Tôi là thằng đạo diễn nhí nha nhí nhảnh

Tôi là thằng đạo diễn nhí nha nhí nhảnh
Đó là lời của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khi nói về chính mình, về nghề, về những tuýp phim hời hợt, con trẻ. Anh nói: "... Cuối cùng thì tôi nghĩ mình làm phim lãng mạn, tươi tắn, hài hài thì tốt hơn".
Tôi là thằng đạo diễn nhí nha nhí nhảnh ảnh 1
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là một ví dụ chính xác về việc biết “dò” đúng thị hiếu khán giả. Không tìm kiếm những hư danh của nghề nhưng không bộ phim nào thất bại, cả về dư luận, doanh thu và tên tuổi. Phim nào cũng có diễn viên trở thành ngôi sao.

Lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình phía Nam được khán giả cả nước trông đợi như “Bỗng dưng muốn khóc”… 

Có người nói “Đẹp từng centimet” là sự nối dài của “Bỗng dưng muốn khóc”?

Không. Hoàn toàn khác nhau. Hai bộ phim độc lập. Để quay “Đẹp từng cen ti mét” tôi phải mất nửa tháng thuyết phục Tăng Thanh Hà, cô ấy mới chịu đóng. Bởi vì “Đẹp từng cen ti mét” phá nát mọi hình ảnh dễ thương, ngây thơ, trong sáng mà Tăng Thanh Hà tạo dựng trong gần 10 năm qua.

Đây là vai nữ gợi cảm, sexy, hoang dại chứ không hiền lành và “phổ cập” như những vai Hà đã đóng. Nó như một dạng Lolita vậy. Cô ấy suy nghĩ dữ lắm. Rồi người thân, bạn bè tác động, mãi rồi cô ấy cũng nhận lời. Thế là chúng tôi cùng bàn kế hoạch xem cô ấy sẽ… hở bao nhiêu, quay góc máy như thế nào.

Vậy hở bao nhiêu hả anh?

Hở 100%.

Có phải vẫn là mô típ người đẹp, nhiếp ảnh gia?

Đúng. Một nhiếp ảnh gia muốn trở thành nghệ sỹ nhiếp ảnh khỏa thân. Một cô gái được tôn vinh làm hoa hậu trong một cuộc thi hoa hậu hội chợ được tổ chức ở bến xe, chuyên đóng vai quần chúng, bồi bàn, muốn trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Cô ta chưa yêu ai, còn anh ta yêu quá trời rồi.

Đó, xuất phát của hai nhân vật chỉ là như vậy thôi. Có tới 3 bộ phim nhân vật chính của tôi là nhiếp ảnh gia. Đằng sau câu chuyện chính của hai nhân vật thì tôi muốn lấy bối cảnh nghề nghiệp nào đó để cho nhân vật bộc lộ và cho câu chuyện trở nên thú vị hơn.

Chẳng hạn như “Những cô gái chân dài” thì đó là nghề người mẫu và nhiếp ảnh. “Tuyết nhiệt đới” là nghề đạo diễn và biên kịch. “Bỗng dưng muốn khóc” là nghề bán sách. Và bây giờ “Đẹp từng centimet” là nghề diễn viên quần chúng và nhiếp ảnh khỏa thân…

Nhân vật nam chính của phim luôn mang đậm dấu ấn cá nhân anh, phải không?

Cũng chẳng biết nữa. Tôi cũng chẳng biết dấu ấn cá nhân của mình là cái gì nữa. Cách đây một tháng, anh Dũng khùng (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng- PV) gặp tôi và nói, “đố chú Đãng biết phim của chú khác phim của anh ở điểm nào”? Tôi đâu biết đâu.

Anh ấy nói, thực ra phim là người, bất cứ phim nào của Dũng thì các nhân vật đều muốn thoát khỏi truyền thống gia đình, muốn làm điều gì đó ngược lại, khác hẳn đi.

Giống như chính Dũng, anh ấy luôn thoát khỏi cái bóng lớn của cha mình, để làm một điều gì đó khác đi. Còn phim của tôi thì đều có nhân vật… vượt khó, thoát nghèo để khẳng định bản thân… Tôi nghe, thấy cũng đúng, tôi đâu cố tình đâu, chỉ là vì làm điều mình thích thôi mà nó cứ tự ra như vậy.

Anh cũng là “trai nghèo vượt khó” sao?

