Tôi tin tôi có thể

Nhóm Tiên Phong Ninh Thuận chuẩn bị cho buổi biểu diễn trực tuyến
Nhóm Tiên Phong Ninh Thuận chuẩn bị cho buổi biểu diễn trực tuyến
TP - Khởi đầu, “Tôi tin tôi có thể” chỉ là một sân chơi để đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có thể cất lên tiếng nói của mình, học cách “tự tin hơn”. Dần dần, sau năm năm, nó đã trở thành một sự kiện thường niên được chờ đợi nhất trong năm của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Show xuyên Việt được livestream

Được nhóm Tiên Phong – vì tiếng nói người DTTS khởi xướng từ năm 2015, “Tôi tin tôi có thể” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, giới chuyên gia nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, cũng như các tổ chức quan tâm tới bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Năm nay, bên cạnh các hoạt động trực tiếp diễn ra tại Hà Nội, “Tôi tin tôi có thể” lần đầu tiên mang tới một “Bản hòa ca đa sắc” (diễn ra từ ngày 22-28/06) do chính thành viên Tiên Phong và người dân cộng đồng thực hiện. Điểm đặc biệt là tất cả những chương trình này đều được livestream (phát trực tuyến) từ 12 đầu cầu ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Sau mở màn đầy ấn tượng của nhóm dân tộc Tày gồm 13 người ở Thái Nguyên vào tối 22/6, các “bản hòa ca” phía sau đều khởi sắc bất ngờ thu hút cả hai nhóm khán giả: trực tiếp và trực tuyến. Ví dụ, buổi biểu diễn ở bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã thu hút hàng nghìn người dân đứng chật kín vòng trong vòng ngoài sân khấu dựng tạm trên một bãi đất trống. Trong khi số lượng người xem trực tuyến liên tục tăng cao, từ vài trăm người ban đầu lên tới gần chục nghìn người sau đó.

Tất cả những buổi livestream này đều do các thành viên trong nhóm biểu diễn tự quay, tự đăng. Địa điểm biểu diễn cũng thiên biến vạn hóa, từ nhà văn hóa thôn bản, cho đến nhà sàn của các thành viên. Việc tận dụng không gian và tối ưu hóa các đạo cụ không làm giảm lửa nhiệt tình của các nghệ sĩ cũng như công chúng đứng xem. Khán giả Tào Thị Hồng (Lai Châu) nhận xét: “Chương trình “tự biên tự diễn” nhưng thu hút không kém những chương trình được dàn dựng công phu chiếu trên ti vi”.

Những nghệ sĩ chân đất

Tất cả các thành viên của Tiên Phong đều là những con người bình thường, không phải là những nhà nghiên cứu hàn lâm. Họ yêu văn hoá của dân tộc mình và có ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống ấy không bị cuộc sống hiện đại làm phai nhạt đi. Ở Tiên Phong, họ có một diễn đàn để cùng nhau giới thiệu văn hóa của mình đến với mọi người, đồng thời cất lên tiếng nói chung để bảo vệ quyền lợi của DTTS, phản đối vấn đề định kiến, phân biệt đối với DTTS tại Việt Nam.

Năm nay, “Tôi tin tôi có thể” có chủ đề “Dùng trái tim soi việc đúng” bao gồm một loạt sự kiện kéo dài từ ngày 21/6 đến 5/7/2020 nhằm tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc. Điều đáng chú ý, những sự kiện này đều do chính các đại diện của các nhóm dân tộc thiểu số đến từ 17 tỉnh trên cả nước thực hiện.

Để có được những buổi biểu diễn “giống như chuyên nghiệp”, các thành viên của Tiên Phong từ các tỉnh đã phải chuẩn bị từ trước đó hàng năm trời. Ví dụ, ngay từ năm 2019 một lớp học hát then đàn tính đã được tổ chức tại xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Lớp học ấy do chính các thành viên Tiên Phong Bắc Kạn nghĩ ra ý tưởng, tự huy động kinh phí, rồi mời người về dạy. Lớp học toàn các bạn trẻ trong làng, trong thôn. Nhiều bạn đã chơi được vài đoạn, nhiều bạn thì còn chưa biết được cách cầm cây đàn. Ban đầu, một số học sinh xin học chỉ vì tò mò, sau đó thấy thích thật sự. Cho đến năm nay, nhóm học sinh này đã có thể tự tin biểu diễn để “truyền hình trực tuyến” cho hàng nghìn khán giả trên khắp cả nước.

Các nghệ sĩ đặc biệt của “Tôi tin tôi có thể” đều đi chân đất lên sân khấu. Những người nông dân 50-60 tuổi mặc trang phục truyền thống của người Mông, người Tày, người Lô Lô, người Chăm, người Raglai... cất lên những lời ca họ vẫn hát khi đi làm nương, khi cúng lúa mới, trong đám cưới, trong những cuộc vui... đem đến một sự xúc động khác đối với những khán giả đã khủng hoảng thừa với âm nhạc điện tử và thèm muốn những giai điệu mộc mạc. Nhiều chương trình còn được lan tỏa mạnh mẽ bởi chính những khán giả trực tiếp ở sân khấu. Các buổi xem chung lên tới một tiếng rưỡi đồng hồ liên tiếp được mở ra và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của rất nhiều khán giả quan tâm đến văn hóa bản địa của các DTTS.

“Đường về quê chúng em xa vời/ Vượt mười non chín sông người ơi/ Có đào nở rộ có mận chín đấy/ Óng ánh mật ong thơm ngạt ngào/ Cả bản lán sống giữa trời mây” ... Giai điệu tiếng Tày của những cô bé còn đang quàng khăn đỏ trong những ngày qua trở thành nội dung nhận được sự chia sẻ mạnh mẽ của nhiều người trẻ. Họ thích thú bởi câu chuyện phía sau lời hát ấy: “Học hát Then để khỏi quên tiếng Tày, học hát Then để biết yêu từng lối nhỏ đường thân, từng bước chân trên nẻo quen về bản...”.

Với thông điệp “Dùng trái tim soi việc đúng”, chương trình “Tôi tin tôi có thể” không chỉ là bản hòa ca đa sắc ngợi ca sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên cả nước, mà còn như một sợi dây nối những khoảng cách vô hình trong góc nhìn đúng – sai, hiểu nhầm giữa các cộng đồng, nơi sự khoan dung sẽ soi đường cho thấu hiểu.

Năm nay, “Tôi tin tôi có thể” diễn ra với 3 hoạt động chính:

1. Chương trình “Bản hòa ca đa sắc” - sự kiện nghệ thuật trực tuyến (livestream) tại event Thời gian: 22-28/06/2020

2. Tọa đàm “Khoảnh khắc đạo đức" tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Thời gian: 02/07/2020

3. Triển lãm “Dùng trái tim soi việc đúng” tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Thời gian: 02-05/07/2020.

Tôi tin tôi có thể ảnh 1 Một phụ nữ DTTS “cất lên tiếng nói của dân tộc mình”
Tôi tin tôi có thể ảnh 2 Trước giờ lên sân khấu
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.