Tôi tự xem mình là biên chế bổ sung của báo Tiền phong

Tôi tự xem mình là biên chế bổ sung của báo Tiền phong
TP - Đó là lời tự nhận của nhà văn Đỗ Chu trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm Báo Tiền Phong ra số báo đầu tiên.

"Đã có 55 năm kể từ buổi báo Tiền phong ra số đầu tiên tại cánh rừng chiến khu Việt Bắc... Cũng có nghĩa là đã có trên một nửa thế kỷ hoạt động tràn đầy cảm hứng thời đại của một cơ quan ngôn luận, tiếng nói của một đoàn thể Cách mạng lớn, đó là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Tôi tự xem mình là biên chế bổ sung của báo Tiền phong ảnh 1
Nhà văn Đỗ Chu  - Ảnh: Hồng Vĩnh

Bây giờ nhìn lại, thấy ở đây đã có một cuộc lên đường dũng cảm của nhiều thế hệ nhà báo, một cuộc chạy việt dã rất nhiều gian nan và cũng rất nhiều tự hào.

Tại lễ kỷ niệm này, hình như, xung quanh ta cũng không còn mấy ai là những người đã đi mở đường thuở ấy, bóng các anh các chị cứ mỗi năm một xa dần, mỗi năm một vắng vẻ.

Ngồi ở đây hôm nay ít có ai đã là người đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải là những người sau cùng, sau lưng chúng ta là những thế hệ đang đến. Sự sống là bất tận, cuộc đời của con người do vậy mà cứ là trẻ mãi, nó trẻ vì những người đi tiên phong luôn luôn vẫn là tuổi trẻ.

Nhân loại sẽ thật thê thảm một khi trên trái đất này chỉ thấy rặt những người già, cho dù mỗi người già đều có thể là một ông thầy lớn. May thay, điều đó là không thể có! Chuyện ấy chỉ có thể là một giả thiết mà thôi.

Bằng một cách nghĩ dễ hiểu như vậy, với tư cách một cây bút đang phục vụ trong quân đội, ở tuổi hai mươi, tôi đã kịp có những bài viết cho báo Tiền phong. Đây là một sự cộng tác không mấy thường xuyên, là rất nhỏ giọt, nhưng nhớ lại vẫn thấy thật ấm áp những kỷ niệm.

Báo Tiền phong không cần cảm ơn chúng tôi, mà ngược lại, chúng tôi thấy nên cảm ơn Tiền phong mới phải.

Có câu: “Bạn tốt giống như nước lã”, nhạt nào bằng nước lã, nhưng thiếu nó là chết! Thiếu nước đường, thiếu rượu mạnh cũng chưa làm sao nhưng không ai dám xem thường nước lã.

Mối quan hệ của người viết với Ban biên tập rất nên và chỉ nên là mối quan hệ nhã nhặn như thế, gần gần xa xa như thế. Đấy mới là tin yêu, là người thân trong nhà, là cái gì mộc mạc nhất, càng ít ồn ào, càng ít phiền lụy, càng ít thớ lợ càng tốt.

Tôi nhớ, anh Hồ Xuân Sơn hồi đó vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, về nhận công tác ở Tiền phong  làm biên tập viên trang Văn Nghệ. Các anh đang lục tục lo làm báo Tết, do vậy mà anh Sơn đã tìm đến tôi để lấy bài.

Mấy cái Tết liền tôi đã có bài cho anh. Mùa xuân lên đường, Sông Hồng sắc đỏ... đấy là tên những bài tôi viết dạo ấy. Tôi hẹn với các anh cứ ngồi ở Toà soạn một hai tuần tôi sẽ mang bài lên, nhưng chỉ dăm ngày sau đã thấy anh Sơn ôm xe đạp đứng trước cổng đơn vị. Anh bảo: “Đang lo ông lười chưa động bút, phải xuống giục”. Tôi cười, rút trong túi quần ra mấy trang viết tay đã sửa sạch sẽ gửi anh mang về. Vẫn còn kịp chúc nhau một năm mới nhiều thắng lợi mới, hẹn ra Giêng có dịp gặp nhau.

Đường Bạch Mai ngày đó là chỗ tập kết các đơn vị pháo phòng không chuẩn bị ra trận. Lúc nào cũng chật cứng súng ống đạn dược, tầu hỏa rúc còi, xe tải tiến lên lùi xuống, sắt thép xô đẩy rầm rầm, ẩn hiện trong những đám bụi là những người lính lấm láp, những ánh mắt mất ngủ, những giọng nói khản đặc.