Nó là con người mình thôi, tôi ở quê lên thành phố, làm đủ thứ nghề, để tồn tại, sống vất vả khó khăn, rồi tìm mọi cách để tìm đến thành công. Tôi thấy tôi mất 20 năm ở nông thôn, cũng hơi tiếc, vì tất cả những gì hiện đại, những gì thuộc về văn hóa, nền tảng nghệ thuật tôi đã không có được. Tôi phải học từ đầu, từ nhiếp ảnh, thời trang…

Một bộ phim của anh được ra đời như thế nào? Anh đem kịch bản đến chào hàng các nhà sản xuất hay các nhà sản xuất đem ý tưởng đến đặt anh làm?

Đầu tiên thì nhà sản xuất thuyết phục tôi làm phim cho họ. Sau “Những cô gái chân dài” tôi có rất nhiều lời mời. Nhưng tôi chỉ làm việc với những nhà sản xuất mà tôi cảm thấy có thể yên tâm.

Thực ra tất cả những kịch bản tôi làm đều không phải ấp ủ, đau khổ, dằn vặt nhiều. Tôi nghĩ tôi là đạo diễn chuyên nghiệp thì có đơn đặt hàng là mình làm thôi. Khi gặp nhà sản xuất tôi sẽ nói với họ một số ý tưởng và tôi sẽ làm những ý tưởng mà họ chọn theo cách của mình.

Ví dụ như là phim “Tuyết nhiệt đới”, tôi muốn làm phim lãng mạn và nhà sản xuất đồng ý, họ cho tôi làm thoải mái. Đến “Bỗng dưng muốn khóc”, tôi nói tôi không làm phim lãng mạn nữa và nhà sản xuất đồng ý để tôi làm một phim hài. Vậy thôi.

Tôi không nghĩ mình phải làm cái này hay cái kia. Nếu tôi đưa 3 ý tưởng mà nhà sản xuất không đồng ý, tôi sẽ nghĩ và đưa thêm ý tưởng mới cho họ chọn. 

Tôi là thằng đạo diễn nhí nha nhí nhảnh ảnh 2

Nhiều người cho rằng, những bộ phim của anh, như “Bỗng dưng muốn khóc” chẳng hạn, là một thứ si rô ngọt ngào, dễ xem rồi dễ quên. Nó không có tác động nào lớn đến đời sống. Người ta xem đôi khi chỉ vì nó vui vui, thế thôi. Đó có phải là áp lực “không muốn ai phá sản về mình”?

Tùy cảm nhận của mọi người thôi. Tôi muốn làm phim nhẹ nhàng vui vẻ, ai cũng xem được, xem xong ai cũng thấy vui, và có một chút giáo dục xã hội trong đó. Nó không có gì phản cảm.

Khi “Bỗng dưng muốn khóc” chiếu, nhà sản xuất hài lòng vì đó là một phim tốt, chương trình phim truyện trên kênh VTV1 cũng tạo được ấn tượng tốt. Tôi nói thẳng thế này, trước đây phim trên VTV1 khán giả phía Nam không quan tâm nhiều. Ngoài Bắc thì lại không thích xem phim trong Nam sản xuất. Bộ phim này đã xóa được ranh giới đó, tất cả chúng tôi đều có lợi.

Trong nghệ thuật, muốn đẩy cao tính sáng tạo thì người nghệ sỹ phải “biết chán”, biết thế nào là lặp lại. Sau bữa si rô ngọt ngào “Bỗng dưng muốn khóc”, anh muốn có một phim “nặng đô” hơn một chút?

Nếu anh theo dõi hành trình phim ảnh của tôi anh sẽ thấy điều ngược lại, là phim sau nhẹ nhàng hơn phim trước, đơn giản hơn phim trước, thoải mái và tự nhiên hơn. Đó là cách tôi lựa chọn thôi. Như ngày xưa khi đi chụp hình thời trang, tôi phải làm sao cho hình ảnh đặc biệt và… dữ một chút, để nhìn vào là nhận ra Vũ Ngọc Đãng liền.

Nhưng đến một lúc nào đó tôi chán kiểu vậy, tôi muốn để mọi thứ tự nhiên. Phim ảnh cũng vậy. Càng ngày tôi càng muốn thể hiện nó đơn giản, bởi như thế phim của mình sẽ đi được vào nhiều tầng lớp, đến được với số đông.

Sự cầu kỳ đôi khi là biểu lộ sự kém tự tin. Đến khi nắm được mọi “bùa phép” trong tay thì người ta lại muốn đạt đến sự giản dị…

Như “Những cô gái chân dài” đó, khán giả coi thì thấy thích, nhưng thầy cô trong trường điện ảnh lại không công nhận. Vì họ nghĩ làm như vậy rất dễ, diễn viên tự diễn, quay phim tự quay, đạo diễn chẳng phải làm gì hết.

