Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Tôi tự hào vì được đứng trong hàng ngũ nhà giáo

Tôi tự hào vì được đứng trong hàng ngũ nhà giáo
TP - Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Tôi tự hào vì được đứng trong hàng ngũ nhà giáo".
Tôi tự hào vì được đứng trong hàng ngũ nhà giáo ảnh 1
Ảnh: Hồng Vĩnh

Trong số các thành viên trong Chính phủ hiện nay, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân được xem là một nhà chính trị có khả năng diễn thuyết trước đám đông tốt, nói tiếng Anh giỏi, và điều quan trọng là người khởi động cho công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam nhằm mang đến “nền giáo dục Việt Nam khác”.

Thưa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trong không khí thầy trò cả nước đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, tâm trạng của Phó Thủ tướng ra sao?

Tôi thấy vui vì mình vẫn được đứng trong đội ngũ các nhà giáo.

Năm 1970, tôi tốt nghiệp phổ thông. Lúc đó, cả nước đang đội bom đánh giặc. Cha mẹ tôi cũng đang chiến đấu ở miền Nam. Như một lẽ tự nhiên, như lẽ sống của thanh niên thời đó, tôi xung phong vào bộ đội.

Năm 1983, tôi giải ngũ, được về sống tại TP Hồ Chí Minh với cha mẹ may mắn vẫn còn sống sót sau chiến tranh. Tôi xin và được ĐH Bách khoa TP HCM đồng ý nhận về làm giáo viên. Tôi mừng lắm, tôi sẽ có một việc làm có ích cho xã hội và nuôi được bản thân mình (tôi đã nghĩ như vậy).

Từ năm 1997 đến 2006, chấp hành sự phân công của Đảng, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, tôi làm Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và môi trường rồi làm Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố.

Nhưng tôi vẫn thiết tha với nghề giáo và Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện giúp tôi làm được ước nguyện này. Tôi vẫn được dạy học, hướng dẫn tốt nghiệp, hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, công bố các bài báo khoa học.

Năm 2002, tôi đã được nhà nước công nhận học hàm giáo sư kinh tế khi đang giữ trách nhiệm Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh.

Năm 2006, Đảng và Chính phủ giao cho tôi nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tôi lo lắng lắm, vì đã 9 năm tuy vẫn dạy học liên tục nhưng tôi không làm bất cứ việc gì liên quan tới quản lý một trường đại học. Vậy mà phải quản lý cả hệ thống giáo dục đại học lẫn phổ thông!

Nhưng tôi cũng rất vui, vì lại được chính thức làm nghề thầy giáo. Tôi hạnh phúc nhất khi gặp các em HS và các bạn sinh viên, được họ gọi là thầy, và đặc biệt là được cả các thầy cô giáo cũng gọi là thầy.

Trong chiến tranh được làm chiến sĩ, trong hoà bình được làm thầy giáo, đó là một hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi.

Lúc này, có kỷ niệm nào chợt ùa tới trong tâm trí Phó Thủ tướng?

Những ngày này, tôi nhớ nhiều đến những ngày tháng học ở trường cấp 1 Quang Trung, Hà Nội. Cách đây mấy hôm, tôi đến dự lễ công bố cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” do Bộ GD&ĐT tổ chức dành cho các trường THCS ở trường THCS Đống Đa, Hà Nội.

Nghe đến tên trường, tôi đã thấy nao nao. Cái tên Đống Đa gợi nhắc tới anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ. Việc đến một ngôi trường mang tên Đống Đa khiến tôi cảm giác như mình đang được về nguồn, về với Quang Trung, về với trường Quang Trung của tôi.

Hôm đó tôi được ban giám hiệu nhà trường dẫn đi tham quan cơ sở vật chất của trường. Đó là một ngôi trường khang trang, khá hiện đại. Trường không chỉ có đầy đủ các phòng học mà còn có phòng chức năng như phòng vi tính, phòng ngoại ngữ, phòng thí nghiệm hóa học, vật lý.

Tôi nhớ lại những năm tháng mình học ở trường Quang Trung mà thấy mừng cho các em học sinh hôm nay, tương lai của đất nước.

Không phải tất cả HS trên đất nước chúng ta được học trong một trường sạch, đẹp, hiện đại như các em trường THCS Đống Đa, nhưng có một điều chắc chắn là điều kiện học tập của HS ngày nay tốt hơn thời của chúng tôi rất nhiều.

Tôi học ở trường Quang Trung đến lớp 4. Lên lớp 5, tôi rời Hà Nội đi sơ tán ở Thái Nguyên. Xa gia đình, chúng tôi trở thành những đứa trẻ không có nhà.