Tôi đã viết những bài báo ấy trong những khung cảnh ấy và anh Sơn cùng các anh các chị đã đi viết bài, lấy tin, và chúng ta đã có một thời sống và làm báo như thế đấy.

Bẵng đi sau mấy chục năm, đến cách đây gần 2 năm, tôi mới lại dám mò đến tòa soạn Tiền phong. Năm tháng qua đi, giờ cái gì xem chừng cũng đều muốn khác thì phải, trong Tiền phong cũng đã có tới mấy Tiền phong. Lớn mạnh lên nhiều, sang trọng lên nhiều.

Ngoài cửa Tòa soạn, xe đậu chật hè, lên gác tìm nhau đã có thang máy đợi sẵn, ra vào phải trình giấy bảo vệ cơ quan. Tôi thấy lạ lẫm, tưởng như mình đang lạc ở nước nào.

Các nhà báo trẻ ăn mặc đẹp, nom ai cũng sinh động và khôn ngoan. Nhiều người gật đầu gọi tôi là “cụ”, là “bố”. Còn tôi thì vừa bơ vơ, vừa sợ sệt. Phải nói thực là dạo này tôi có hơi sợ các nhà báo, họ thật đông đúc hùng hậu, ai cũng lăm lăm trong tay cái máy ảnh tự động, cái máy ghi âm tự động và cái máy điện thoại... cũng tự động. Tất cả đều thích lôi người ta ra phỏng vấn, đã làm báo là phải biết phỏng vấn, không tha ai hết! Nhỡ mồm một câu có khi dễ toi đời!

Thế rồi, tôi cũng mò được vào một căn phòng có lắp điều hoà nhiệt độ, là nơi làm việc của Ban biên tập tờ Tiền phong cuối tuần. Gọi là cuối tuần, nhưng báo lại in xong từ chiều thứ Năm, phụ trách chỗ này là hai anh Hoàng Sơn và Hữu Việt, thêm nhà văn trẻ Lê Anh Hoài và họa sĩ Lê Huy, chỉ có thế!

Thoạt tiên, tôi cũng chỉ mới có ý định viết thử vài bài, nhưng sau vài tuần làm việc với nhau, chủ khách thành quyến luyến, thấy ở họ có sức hấp dẫn, biết ăn biết nói, lại biết làm việc.

Biết làm việc là chuyện bao giờ cũng hiếm, ở đâu cũng hiếm. Làm việc ngay ngắn, làm việc có nguyên tắc, có độ tin cậy. Tôi bỗng thấy hiển hiện trước mắt mình một đội ngũ làm báo trẻ có năng lực, có sự chuẩn bị. Tôi nghĩ, đây là những cán bộ báo chí, văn học của một tương lai gần. Đây là những người có đủ bản lĩnh để đảm đương gánh vác cái phần việc không ít khó khăn của những người đi trước để lại.

Gần như suốt nhiều tháng sau đó, tôi đã cùng họ làm việc bên nhau, làm việc ăn ý, cùng nhau ngồi bẻ nắm cơm trưa dưới gốc đại trước cửa toà soạn. Lại có dịp làm báo cùng các anh các chị Tiền phong giữa phố phường xô bồ sự sống, tôi tự xem mình là một biên chế bổ sung tạm thời của bộ phận này.

Những bài báo lần lượt in trên Tiền phong cuối tuần nay đã được góp nhặt, sang sửa lại để thành một cuốn sách, nó có tên là Thăm thẳm bóng người. Đó là thành quả gặt hái được sau một năm chịu khó theo các bạn trẻ làm báo.

Nhân ngày kỷ niệm long trọng này, nhìn lại những năm tháng đã đi qua, mỗi người viết chúng ta đều tự thấy đời một người cầm bút phục vụ Cách mạng bảo  bình thường thì cũng là bình thường cả với nhau thôi, nhưng nếu nói hệ trọng thì cũng không phải là ít hệ trọng. Tôi thấy, những năm tháng ấy thật nhiều ý nghĩa trong cuộc đời mỗi chúng ta. Cho phép tôi được yêu tôi và yêu tất cả các anh chị.

Và chúng ta còn yêu hơn nữa những thế hệ nhà báo vừa kịp đến, đang đến với chúng ta trong ngôi nhà lớn này. Xin được chúc mừng tất cả các đồng nghiệp, xin được chúc mừng đồng chí Tổng biên tập Đoàn Công Huynh vừa về Tiền phong nhận nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.