Hay “Bỗng dưng muốn khóc” thì càng hiện rõ điều đó, cứ như thể máy quay lia vào một cuộc đời và họ cứ tự diễn, tự sống vậy thôi. Không thấy bàn tay đạo diễn đâu cả, người ta bảo thằng đạo diễn này không có nghề gì hết.

Ai cũng nghĩ dễ, nhưng cứ thử bắt tay vào xem, không phải ai cũng làm được đâu. Dấu ấn của tôi trong đó nó thuộc về tinh thần của những cảnh quay, tôi muốn nó tự nhiên, nó thật. Giờ thì mọi người mới công nhận tôi, chứ trước họ khinh thường lắm, vì họ nói tôi làm phim từa lưa.

Có ý kiến cho rằng anh giỏi nhào nặn nhân vật về chi tiết nhưng không biết kể chuyện?

Câu chuyện là thứ tầm thường, thế giới này mọi câu chuyện người ta đã kể hết rồi. Thế nên phải đánh vào chi tiết. Có những đoạn câu chuyện đứng im nhưng khán giả vẫn say mê vì nhân vật thú vị. Khán giả sẽ theo dõi nhân vật chứ không theo dõi câu chuyện.

Tôi thấy như thế này, phim của anh rất đẹp, người đẹp cảnh đẹp, rất thời trang nữa. Nhưng nó hơi… âm tính. Các nhân vật nữ dữ dội còn các nhân vật nam thì baby, trắng trẻo, nhẹ nhàng. Đó là sự cố tình?

Ngày trước tôi ảo tưởng, tôi có thể làm những bộ phim nghệ thuật sâu sắc như Trương Nghệ Mưu hay Vương Gia Vệ… Nhưng về sau tôi phát hiện tôi không thể làm được như vậy vì tôi không phải là họ. Tôi chẳng có đau đớn, dằn vặt gì hết. Tôi là thằng đạo diễn nhí nha nhí nhảnh, hời hợt, trẻ con. Cuối cùng thì tôi nghĩ mình làm phim lãng mạn, tươi tắn, hài hài thì tốt hơn.

Còn chuyện đàn ông dịu dàng à? Thực ra những mẫu đàn ông cứng rắn, mạnh mẽ trong phim Việt nào cũng đầy ra. Tôi muốn đi lối khác. Tôi chọn cách xây dựng những nhân vật nam cho khác, mà lại hợp với thời đại.

Điện ảnh Việt Nam mình dở nhất là xây dựng phim về thời hiện đại. Hà Nội bên ngoài đẹp thế, Sài Gòn năng động thế, mà cứ lên phim là bị quê mùa. Cái văn hóa của người giàu sang trong phim không có.

Tôi muốn xây dựng một gia đình giàu có thực sự. Nhân vật nam cũng vậy, theo xu hướng thời đại, mảnh mai và thư sinh theo xu hướng phim thần tượng. Hay trước đây mọi người vẫn coi nhuộm tóc là người xấu, tôi xây dựng ngay cậu trai nhuộm tóc. Tôi muốn thử vậy và thấy cũng thú vị.

Tôi là thằng đạo diễn nhí nha nhí nhảnh ảnh 3

Nếu đem tất cả các phim của anh ra “soi”, sẽ thấy các anh chàng này như một thứ bột nêm, một thứ gia vị góp vui chứ không có số phận đặc biệt…

Không hẳn. Như “Bỗng dưng muốn khóc” đó, nhân vật nữ mới là phụ để xoay quanh nhân vật nam chính. Đó là một nhân vật nam chính mà tôi muốn xây dựng. Với lại tôi hay viết kịch bản theo diễn viên mà tôi chọn trước.

Vào thời điểm này tôi thích lối diễn xuất của Lương Mạnh Hải, cậu ta có thể biến hóa được nhiều loại người khác nhau. Tôi thích dùng một diễn viên để tạo ra nhiều nhân vật. Cũng như vậy, tôi muốn “phá nát” hình ảnh non tơ của Tăng Thanh Hà trong “Đẹp từng centimet”, điều đó làm cho tôi cảm thấy thú vị.

Nhưng như thế thì cũng có thể hiểu là anh chọn diễn viên theo tình thân?

Không. Trên một mảnh đất mình có thể trồng đủ thứ chứ, trồng lúa, dưa leo, cà pháo… chứ. Khi mình đã quen biết họ, mình yên tâm về tư cách đạo đức của họ, mình biết họ mạnh gì, yếu gì, để cùng họ biến đổi.

