Tôi nói thật với nhân dân

Tôi nói thật với nhân dân
TP - Từ số báo này, TPCT xin trích đăng một số kỳ tác phẩm Tôi nói thật với Nhân dân (do Công ty Tiền Phong độc quyền phát hành) qua bản dịch Trung văn của dịch giả Trần Trọng Sâm.
Tôi nói thật với nhân dân ảnh 1
Ông Lý Xương Bình

LTS. “Từ Tôi nói thật với Thủ tướng (2000) đến Tôi nói thật với Nhân dân (2004), Lý Xương Bình kiên trì chiến đấu bằng ngòi bút cho một sự thật cao cả…

Nói sự thật với Thủ tướng một nước có đến 1,3 tỉ dân đã là can trường nhưng nói thật với Nhân dân mình thì quả thực là một hành động trác tuyệt.

Sự thật cao cả trong Tôi nói thật với Thủ tướng và Tôi nói thật với Nhân dân như tiếng chuông gióng lên cảnh báo cho toàn thể xã hội, cho bất cứ ai có lương tri, tình cảm phải suy nghĩ và hành động khẩn trương để thoát khỏi nghèo đói, dốt nát và cả những định kiến, kỳ thị vô lý về con người, đặc biệt là người nông dân.

Tinh thần dân chủ của tác phẩm Tôi nói thật với Nhân dân chính là ở lòng dũng cảm nói lên sự thật” (Trích lời giới thiệu của nhà văn Bùi Việt Thắng).

Từ số báo này, chúng tôi xin trích đăng một số kỳ tác phẩm Tôi nói thật với Nhân dân (do Công ty Tiền Phong độc quyền phát hành) qua bản dịch Trung văn của dịch giả Trần Trọng Sâm. TPCT

Cử ai làm đại biểu là quyền của dân

Trương Phi Khánh, 60 tuổi, trình độ văn hóa chỉ tiểu học, một thường dân thôi, thế mà đã từng nhiều lần đưa quan chính quyền ra tòa và lần nào cũng thắng. Hội đồng bầu cử phường Thành Cảng dự kiến 15 người ra ứng cử để bầu hai đại biểu HĐND thành phố Thái Châu.

Theo thường lệ, Hội đồng bầu cử thành phố đem danh sách 15 ứng cử viên do cấp trên đề cử cùng lý lịch gửi đến các phường và 15 khu bầu cử. Hơn nữa trong công văn còn ghi rõ cơ cấu mỗi phường phải có một nữ đại biểu không phải đảng viên.

Đầu năm 2002, Trương Phi Khánh  được bầu làm trưởng thôn, nên mới có cơ hội và thời gian quan tâm đến việc bầu cử tại địa phương.

Trương Phi Khánh tự hỏi: Từ trước đến nay tất cả các đại biểu đều được bầu theo ý đồ của cấp trên, như vậy đại biểu được bầu ra chỉ là đại biểu cho cấp trên mà thôi, sao lại nói là đại biểu của nhân dân? Kiểu bầu cử như vậy thì đại hội Hội đồng nhân dân chỉ là đại hội đại biểu cho cấp trên mà thôi.

Trương Phi Khánh muốn thay đổi cục diện này.

Ngày 24/11/2002, Trương Phi Khánh  tìm đọc “Luật bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp”, và “Biện pháp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thái Châu khoá XV”.

Bốn ngày sau, Trương Phi Khánh  tổ chức họp dân trong thôn, kết hợp với danh sách đề cử của trên gửi về cùng liên danh ký tên tiến cử 14 ứng cử viên, trong đó cũng  có Trương Phi Khánh.

Trương Phi Khánh tự nhận thấy, trong 14 người đó mình cũng là người có cơ sở lòng dân chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng dù sao vẫn chưa thích hợp cho mình làm đại biểu, vì còn có người khác tốt hơn.

Vì vậy, Trương Phi Khánh liên hệ với thôn trưởng và Bí thư chi bộ 6 thôn khác, đề nghị họp dân tiến cử cụ Mã Ngự Đông, 75 tuổi vào danh sách ứng cử viên cho đủ 15 người. Việc này được lãnh đạo 6 thôn hoàn toàn nhất trí.

Cụ Mã, mấy khoá trước đều là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, nhờ ảnh hưởng của con gái là Giám đốc nhà khách thành phố, cụ đã giúp đỡ thôn dân xây dựng đường sá, xây chợ, xây nhà máy nước, xây nhà máy xử lý chất thải v.v...

