Tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ: Bộ Công Thương phải sớm giải quyết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
TP - Phải sớm giải quyết những tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đồng thời tiếp tục thực hiện tái cơ cấu bộ máy, có chiến lược phát triển công nghiệp, thúc đẩy thương mại... Đây là chỉ đạo quyết liệt mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ Công Thương ngày 6/1 tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương.

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016 ngành Công Thương đạt được nhiều thành công. Trong đó, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng, ngành cơ khí từng bước làm chủ công nghệ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa được 70 - 80%. Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Công Thương,  năm 2016 tồn kho thấp nhất trong nhiều năm vừa qua.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công Thương cũng thừa nhận ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày, sản xuất ô tô, tivi và máy vi tính... Đến nay, sau nhiều năm, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục dựa vào bề rộng khi các chỉ số tăng trưởng chủ yếu là do tăng số doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Công Thương phải tiếp tục hội nhập nhanh chóng. Từ đại sứ đến các tham tán phải có trách nhiệm quảng bá hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, phải sử dụng, phát huy vai trò tham tán thương mại để xúc tiến có hiệu quả nhất. 

Về những giải pháp năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị Thủ tướng loạt chính sách gỡ khó cho ngành sản xuất điện, than, xăng dầu... Trong đó, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may...

Dự hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia trình Bộ Chính trị trong quý 2/2017 với những giải pháp cụ thể đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp, hiện đại. Cùng đó, Bộ Công Thương phải có giải pháp, thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phát triển. “Hàng năm nước ta có thêm 900 nghìn lao động mới tăng thêm. Ngành công nghiệp phải thu hút nhiều lao động hơn để chuyển dịch nhanh cơ cấu, tăng năng suất lao động chung của nền kinh tế”, ông Phát nói.

Bộ Công Thương vấp nhưng chưa ngã

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ Công Thương. Việc cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, giảm số lượng cán bộ công chức thời gian qua tại Bộ được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới 2 lần là thực hiện rất tốt.

“Về tổ chức bộ máy, có thể nói, đây là Bộ làm việc này tốt nhất, số đầu mối cục, vụ giảm xuống, biên chế giảm xuống. Số phòng trong cục, vụ giảm xuống. Đặc biệt, một số thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì các đồng chí làm hết sức tiến bộ và ấn tượng”, Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã bỏ nhiều quy định, thủ tục về đầu tư, kinh doanh; khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3, 4 của Bộ tại một cửa duy nhất.

Cho rằng năm 2016, ngành Công Thương đạt nhiều kết quả tốt nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, Thủ tướng nhìn nhận: “Ngành Công Thương đã bị vấp nhưng chưa ngã. Ngược lại, có sự vươn lên mạnh mẽ, không chỉ có Bộ Công Thương mà cả hệ thống công thương toàn quốc”.  Thủ tướng đồng thời chỉ ra một số tồn tại như: khai khoáng giảm sút, nhiều dự án thuộc ngành bị thua lỗ kéo dài. Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả như chiến lược phát triển ngành cơ khí, ô tô, thép… 

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa, được chú trọng một bước nhưng nói chung còn chậm, chưa hiệu quả. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ thời gian qua tại Bộ Công Thương còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc”.

Về định hướng và giải pháp năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả.  Ngành Công Thương phải tập trung giải quyết dứt điểm để sớm dứt ra khỏi các dự án thua lỗ, không hiệu quả theo đúng lộ trình. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải nêu ra trách nhiệm của người đứng đầu đối với các dự án nghìn tỷ thua lỗ. Thủ tướng khẳng định, ngân sách không có khả năng và cũng không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ này. Nên cái nào đáng phá sản thì cho phá sản.

MỚI - NÓNG