Sau mấy ngày làm việc ở Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nhà văn lên ô-tô đi thăm người nhà ở thành phố Boston.
Ô-tô khởi hành. Ngồi cùng khoang ghế với nhà văn có hai thiếu nữ. Một da trắng. Một da màu. Cả hai, vừa yên chỗ là lấy sách ra đọc. Chẳng có ai để trò chuyện, nhà văn cũng rút từ trong túi ra cuốn Thơ Hàn Mặc Tử.
Bất ngờ cô thiếu nữ da màu ngừng đọc, ngẩng lên, liếc sang cuốn sách nhà văn đang đọc, thấy kiểu chữ lạ, liền cất tiếng:
- What country’s book are you reading? (Anh đang đọc cuốn sách nước nào thế?)
Trần Công Tấn, nheo mắt cười. hóm hỉnh:
- Try to guess? (Thử đoán xem?)
- Vậy anh là người nước nào?
- Đố cô biết?
- Anh là người Nhật Bản?
- Không phải!
- Người Trung Hoa?
- Không phải!
- Vậy đích thị anh là người Indonesia rồi!
Thiếu nữ da trắng cũng buông sách ngó sang, tham gia câu chuyện. Trần Công Tấn lắc đầu. Indonesia không phải! Singapore cũng không phải! Vậy anh là người nước nào?
Đợi cho hai thiếu nữ ngẩn ra rồi sốt ruột, Trần Công Tấn mới tay trỏ ngực mình, tươi cười tự giới thiệu:
- Tôi là người Việt Nam! Tôi là nhà văn Việt Nam!
- Oao!
Cả hai thiếu nữ đột ngột cất tiếng reo và ngay sau đó, cả hai cô cùng đứng dậy, quay về hai phía xe đang đông nghịt hành khách, bắc loa tay, oang oang:
- Các bác, các anh chị ơi! Trên xe của chúng ta có một người Việt Nam, hơn nữa, một nhà văn Việt Nam!
Bất ngờ quá. Và thật tình, Trần Công Tấn cũng chưa hiểu chuyện gì đã và sẽ xảy ra. Thông báo của hai cô gái Mỹ nọ có hàm ý gì?Vui mừng hay khó chịu? May thay, chỉ lát sau thắc mắc của nhà văn đã được giải tỏa. Thoạt tiên là một bà cụ. Tiếp đó là một ông già. Rồi một em nhỏ, một thanh niên... Mỗi người đến với nhà văn đều mang theo một món quà. Một ổ bánh mì. Một chai nước khoáng. Một thanh sôcôla. Với lời dặn dò thật ân cần: Cầm lấy mà dùng. Đoạn đường này nhà tầu họ không cung cấp gì đâu, nhà văn Việt Nam à!
Chưa hết. Tầu đến thành phố Boston, thủ phủ bang Massachussetts. Mười phút sau, tất cả người nhà đến đón Trần Công Tấn, đều không giấu nổi kinh ngạc: Vì sao lần đầu đến Boston, tiếng tăm chưa thật thạo mà nhà văn lại biết đến ngồi chờ ở phòng đợi này, vốn là nơi chỉ có khách đi quen mới biết.
Hỏi ra thì mới hay: Chính là hai cô gái Mỹ nọ đã dẫn nhà văn tới chỗ này và căn dặn nhà văn cứ ngồi chờ ở đây, chứ đừng đi nơi khác kẻo bị lạc. Nếu không có ai đón hãy gọi điện cho tôi theo địa chỉ này. Giải đáp thắc mắc cho người nhà xong, Trần Công Tấn cười: Thì ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả Mỹ, người ta cũng quý trọng nhà văn, quý trọng vì cái tính thật thà, trung hậu của anh ta, các anh chị ạ!