Bản thân cụ cũng chạy khắp nơi xin cho địa phương được rất nhiều vốn. Thôn dân công nhận, nếu không có cụ Mã thì không làm nổi những việc này.

Đề nghị của Trương Phi Khánh được nhân dân 6 thôn hưởng ứng. Tuy không được lãnh đạo của phường Thành Cảng đồng ý nhưng được Hội đồng bầu cử thành phố phê chuẩn, cụ Mã được công nhận là ứng cử viên chính thức.

Phường Thành Cảng đủ 15 ứng cử viên để chọn bầu ra hai đại biểu, đạt yêu cầu của cấp trên đề ra. Nhưng việc cấp trên gợi ý nhấn mạnh phải bầu cho được một đại biểu nữ không đảng viên, để đảm bảo cơ cấu tại phường Thành Cảng không thành công.

Để đảm bảo ý đồ của cấp trên phải có một nữ trúng cử, lãnh đạo  bầu cử phường Thành Cảng đã bỏ ra nhiều công sức, liên tục theo dõi tình hình dư luận nhân dân đến hai ngày liền trước ngày bầu cử.

Thấy tình hình không ổn, lãnh đạo chủ yếu trong ban lãnh đạo bầu cử liền triệu tập hội nghị Bí thư chi bộ thôn. Trong hội nghị nghiêm túc phê bình lãnh đạo các chi bộ đã vứt bỏ quyền lãnh đạo công tác bầu cử, thiếu nguyên tắc tổ chức, nhấn mạnh lãnh đạo cấp dưới phải nhất trí cao độ với lãnh đạo cấp trên, tăng cường công tác lãnh đạo bầu cử, bảo đảm cho được ý đồ của lãnh đạo cấp trên.

Thôn dân cũng cảm thấy có áp lực, có hơi lo lắng cho Trương Phi Khánh nhưng Trương Phi Khánh chẳng hề quan tâm, có lòng tin tưởng sâu sắc nói với thôn dân: “Đã giữ đúng pháp luật sao lại còn sợ phạm pháp! Chúng ta chọn bầu ai làm đại biểu đó là quyền của pháp luật đã cho chúng ta… Ai làm trở ngại việc thực hiện quyền của chúng ta, chúng ta phải cáo tội lên toà án”.

Ý đồ của cấp trên lần đầu tiên bị mất hiệu lực. Bầu cử xong, phóng viên hỏi Trương Phi Khánh: “Nếu trên bắt tội anh, bảo anh thao túng bầu cử, truy cứu trách nhiệm của anh, thì anh làm thế nào?”.

Trương Phi Khánh chẳng suy nghĩ gì nói ngay: “Thì sẽ gặp nhau ở tòa án”.

Phóng viên hỏi thôn dân đánh giá lần bầu cử này như thế nào? Thôn dân đều trả lời, lần này đúng là nhân dân được thực sự thi hành quyền lực của mình.

Tuy cụ Mã là đại biểu khóa trước, nhưng đều do sắp xếp của cấp trên. Lần này trên không muốn bầu cụ, nhưng chúng tôi lại bầu cụ, thể hiện được quyền làm chủ của chúng tôi.

Một chính quyền tốt nên  thường xuyên  làm bị cáo

Không ai muốn đắc tội với quan chính quyền, nhưng Trương Phi Khánh lại rất khác người, thường tìm lỗi của người làm sai chính sách để góp ý phê bình, nếu không sửa chữa còn kiện ra tòa nữa. Trương Phi Khánh có lô-gíc của riêng mình: “Một chính quyền tốt nên thường xuyên làm bị cáo”.

Trong 10 năm lại đây, Trương Phi Khánh đã ba lần kiện quan chính quyền ra tòa.

Lần đầu tiên là vào năm 1992. Sự việc xảy ra do Phòng Thuỷ sản thành phố Thái Châu triển khai rầm rộ công tác chấn chỉnh, thanh xử lý tàu thuyền đánh cá dọc bờ biển tỉnh nhà.

Mấu chốt của lần chấn chỉnh này là đem hơn 1.400 tàu thuyền đánh cá của ngư dân cá thể toàn thành phố, nhà nước mua lại với giá rất thấp, chỉ bằng 60% giá trị thực tế để nhập vào tập thể thống nhất kinh doanh quản lý. Nếu ngư dân không đồng ý thì không cho ra biển đánh cá, thậm chí tịch thu tàu thuyền.

Trương Phi Khánh hoàn toàn không đồng tình với cách làm như vậy, tỏ ra cực kỳ bất mãn, vì chỉ trong nháy mắt ngư dân mất đi 2 phần 5 tài sản.

