> Hào hứng với đề Văn về lối sống
> Bộ GD&ĐT trần tình việc cộng điểm cho ... Bà mẹ VN anh hùng
Ông Phương nói: Tôi rất hoan nghênh việc ra đề mở, phát huy tư duy độc lập của thí sinh và đề thi môn văn khối D kỳ thi ĐH năm nay là một đề như thế. Về đề thi này tôi còn tâm đắc với nội dung của câu hỏi nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh trao đổi về một nhận xét của anh Tran Hung John. Việc đưa ra nhận xét này vào đề thi là cách người ra đề muốn đánh thức khả năng tìm đường, tìm lối mới trong những người trẻ.
Theo ông nhận xét của anh Tran Hung John liệu có nghiêm khắc quá không?
Quả là nhận định của nhân vật trong câu hỏi này hơi nghiêm khắc, nó sẽ khiến không ít người Việt phật lòng. Nhưng tôi cũng cho rằng, tính sáng tạo của thanh niên ta trong thời nay hơi ít và nó là hệ quả của một quá trình chúng ta đẩy sự phục tùng, sự vâng lời như một phẩm chất.
Nó khiến cho chúng ta ít đặt ngược lại vấn đề, mặc nhiên cho rằng, những câu kiểu như “cá không ăn muối cá ươn” hoàn toàn đúng trong khi đó, ngày nay người ta có thể chống cá ươn không chỉ bằng muối!
Cái hay của việc đưa nhận xét của nhân vật Tran Hung John không phải là ở nội dung nhận xét đó mà ở chỗ bắt thí sinh phải nghi ngờ, phải suy nghĩ đến việc tìm cho bản thân con đường để đi trong cuộc đời…Tôi hoan nghênh cách đặt vấn đề này.
Nhưng nhiều người cũng cho rằng, đề có thật sự mở hay không quan trọng là ở đáp án, ở cách chấm?
Đây chính là điều mà tôi đang muốn đề cập. Đã ra đề mở thì giám khảo phải rộng rãi trong đánh giá, phải cho người phát biểu được bảo lưu quan điểm. Nếu vì lo ngại bọn trẻ trở nên khó bảo mà kìm các em lại thì các em sẽ không còn tin tưởng ở mình nữa. Cho nên giám khảo khi chấm đề thi này nên giữ thái độ lắng nghe. Nếu các em biện luận không đúng đáp án của mình nhưng có lý có lẽ thì vẫn rất đáng được ủng hộ.
Đánh giá bài làm ở đây không căn cứ vào việc thí sinh nghĩ đúng hay sai mà điều quan trọng là các em có nghĩ đến việc tìm kiếm con đường đi cho bản thân. Ngày xưa ông bà ta có câu “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, không đi qua cầu không biết được đoạn trường đâu, mặc dù mình có thể được nghe nói bao nhiêu bài học.
Bài học thông qua sự trải nghiệm của mỗi người là những bài học rất giá trị. Cho nên một khi ta đã muốn các em nói ra ý kiến của mình thì nên trân trọng những ý kiến đó. Tôi cho rằng đáp án của Bộ GD&ĐT cũng đã có độ mở cần thiết, chỉ mong sao các giám khảo trong khi chấm đảm bảo được tinh thần mở đó.
Một số ý kiến có ý chê khi đề dẫn ra nhận xét của một người ít nổi tiếng, nhận xét cũng không mới không lạ so với những phát biểu trước đây của những người nổi tiếng hơn về cái gọi là “thói hư tật xấu” của người Việt?
Tôi cho rằng đấy cũng là một cách ra đề. Hoặc người ta lấy hẳn danh ngôn của các danh nhân để thí sinh bàn luận, hoặc lấy một ý kiến vu vơ nào đó, kiểu như “có người cho rằng…”.
Nhân vật Tran Hung John này không phải là danh nhân, câu nói của anh ta chưa được liệt vào hàng danh ngôn thì cứ xem đó là một ý kiến của một người vô danh. Việc nêu rõ tên trong đề cũng có thể là cách mà người ra đề cho rằng như thế sẽ rõ ràng hơn. Nhưng mặt trái của việc nêu cụ thể như thế mà nhân vật được trích dẫn lại không được nhiều thí sinh biết đến thì có thể các em sẽ mất một chút thời gian vô ích để cố nhớ đó là ai.
Cảm ơn ông!
Quý Hiên