện Xêkaman 3 tại tỉnh Sê Kông (công suất 250 MW).

Sông Đà đã góp 30% vốn điều lệ cùng Tập Đoàn dầu khí Việt Nam đồng thời nhận làm tổng thầu dự án thủy điện Luông Prabăng công suất 1410 MW tại Lào sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2009 tới.    

MỚI - NÓNG