Trương Phi Khánh không phải là ngư dân nhưng đã suy nghĩ cách tìm lại công bằng cho ngư dân, chủ động tìm đến Trương An Xương và một số ngư dân bị hại bàn bạc, yêu cầu họ ủy quyền cho mình làm đại diện đi cáo tội chính quyền thành phố, dựa vào pháp luật đòi lại công bằng cho ngư dân.

Ngư dân lúc mới đầu tưởng mình nghe nhầm. Trương Phi Khánh có được bao nhiêu tài cán, trình độ văn hóa chỉ cấp tiểu học, dựa vào cái gì mà dám kiện quan? Tòa án là do Trương Phi Khánh làm chánh án được sao?

Muốn kiện quan phải có tiền. Trương An Xương tìm ngư dân thương lượng, tàu lớn góp 30 đồng, tàu nhỏ góp 15 đồng, tất cả chỉ thu được hơn 4.000 đồng. Một số ngư dân xuất tiền chưa được ba ngày đã đến đòi lại hơn 2.000 đồng.

Trương An Xương bảo Trương Phi Khánh hãy thôi đi đừng làm nữa, nhưng Trương Phi Khánh quyết tâm như sắt đá, tự  mình nếu có bỏ tiền ra cũng tìm công bằng cho ngư dân, nhất định phải thắng trong vụ kiện này.

Trương Phi Khánh mang 2.000 đồng làm phí tổn đi kiện, trước hết đến gặp Ban tiếp dân của tỉnh Sơn Đông, tìm lãnh đạo phản ánh tình hình.

Trương Phi Khánh nói, hồi đó khác bây giờ nhiều, đồng chí cán bộ tỉnh rất tôn trọng nhân dân đến hỏi, tiếp họ nhiệt tình. Nhờ vậy được tỉnh cho ý kiến ngay, giao cơ quan hữu quan ở bên dưới giải quyết và yêu cầu xử đúng theo pháp luật.

Trương Phi Khánh lại quay về thành phố Thái Châu yêu cầu mãnh liệt chính quyền thành phố Thái Châu phải thực hiện ngay ý kiến của cấp trên là xử đúng pháp luật. Trương Phi Khánh nói tiếp, lúc đó ý kiến của cấp trên đối với cấp dưới rất có hiệu lực, toà án thành phố chịu lập án.

Các trình tự cáo tội đã hoàn thành, Trương Phi Khánh lập tức đến Bắc Kinh lần lượt gặp lãnh đạo  các báo “Thông tin công tác nông thôn”, “Nông dân nhật báo” và “Kinh tế nhật báo”... “Kinh tế nhật báo” liền điện ngay cho phóng viên thường trú ở Sơn Đông là Dũng Tiến đến Thái Châu điều tra.

Sự giám sát của dư luận đưa lại cho Trương Phi Khánh sự ủng hộ rất lớn. Đề phòng có thể xảy ra sơ suất, Trương Phi Khánh còn mời quan thanh tra của Hội đồng nhân dân thành phố Yên Đài thẩm xét lại các nội dung, lập luận khiếu kiện cũng như thủ tục đã làm đầy đủ hay chưa.

Nhờ chuẩn bị chu đáo, trải qua xử án của tòa, đã có phán quyết công bằng: tàu thuyền của ngư dân trả về cho ngư dân, còn muốn vào cổ phần tập thể hay không là quyền của từng ngư dân, đánh giá tài sản, định mức  cổ phần do hai bên thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện. Chính quyền thành phố Thái Châu phải xin lỗi ngư dân Thái Châu về  hành vi của mình.

Tài sản của hơn 1.400 ngư dân được lấy lại nhưng túi Trương Phi Khánh đã hụt mất 2.000 đồng. Khi Trương An Xương nói sẽ hô hào ngư dân đóng góp bù lại cho Trương Phi Khánh, anh ta liền gạt đi, cấm chỉ không được làm thế.

Trương Phi Khánh nói: “Mình mất 2.000 đồng nhưng lấy lại cho ngư dân mấy chục triệu đồng, hơn nữa chính quyền Thái Châu còn phải công khai xin lỗi, như vậy không sướng à, còn lấy tiền của ngư dân làm gì nữa”.

Mỗi lần Trương Phi Khánh nhớ lại đoạn thời gian này, trên mặt hiện rõ niềm hạnh phúc vô hạn đối với việc làm lợi cho ngư dân của mình.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.