Tôi đi tìm anh giữa đất Quảng Trị anh hùng

Tôi đi tìm anh giữa đất Quảng Trị anh hùng
TPO - Anh trai tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1971, khi đang học dở lớp 10. Sau một thời gian huấn luyện, anh tôi và đồng đội hành quân vào chiến trường.

Tôi đi tìm anh giữa đất Quảng Trị anh hùng

> Gặp người biệt động thành từng lên truyền hình Mỹ
> Cuộc gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt
> Đọc thơ trên mộ liệt sĩ TNXP

TPO - Anh trai tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1971, khi đang học dở lớp 10. Sau một thời gian huấn luyện, anh tôi và đồng đội hành quân vào chiến trường. Đến cuối tháng 6/1972 anh hy sinh tại mặt trận phía Nam.

Ảnh: Cao Xuân Lương
Ảnh: Cao Xuân Lương.

Anh hy sinh khi chị em chúng tôi còn rất nhỏ. Ngày báo tử anh, mẹ tôi khóc ngất đi trong vòng tay của bà con lối xóm. Mẹ nằng nặc đòi đi tìm mộ anh. Tôi là con trai duy nhất trong nhà, tuy chưa ý thức được gì nhiều nhưng tôi biết mẹ rất muốn đưa anh về quê nhà. Tôi nói với mẹ “Khi nào hết chiến tranh, con sẽ đi tìm anh về cho mẹ”.

Khi lớn lên, công ăn việc làm đã ổn định, tôi thực hiện lời hứa với mẹ là đi tìm mộ anh tôi. Tôi đã có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ đường 9, nghĩa trang tỉnh Quảng Trị...nhưng vẫn không thấy mộ anh tôi vì không biết chính xác nơi anh tôi hy sinh. Giữa lúc đó thì anh Nguyễn Đình Quế (người cùng nhập ngũ với anh tôi một đợt, cùng đơn vị), từ Đồng Nai gửi thư cho tôi cho biết anh tôi hy sinh ở khu vực giữa xã Hải Ba và xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Hè năm 2007, tôi lại ra Hải Lăng tìm anh tôi nhưng hỏi thăm hết nhiều nghĩa trang cũng không thấy. Tôi lại trở về quê tìm gặp những đồng đội cũ của anh tôi. Người đầu tiên tôi gặp là anh Lân (quê ở xã Nghĩa Hành) hiện vẫn còn ở Thị trấn Lạt. Biết tôi có ý định tìm mộ anh tôi, anh Lân nói: “Hồi đó anh và Nhung (anh trai tôi-NV) cùng chung đại đội, khi Nhung hy sinh anh có biết nhưng không chắc lắm nơi an táng vì lúc đó là vào ban đêm, đơn vị anh đang trên đường hành quân nên việc chôn cất tuy rất chu đáo nhưng không xác định được vị trí, chỉ biết đó là bãi cát và trảng phi lao nằm quãng giữa xã Hải Ba và xã Hải Thượng của huyện Hải Lăng mà thôi”.

Nói rồi anh gọi điện thoại cho anh Long ở xã Nghĩa Phúc biết ý định của tôi và dặn anh Long chờ anh ở nhà. Xong xuôi anh Lân và tôi vào xã Nghĩa Phúc gặp anh Long. Cũng như anh Lân, anh Long biết anh tôi hy sinh qua bạn bè vì khi đó anh bị thương nặng nên đã được chuyển về tuyến sau trước khi anh tôi hy sinh. Anh nói: “Anh bị thương khi mới vào, sau đó nghe tin Nhung hy sinh. Ở đây có người biết rõ về sự hy sinh của Nhung, anh em mình vào trong đó xem có tin gì hơn không”. Thế là, dù trưa hè nắng như đổ lửa, anh Long , anh Lân cùng tôi lên xe vào xã Đồng Văn tìm gặp anh Phượng (người dân tộc Thái).

