'Tôi muốn ghi lại hình ảnh 53 dân tộc thiểu số Việt Nam'

'Tôi muốn ghi lại hình ảnh 53 dân tộc thiểu số Việt Nam'
TPO - Nghệ sỹ nhiếp ảnh người Pháp Sebastien Laval đã tiết lộ tham vọng của mình tại triển lãm ảnh về 3 dân tộc thiểu số Cô Tu, Tà Ôi và Pa kô khai mạc tối qua, 6/11, tại 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
'Tôi muốn ghi lại hình ảnh 53 dân tộc thiểu số Việt Nam' ảnh 1
Nghệ sỹ nhiếp ảnh người Pháp Sebastien Laval. Ảnh:L.A

Anh cho biết: “Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp, chỉ trong vòng 2-3 năm, tôi có thể hoàn tất bộ ảnh về 53 dân tộc thiểu số Việt Nam. Nếu vậy, tôi sẽ được trở lại Việt Nam thường xuyên và toàn tâm, toàn trí vào công việc này.”

Công việc ghi lại hình ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam của anh được bắt đầu khi nào?

Tôi bắt đầu công việc này từ cách đây 2 năm rưỡi. Triển lãm ảnh đầu tiên của tôi là dân tộc Pà Thẻn tại Bảo tàng dân tộc học năm 2006.

Tôi sống ở vùng Poitou – Charentes, tỉnh có tham gia Festival Huế 2006. Khi ấy, tôi được mời tham gia giới thiệu về các dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế.

Sau đó, tôi đến Huế vào tháng 3/2008 và ở lại 10 ngày tại Nam Đông, A Lưới - nơi cư ngụ của ba dân tộc Cô Tu, Tà Ôi và Pa Kô. Thực ra công việc của tôi không chỉ là chụp ảnh đơn thuần, mà là đến ở, chơi với họ để hiểu họ.

'Tôi muốn ghi lại hình ảnh 53 dân tộc thiểu số Việt Nam' ảnh 2
Một trong số những ngôi nhà cuối cùng còn lại ở làng Cô Tu

Vì nơi này không có khách du lịch tới, nên người dân ở đây rất xa lạ với người nước ngoài. Vì thế, tôi phải giải thích rất nhiều và khi đã là người quen, họ mới đồng ý cho chụp ảnh.

Tại Festival Huế 2008 vừa qua, những bức ảnh này đã được triển lãm ở cung Diên Thọ. Bằng cách sử dụng công nghệ máy chiếu, tôi làm cho người xem có cảm giác như đang lạc vào thế giới của các dân tộc thiểu số này.

Sau Festival, Trung tâm văn hoá Pháp muốn tôi tổ chức triển lãm ở Hà Nội để công chúng thủ đô có thể thưởng thức những bức ảnh này.

Vì sao anh chọn các dân tộc này?

Tôi có nguyên vọng chụp 53 dân tộc thiểu số Việt Nam, chứ không chỉ 3 dân tộc này. Bởi lẽ, di sản văn hoá đóng vai trò quan trọng. Tôi muốn lưu giữ lại và qua đó muốn nói về sự phong phú của văn hoá Việt Nam.

Với tư cách là nhà nhiếp ảnh, tôi muốn lưu giữ lại, không chỉ cho người Việt Nam mà cho các thế hệ sau. Ngoài ra, tôi còn muốn giới thiệu hình ảnh Việt Nam ở Pháp. Tôi dự định sẽ triển lãm những bức ảnh này tại Ngôi nhà Đông Dương, Paris từ tháng 2 đến tháng  5/2009.

Đó sẽ là tập hợp các bức ảnh của dân tộc Pà thẻn và ba dân tộc thiểu số này cùng một số bức ảnh mới. Sau đó, triển lãm sẽ được tiếp tục ở vùng Poitou – Charentes trong khuôn khổ hợp tác văn hoá giữa vùng này và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những bức ảnh nào tại triển lãm này mà anh tâm đắc nhất?

Các bạn có thể nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà sàn cổ mà tôi chụp được ở đây. Tôi đã phải đi tìm nhiều ngày mới thấy vì kiểu nhà này hầu như không còn. Hay như bức ảnh ba cô bé người dân tộc.

'Tôi muốn ghi lại hình ảnh 53 dân tộc thiểu số Việt Nam' ảnh 3
Oanh, Thơm và Ngheo- ba cô gái Cô Tu trên đường A Roang

Trong ba cô bé đó chỉ có một em mặc trang phục truyền thống của người dân tộc. Có thể trang phục hiện đại tiện lợi hơn, nhưng việc sử dụng chúng sẽ làm mai một dần nét văn hoá truyền thống.

Tôi tự hỏi nếu thời gian sau tôi có dịp quay trở lại đây, gặp lại ba cô bé đó không biết còn cô bé nào mặc trang phục truyền thống hay không?

Kể từ lần đầu tới Việt Nam năm 1995 đến nay, anh mới ghi lại được hình ảnh của 4 dân tộc, vậy với tham vọng chụp 53 dân tộc thiểu số Việt Nam hẳn sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc?

Lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã tự bỏ tiền túi ra để khám phá Việt Nam. Thế nhưng mãi đến năm 2006, dự án chụp ảnh dân tộc Pà thẻn mới hình thành và bắt đầu với sự tài trợ của vùng Poitou Charantes. Tôi hy vọng sẽ được tham gia Festival Huế 2010.

Tôi mong muốn những bức ảnh của tôi mang lại cho người dân Việt Nam những cảm giác tuyệt vời như những gì người Việt Nam đã mang lại cho tôi.

Để làm được việc này, đòi hỏi thời gian và tiền bạc. Hy vọng chuyện tiền bạc không ảnh hưởng tới tôi. Đây là cuộc phiêu lưu tìm hiểu con người đầy tính nhân văn.

Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp chỉ mất 2-3 năm sẽ hoàn tất.

Kỷ niệm nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất với anh?

'Tôi muốn ghi lại hình ảnh 53 dân tộc thiểu số Việt Nam' ảnh 4
Rapat Grooc, Già làng Cô Tu thuộc A Xăng (huyện Nam Đông)

Bức ảnh bìa là kỷ niệm. Tôi khó khăn lắm mới tiếp cận được với người đàn ông Cô Tu này, nhất là khi mời ông ấy ăn mặc truyền thống, cầm chiếc giáo mác với một vẻ mặt ngời sáng niềm tự hào là cả một quá trình thuyết phục vất vả.

Nhiều bức chân dung tôi mất nhiều thời gian vì phải tạo dựng được mối quan hệ thân thiết với họ mới được họ đồng ý cho chụp.

Tôi còn dự định sẽ chụp những bức ảnh dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đang sinh sống ở nhiều quốc gia khác để xem sự khác biệt của họ.

Chẳng hạn, dân tộc Thái ở Việt Nam cũng có nét riêng so với dân tộc Thái ở  Lào, Campuchia… Và trong tương lai có thể làm cuốn sách ảnh về các dân tộc thiểu số Việt Nam.

MỚI - NÓNG