Hồi đó, những đứa trẻ lớp 5 chúng tôi đã tự mình phải vào rừng, chặt tre về dựng nhà, tự mình nhồi rơm vào bùn để trát vách nhà... Nghĩa là chúng tôi tự dựng lên ngôi nhà cho chính mình để ở, dựng lên lớp để học.

Tôi tự hào vì được đứng trong hàng ngũ nhà giáo ảnh 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với giáo viên, học sinh trường THCS Đống Đa (Hà Nội)

So với thời Phó Thủ tướng còn là HS phổ thông, điều kiện học tập của HS ngày nay tốt hơn rất nhiều. Thế nhưng chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta  hiện nay chưa thật sự làm dư luận xã hội hài lòng. Để thúc đẩy chất lượng giáo dục, theo Phó Thủ tướng ngành GD&ĐT cần phải làm gì?

Trong kỳ họp vừa qua, các đại biểu quốc hội cũng đã chất vấn chúng tôi nhiều về giáo dục. Giáo dục bây giờ phải đáp ứng nhiều nguyện vọng, yêu cầu lắm.

Chẳng hạn, cần có đủ trường mầm non cho tất cả các cháu. Cần có đủ trường tiểu học để tất cả HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.Cần tăng thêm trường THPT, mở thêm trường dạy nghề, trường ĐH có chất lượng...

Những việc đó rất nên làm, nhưng liệu có thể làm được  ngay tất cả chưa? Câu trả lời là chưa. Bình quân sản phẩm nội địa của chúng ta chỉ khoảng 1.000 đô la/ người/ năm. Trong khi các nước khác là hàng chục ngàn đô la. Chi phí cho một người đi học ở Thái Lan gấp ta 4 lần, Hàn Quốc gấp 8 lần, Pháp gấp 11 lần, Mỹ gấp 16 lần.

Chúng ta còn nghèo, chưa thể đầu tư cho GD nhiều như họ. Vậy phát triển nhanh GD&ĐT bằng cái gì đây? Theo tôi, câu trả lời là “Sáng tạo”. Vì còn nghèo, chúng ta càng phải cần sáng tạo. Sáng tạo để bớt nghèo. Bớt nghèo rồi sẽ có điều kiện để sáng tạo nhiều hơn.

Chúng ta chỉ có ngần ấy tiền, chúng ta phải sáng tạo để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Mà phát triển giáo dục là con đường ngắn nhất để đưa đất nước ra khỏi cảnh đói nghèo. Chu trình thoát nghèo là như vậy.

Về khả năng sáng tạo, tôi rất tin tưởng ở đội ngũ nhà giáo của chúng ta. Vừa qua Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc thi “Sáng tạo giáo dục” cấp THCS ở trường THCS Đống Đa.

Sở dĩ Bộ và Sở GD&ĐT Hà Nội chọn nơi đây là điểm xuất phát một cuộc thi sáng tạo trong ngành bởi đây là một trường tốt. Trường có một đội ngũ nhà giáo rất giàu sáng kiến, có 2 nhà giáo được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng khen vì sự sáng tạo.

Trong đó, tôi rất ấn tượng về một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, đó là cô giáo dạy Toán Đỗ Thị Hồng Hà. Cô Hà không còn trẻ, hơn 50 tuổi rồi, và cũng không khoẻ, đã 3 lần phải mổ. Nhưng cô Hà đã vượt qua bệnh tật, vượt qua hạn chế của tuổi tác, hạn chế về khả năng tiếng Anh, máy tính để thiết kế chương trình dạy học môn Toán trên máy tính sử dụng các phần mềm của nước ngoài, ngay cả trong thời gian nằm trên giường bệnh.

Ý chí, tình yêu học trò, tâm huyết với nghề, sự cổ vũ của nhà trường, gia đình đã giúp cô đưa ra những sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả việc dạy học.

Từ năm học 2007 - 2008, Bộ GD&ĐT với công đoàn GD Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hà ở trường THCS Đống Đa, thầy Trần Tuấn Anh, GV môn Giáo dục công dân ở trường THCS Bạch Đằng TP Hồ Chí Minh và còn biết bao thầy giáo, cô giáo ở mỗi ngôi trường trên đất nước Việt Nam cũng là những tấm gương như vậy.

Phó Thủ tướng có ước vọng gì nhân dịp 20/11?

Tôi mong muốn xã hội không chỉ đòi hỏi ngành GD&ĐT mà nên chia sẻ với ngành, coi sự nghiệp GD&ĐT không chỉ là trách nhiệm riêng của các nhà giáo mà là của tất cả mọi người. Mỗi người hãy tự hỏi, mình đã làm gì cho GD hôm nay, cho tương lai của đất nước.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.