Qua câu chuyện, tôi biết anh Phượng là người đã tắm rửa, thay quần áo mới, khâm liệm anh tôi một cách chu đáo. Anh kể: “Khi đó vào quãng 2-3 giờ sáng, đơn vị đang hành quân qua một trảng cát thì pháo bầy của giặc từ biển bắn vào, Nhung bị một viên đạn rơi trúng người và hy sinh. Khi đó, bọn anh chôn Nhung ngay bên đường hành quân vì quá vội và lại vào ban đêm nên không nhớ rõ vị trí lắm. Chôn cất xong, bọn anh tiếp tục hành quân đi vào cho đến ngày chiến thắng rồi mới trở về quê. Nay không biết nơi đó như thế nào chứ qua mấy chục năm rồi, vật đổi sao dời nên thật khó tìm được nơi Nhung nằm”.

Hôm đó, tôi ngồi nói chuyện với anh thật lâu vì tôi biết các anh là người gần gũi anh tôi khi anh ngã xuống. Chúng tôi ăn cơm trưa tại nhà anh Phượng. Khi tôi nói tôi muốn đi vào Quảng Trị tìm mộ anh tôi thì anh nói: “Anh nói thật với em, anh không còn nhớ chính xác nơi chôn cất Nhung, nhưng khi nào em muốn đi thì cho anh biết để anh sẽ đi cùng em vào trong đó, lúc nào cũng được, anh luôn sẵn sàng đi cùng em”.

Sau khi ở nhà anh Phượng về, tôi lại xuống Đô Lương gặp thêm 2 người đồng đội của anh tôi là anh Toàn và anh Hùng nhưng các anh cũng không nhớ được chính xác chỗ nào. Thấy tôi thất vọng, anh Toàn nói: “Thôi, bây giờ anh nói với em thế này, em ở xa lâu lâu mới về được nên khó lắm. Bây giờ cứ cho anh số điện thoại, ở ngoài này anh sẽ tìm những đồng đội cũ để hỏi thêm, lúc nào có thông tin anh sẽ báo cho em biết rồi ta cùng đi vào trong đó tìm Nhung”. Nghe anh Toàn nói, tôi cảm thấy được an ủi phần nào. Tuy chưa tìm được anh tôi nhưng tôi và gia đình vẫn cảm thấy ấm áp vì đã có đồng đội của anh luôn ở bên mình...

Ngày 3/5/2012, tôi nhận được điện thoại của một người bạn hiện công tác tại quê nhà cho biết: Phòng LĐ-TB-XH huyện Hải Lăng gửi thông báo về xã cho biết: Mộ của anh tôi hiện đang ở nghĩa trang xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. Nhận được tin này, do ở xa và bận công tác nên tôi chưa ra thăm mộ anh được. Tuy vậy, qua mạng Internet, tôi đã nhờ thầy Võ Văn Hoa, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hải Lăng và thầy Hoàng Ngọc Lịch, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Vĩnh và anh Hữu Thành (PV báo Tiền Phong tại Quảng Trị) giúp đỡ để bước đầu biết thêm thông tin về mộ anh tôi và được mọi người nhiệt tình giúp đỡ.

Anh Hữu Thành chở vợ từ Đông Hà mang theo hương hoa, trái cây vượt nắng gió vào Hải Vĩnh thắp hương lên mộ anh và chụp ảnh ngôi mộ gửi vào email cho tôi biết. Thầy Hoa và thầy Thầy Lịch nói với tôi: “Anh cứ yên tâm, bà con Hải Lăng rất tình cảm và có trách nhiệm với công tác đền ơn đáp nghĩa. Khi nào anh và gia đình vào Hải Lăng thăm mộ, cứ điện cho chúng tôi biết trước chúng tôi sẽ ra đón và đưa về nghĩa trang xã Hải Vĩnh”. Nghe hai thầy nói, tôi rất xúc động.

