Tối hay ngày dở

Tối hay ngày dở
TP- Nhiều nét tinh hoa của văn hóa Huế đã được giới thiệu công phu từ 21 đến 25/11 tại Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phố Hoa Lư, Hà Nội. Có điều, khách đến thưởng thức có lúc bị trộn giữa hai “món”: Văn hóa và... đám cưới.

Gây ấn tượng đầu tiên là khu trưng bày sản phẩm nghề truyền thống đặc sản đất cố đô Huế như đúc đồng, nghệ thuật làm nhà rường, mỹ nghệ mây-tre-gỗ, tranh thêu, nón Huế.

Lần này Huế không chọn giới thiệu nghệ nhân cao niên mà là những nghệ nhân xuất sắc nhất ở độ tuổi trung niên: Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Tuệ, nghệ nhân gỗ mỹ nghệ và phục chế nhà rường Xuân Liễu, nghệ nhân thêu Bùi Thị Chi...

Cũng bởi xưa kia chủ yếu phục vụ trong hoàng cung nên các con vật trong tứ linh (long- lân - quy - phượng) xuất hiện nhiều trong sản phẩm nghề truyền thống cố đô.

Khách không khỏi trầm trồ với tài nghệ đúc đồng Phường Đúc với những trống đồng, lư hương, đồ vật trang trí nội thất hình dáng và hoạ tiết công phu. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuệ mê mải giới thiệu bộ “Đỉnh lư long lân” cùng đôi “Trúc hóa long”. Để hoàn thành một bộ như thế anh phải mất 3 tháng thiết kế, 3 tháng hoàn thiện.

Anh Tuệ tự hào cho biết: Phường Đúc là tên gọi có từ giữa thế kỷ 20 nhưng nghề đúc đồng cố đô Huế đã có từ đời Nguyễn Hoàng. Tổ nghề là cụ Nguyễn Văn Lương quê gốc xã Đồng Xá, tổng Đồng Xá, phủ Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Tài nghệ nổi tiếng khắp nhân gian nên được chọn vào Huế. Bao thăng trầm nhưng nghề đúc đồng vẫn duy trì, nghệ nhân Tuệ là đời thứ 11 nối nghiệp.  

Không gọi là làng hay phường nghề như Phường Đúc, nhưng nghề thêu cũng là một đặc sản đất cố đô.  Nghệ nhân Bùi Thị Chi chia sẻ: “Nghề thêu không chỉ cần đôi tay khéo mà phải tường tận nguyên tắc xa gần, sáng tối, đậm nhạt.

 Vì thế nghề thêu ở Huế không đơn thuần là trang trí họa tiết mà như một tác phẩm hội họa”. Khách đặc biệt ấn tượng với những tranh thêu nhìn thấu hai mặt thông qua nền tranh là lớp voan mỏng trong vắt, người thêu đã tài tình giấu những mũi chỉ đường kim để cả hai mặt giống nhau.

Sôi động nhất, thu hút bạn trẻ nhất có lẽ là các trò chơi cung đình và dân gian. Trò súc xắc tính điểm chộn rộn giữa tiếng va đập của những con súc sắc với thành bát gỗ cùng tiếng cười giòn của người chơi. Phần thưởng cho người may mắn là những tranh chữ Hán Nôm: Tâm, Tài, Đức, Phúc... “Xôm” không kém là trò Đố Thơ. Những câu thơ khuyết từ để người chơi chọn phương án trả lời.

Như: “Giận cái chung tình đem ném hết/ Để ... tình riêng bạc đến nay” với các phương án: A: khối, B: chút, C: những, D: cái, E: mấy. Hai câu thơ được trích ra từ bài thơ Tản mạn về Huế của Chế Lan Viên nhưng giọng thơ lại có cái gì đó hóm và đầy ẩn ý kiểu Hồ Xuân Hương, phải vậy mà nhiều bạn trẻ chọn phương án “cái”. Và họ đã được thưởng chữ.

Ngoài sách và ẩm thực Huế, còn Nhã nhạc, múa cung đình... Tuần Văn hóa Huế có những tối vui, nhưng ban ngày lại buồn. Hơn 10 giờ sáng, sân khấu vắng teo, tịnh không một chút âm nhạc, trừ những ca khúc trong đĩa phát ra từ quầy văn hóa phẩm của Cty Phương Nam. Gian triển lãm tranh thêu đông đúc một cách bất thường, hóa ra có đám cưới ở tầng trên.

Phía gian hàng ẩm thực của khách sạn Sài Gòn Morin cũng có hai đám cưới ngự ở trên đầu. Một cô dâu bức xúc chạy từ tầng ba xuống, mếu máo: “Khách đi ăn cưới lạc đâu hết. Ngày đẹp, có tới 3 đám cưới cùng một chỗ, lại còn khách triển lãm dập dìu thế này họ tìm vào đây làm sao”.

MỚI - NÓNG