Như vậy chẳng thú vị sao? Ngày xưa nhiều người nói sao tôi cộng tác với nam diễn viên Minh Anh trong “Những cô gái chân dài” rồi không tiếp tục làm việc, tôi cũng nghĩ là ừ, sao mình lại không làm nữa nhỉ, mình đã tạo được nền móng, đẩy họ thành người của công chúng rồi, lẽ ra mình phải khai thác, hái trái ngọt chứ, sao lại để cho người khác khai thác?

Như Lương Mạnh Hải chẳng hạn, thực sự từ bàn tay tôi tạo ra, khi họ nổi tiếng thì tôi phải khai thác lại chứ. Như các hãng phim Hồng Kông cũng vậy thôi, khai thác triệt để diễn viên chứ. Sau “Đẹp từng cen ti mét”, sang năm tôi sẽ tiếp tục làm với Lương Mạnh Hải một phim nữa nếu cậu ấy có hứng thú. Mình làm đúng quy trình thế giới thôi.

Anh đòi hỏi gì ở một diễn viên khi làm việc? Tính kỷ luật? Biết nghe lời? Hay biết chiều đạo diễn?

Diễn viên của tôi chẳng nghe lời tôi đâu, cãi nhau chan chát. Nhưng tôi đòi hỏi họ phải chuyên nghiệp và tài năng. Tôi không cần họ phải hợp vai vì hợp hay không là ở tôi chứ không phải họ, tôi sẽ tìm được tố chất riêng và sẽ viết vai diễn vừa với họ.

Nhưng khi ra trường quay, tôi không nhúng tay quá nhiều vào diễn xuất của họ. Như quay phim cũng vậy, tôi chẳng bao giờ nói phải quay góc này góc kia, một quay phim giỏi thì anh ta tự biết quay góc nào là đẹp, là chuẩn.

Tôi chỉ nói cái tinh thần thôi. Chẳng hạn tôi nói có cảnh quay ở quán cà phê thì quay phim phải tự chọn cái bàn nào để cảnh quay diễn ra và diễn viên sẽ tự chọn góc ngồi cho mình.

Tết năm nay, anh và bạn thân Dũng khùng sẽ … “so găng” trên rạp chiếu. Ai cũng phải làm cho được một phim thành công trong khi đó Tết chỉ có ba ngày thôi. Đó có là một áp lực thực sự?

Mọi người hay nói chúng tôi cạnh tranh nhưng nhìn xa trông rộng là chúng tôi chia sẻ với nhau từ ý tưởng ban đầu đến khi thực hiện. Không có gì cạnh tranh. Tôi cũng mong phim của Dũng tốt muốn chết. Phim của anh Lưu Huỳnh cũng tốt.

Chỉ có ai thiển cận mới sợ cạnh tranh thôi. Bởi vì nếu có 3 phim tốt thì rất có lợi cho điện ảnh Việt Nam vì tạo được niềm tin với khán giả. Khán giả đi xem phim họ chả biết Vũ Ngọc Đãng hay Lê Hoàng, Lưu Huỳnh là ai đâu. Họ toàn nói phim Việt Nam thấy gớm, muốn ói.

Nếu 3 phim này hay thì khán giả đến đông. Khán giả có nhu cầu sẽ kích thích xây rạp. Và cứ thế, nó nở dần ra thì điện ảnh Việt Nam mới phát triển được, một năm mới có nhiều mùa phim chứ không phải mỗi năm trông một cái Tết.

Họ nói hâm mộ Vũ Ngọc Đãng mà chê phim Việt Nam muốn ói thì tôi cũng chả vui vẻ gì và tôi nghi ngờ lắm. Bởi tên của đạo diễn chỉ “hot” với nhà sản xuất, với diễn viên và giới truyền thông thôi chứ họ chỉ quan tâm đến phim mà thôi.

Họ cũng không nhìn diễn viên mà đến xem phim. Tăng Thanh Hà, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân ư? Bám vào tên họ là rất nguy hiểm. Ở Việt Nam chưa có diễn viên ngôi sao để kéo khán giả đến rạp. Đạo diễn ngôi sao thì cũng có, nhưng chỉ là ngôi sao với nhà sản xuất thôi chứ còn lâu khán giả mới coi đó là ngôi sao.

Tại thời điểm này anh muốn làm một bộ phim như thế nào?