Ngày 25/6/2012, tôi và anh chị em đã có chuyến vào Hải Vĩnh thăm mộ anh sau 40 năm trời biền biệt. Dừng xe ở ngã ba Hải Lăng, chưa kịp gọi điện thì thầy Lịch đã gọi cho tôi. Sau đó thầy lên xe cùng đi về Hải Vĩnh. Tại trụ sở UBND xã, chúng tôi được các anh cán bộ xã tiếp đón chu đáo, cử hai cán bộ xã đi cùng gia đình vào nghĩa trang làm thủ tục viếng mộ anh tôi. Anh Hữu Thành và vợ cũng có mặt tại Hải Vĩnh cùng chúng tôi…Một số người dân ở gần nghĩa trang khi thấy chúng tôi vào nghĩa trang cũng lặng lẽ ra ngồi cạnh mộ anh tôi, đốt hương cùng gia đình và đốt hương cho các ngôi mộ liệt sĩ khác trong nghĩa trang…

Sau 40 năm biền biệt, bây giờ chúng tôi mới tìm được mộ anh mình. Nhìn tấm bia ghi tên anh: “Liệt sĩ Cao Xuân Nhung, sinh năm 1953, quê quán Nghĩa Hợp, Tân Kỳ, Nghệ An; đơn vị C23, D75, E84, F325; hi sinh ngày 30/6/1972” anh chị em chúng tôi rất bồi hồi: Anh hi sinh khi còn quá trẻ, vừa tròn 19 tuổi. Ngày gia đình tôi vào “gặp”, còn đúng 5 ngày nữa là tròn 40 ngày anh ngã xuống trên đất Quảng Trị anh hùng…Anh nằm giữa đất Hải Vĩnh-đất Hải Lăng-đất Quảng Trị suốt 40 năm nay mà bây giờ chúng tôi mới biết được.

Nhìn nghĩa trang xã Hải Vĩnh khá rộng rãi, khang trang với những cây cảnh, nhà bia tưởng niệm khói hương nghi ngút, tôi và người nhà thấy ấm lòng khi anh và đồng đội dù nằm yên nghỉ nơi đất khách quê người nhưng được bà con nơi đây hương khói chu đáo…Chúng tôi cảm ơn Thầy Lịch, cảm ơn các anh cán bộ xã thì ai cũng nói: “Đây là bổn phận và trách nhiệm của mọi người dân Hải Vĩnh chúng tôi anh ạ. Các liệt sĩ đã hi sinh tuổi thanh xuân cho đất nước, cho bà con Hải Vĩnh chúng tôi. Bây giờ các anh nằm lại đây, chúng tôi luôn xác định các anh là người con của quê hương mình nên chúng tôi luôn chăm sóc mộ phần các anh chu đáo như người nhà ruột thịt của chúng tôi”.

Chia tay mọi người để trở về xứ Nghệ sau 3 ngày ở Hải Lăng-Quảng Trị, chúng tôi cảm ơn đất Hải Vĩnh- Hải Lăng-Quảng Trị đã ôm ấp anh tôi cùng các đồng đội suốt 40 năm nay. Cảm ơn những người con của đất Hải Lăng đã giúp tôi nhiệt tình khi biết được thông tin mộ anh mình, dù tôi và họ chưa một lần gặp mặt… Từ nay, chúng tôi lại có một chốn để đi về, đó là nơi anh tôi đang yên nghỉ-đất Hải Lăng, đất Quảng Trị anh hùng…

Từ Quảng Trị, anh chị em chúng tôi quyết định về xứ Nghệ bằng đường Hồ Chí Minh lịch sử, con đường mà anh tôi và bao đồng đội khác đã một thời hoa lửa hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trước lúc về, chúng tôi cũng làm “thủ tục” mời anh lên xe cùng về quê với chúng tôi sau 40 năm anh xa quê. Xe chạy liên tục mà không một sự cố nào, ai cũng bảo chắc có anh cùng về nên mọi sự suôn sẻ…

Cao Xuân Lương

Theo Viết
MỚI - NÓNG