Ngược lại, nếu kiểm soát được, không những giúp chủ động ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh tật mà còn biến chúng thành đầu vào cho quá trình sản xuất mới và có lãi không nhỏ. Túi nilon thải một thời ở Việt Nam chỉ bán được 200-300 đồng/kg. Sau này, thứ tưởng bỏ đi ấy vọt lên 10.000-12.000 đồng/kg khi một số đầu nậu Trung Quốc thu gom.
Giữa hàng chục chuyên gia môi trường trong và ngoài nước, một nhà khoa học kiêm quản lý lâu năm trong ngành môi trường ở thành phố lớn nhất nước nêu một câu đố đồng thời là câu khẳng định: “Tôi đố ai tìm ra chất thải rắn công nghiệp nào mà không tái chế được”. Một trong những bằng chứng điển hình về khả năng tái chế là: “đố anh nào tìm được chất thải điện tử ở các bãi rác”. Gần trăm đại biểu dự cuộc họp hôm ấy ở Hà Nội không thấy ai phản bác.
Vấn đề bây giờ là sớm nắm được con số thực để có kế hoạch tái chế. TS Nguyễn Trung Việt (Sở TN&MT TPHCM), ước tính mỗi ngày TPHCM xả không dưới 350-500 tấn chất thải rắn độc hại. Có lần, chỉ cần một tàu dầu tràn, lượng dầu tràn ở TPHCM lên đến 100 tấn/ngày. Còn tại TP Đà Nẵng mới phát triển, lượng chất thải rắn độc hại cũng không dưới 35-50 tấn/ngày.
Một câu đố khác có lẽ khó giải hơn. Đấy là không hiểu sao giá đầu tư cho xử lý rác thải độc hại ở Việt Nam lúc nào cũng cao hơn các nước. Chẳng hạn, Singapore chỉ hết 34-1.000 USD cho mỗi tấn rác đầu vào. Cũng loại rác ấy, nếu xử lý ở TPHCM hết 200-2.000 USD. Xử lý một bóng đèn neon hết 42.000 đồng, số tiền đủ để mua một bóng đèn mới.
Giải đố đã khó, thực thi các biện pháp để phá vỡ bất hợp lý từ lời giải câu đố ấy có lẽ còn là lời thách đố khó hơn nữa trong hoàn cảnh hiện nay.