Làm bộ phim như “Bỗng dưng muốn khóc”. Vì ở Việt Nam nhiều nhà làm phim quay lưng lại với khán giả bình dân, những người dân lao động. Họ luôn muốn được đánh giá là những người uyên bác, sâu sắc, thông minh, tài hoa và làm phim như là làm ra tác phẩm trác việt để đời, phải có vốn văn hóa nhất định mới hiểu được.

Còn tôi nghĩ ngược lại. Những người nông dân như gia đình tôi mới là những người cần được thưởng thức văn hóa nhiều nhất, tôi muốn hướng tới điều đó. Cha tôi làm nông trường, mẹ tôi làm hội phụ nữ xã, giờ họ về hưu làm ruộng, chú dì cô bác cũng đều làm nông cả, họ cần được xem những bộ phim của tôi.

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình cần làm một bộ phim quá triết lý, quá sâu sắc để được khen ngợi hoặc được chục ông giám khảo hay đi thi một liên hoan phim nào đó, được một vị giám khảo nhìn sâu vào mắt bắt tay thật chặt…

Một vài cái bắt tay nó chỉ là cái xã giao thôi, ảo tưởng làm gì. Tôi thấy ở Việt Nam, truyền hình đang rất cần khán giả. Người trong nhà mình, mà phim của mình còn chưa thuyết phục được họ, thì đi thi quốc tế làm gì cho nó trở nên buồn cười!

Tôi không có nói là không nên làm những phim quá cao cấp, mà thời điểm này thì chưa nên làm. Khi nào khán giả say mê phim Việt Nam rồi thì hãy tính đến việc chinh phục quốc tế.

Nhưng có nhiều loại phim và nhiều loại khán giả chứ đâu chỉ có nông dân?

Thì đúng rồi. Nhưng điện ảnh Việt Nam èo uột thế, chả có mùa phim nào, cả năm treo niêu trông vào 3 cái phim Tết. Phim làm ra không bán nổi một cái vé để đủ tiêu chuẩn dự Oscar thì đi tham dự giải Oscar để làm gì? Trong nước còn chẳng có rạp nào chịu đứng ra để tổ chức chiếu, thử hỏi nếu được Oscar thì có gì vinh dự hay không?

Bản thân người dân Việt Nam không đón nhận thì không lẽ mang đi dự Oscar để chứng tỏ là mình giỏi, phim mình hay và dân Việt Nam ngu ngốc hay sao? Cái quan trọng nhất của điện ảnh Việt Nam bây giờ là làm sao để mở tivi ra hoặc vào rạp chiếu, khán giả không nhăn mặt. Làm được tới đó đã rồi tính tiếp…

Anh nói thế là anh đang phản ứng lại cách làm phim của rất nhiều bậc tiền bối lão làng trong ngành điện ảnh Việt Nam. Anh có thấy gan mình… to?

Tôi đâu có sợ. Tôi chỉ nói sự thật thôi. Có những tiền bối như chú Đặng Nhật Minh chẳng hạn, tôi rất nể phục, chú ấy làm “Thương nhớ đồng quê”, “Bao giờ cho đến tháng Mười” rất hay và làm phim cho nhân dân mình xem đấy chứ.

Bây giờ thì nhiều người làm phim mà không quan tâm tới khán giả. Càng không có người xem họ lại càng nghĩ phim của họ cao siêu, khán giả bình dân không hiểu được và lấy đó làm tự hào, thật nực cười.

Tôi nghĩ rằng, 100 khán giả thì có 99 khán giả sẽ tới rạp vì nghĩ đó là phim có nhiều trò để coi, vui vẻ, chứ chẳng có mấy ai nói phim này hay lắm, triết lý lắm đến rạp coi đi.

Trong điện ảnh, chức năng giáo dục phải sau chức năng giải trí. Người ta hy vọng đọc một cuốn sách để mở rộng tâm hồn, sâu sắc hơn, chứ phim thì chức năng lớn là giải trí.

Điện ảnh khác với văn học, cuốn sách có thể nổi tiếng và bán chạy sau… 100 năm. Chứ điện ảnh là “một đập ăn quan”, nếu công chiếu sau một tuần không ai coi thì coi như phim đó vứt đi rồi.

Cha đạo diễn nào mà nói, phim tôi giờ khán giả chưa thích nhưng 10 năm nữa họ sẽ đủ tri thức để hiểu và thích, thì cha đó bị điên! Còn những phim làm thay đổi nền điện ảnh thì ở Việt Nam… chưa đủ sức làm.

Theo An ninh Thế giới

MỚI - NÓNG