Tôi đi dự lễ Quán đỉnh

 Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa “kết nối” Phật Dược Sư với Phật tử Hà Nội
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa “kết nối” Phật Dược Sư với Phật tử Hà Nội
TP - Hoạt động chính và được loan báo rộng rãi của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa mỗi khi thăm Việt Nam là cử hành các Đại Pháp hội. Những sự kiện này quả là vui như hội. Mùa hội sau lại đông hơn mùa hội trước. Ai cũng hoan hỉ khi có duyên dự hội. Ai cũng có phần quà cả về vật chất lẫn tinh thần từ Pháp hội.

Điềm cát tường “động viên” người Việt

Các Pháp hội theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa (còn gọi là Mật tông) luôn có những cách bài trí, nghi thức dễ thu hút người tham dự. Các phương pháp tu tập thường được hình tượng hóa và diễn giải cho đại chúng dễ hiểu. Mỗi Pháp hội có một chủ đề riêng.

Pháp hội đầu tiên mà Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn cử hành tại Việt Nam trong chuyến thăm lần thứ 5 (kéo dài đến 6/5) là Quán đỉnh cộng đồng Mandala Dược Sư Phật Cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Quang Ân, Thanh Trì, Hà Nội. Khoảng 10 nghìn người đã đến Pháp hội diễn ra trong ngày 6/4 để kết nối với vị Phật chuyên về y dược.

Buổi sáng là khóa lễ tịnh hoá môi trường cả bên ngoài và bên trong mỗi người dự lễ, chiều mới chính thức vào quán đỉnh. Có mặt tại chùa vào khoảng 9h sáng, những người bạn của tôi chỉ có thể thu xếp được chỗ ngồi tại khu tháp, tức nơi an táng của các sư. Từ đó không thể nhìn thấy khán đài, nếu không kiễng chân. Vậy mà còn rất nhiều người ở xa khuất hơn. Năm kia, cũng ở đây, lượng người tham gia Pháp hội mới chỉ lan tới tường bao vườn tháp.

Để có được chỗ tốt, nhiều người phải đến từ mờ sáng. Và tất nhiên họ không nên rời chỗ trừ trường hợp khẩn cấp. Các thiếu nữ trong đồng phục áo dài đỏ sẽ đem suất cơm trưa miễn phí đến tận nơi, trong khi một số nam tình nguyện ngăn những người đến sau đi vào khu vực đã kín chỗ.

Đức Pháp Vương quang lâm đàn tràng vào đầu giờ Ngọ. Những Phật tử đến sau, không thể tiếp cận khán đài thì còn cách xếp hàng hai bên đường vào chùa để được diện kiến Ngài. Ngài đăng tòa ngay, trấn an mọi người: “Tôi biết các Phật tử từ 5h sáng đã đến đây chờ để gặp tôi. Do nhân duyên về không gian, 5-6 nghìn Phật tử không có cơ hội vào trong này để nhìn thấy tôi. Tôi xin gửi trọn vẹn lòng từ bi, dòng ân phúc gia trì tới các Phật tử ở ngoài kia”.

Tôi đi dự lễ Quán đỉnh ảnh 1

Các Phật tử hào hứng với nước gia trì. Ảnh: N.M.Hà

Pháp Vương nói tới các điềm cát tường thường hiện ra trong các Pháp hội. Đó có thể là mây hình Phật, hình rồng, ráng ngũ sắc, tiếng sấm, cơn mưa…

Theo quan điểm tâm linh, các bậc Thầy đắc đạo trong khi hành lễ thường chiêu cảm được các năng lực thiên nhiên để làm nên các hiện tượng này. Nhưng Pháp Vương lại nói: “Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, và tôi có thể nói rằng Việt Nam có nhiều sự gia trì hiện thành hình tướng khiến cho rất nhiều người có thể cảm nhận được. Đó là bởi tâm chí thành của người Việt Nam”.

Ngay khi Ngài nói vậy, có người kêu to lên rằng điềm cát tường xuất hiện, khiến một số khác căng mắt nhìn trời. Còn lại đại đa số vẫn trật tự nghe Pháp vương giảng tiếp. Ngài dạy, những điềm cát tường này là để con người có niềm tin sâu sắc hơn, vững bước hơn trên hành trình tâm linh.

Hóa Phật trong giây lát

Sau mỗi Pháp hội quán đỉnh, có thêm hàng nghìn người biết và có thể thực hành theo Kim Cương thừa. Đặc điểm của thừa này là người tu nhất thiết phải được Kim Cương Thượng sư truyền quán đỉnh. Bậc Thầy Kim Cương hiểu ngắn gọn là những vị Phật sống, không mệt mỏi trở lại cõi người để giáo hóa.

Như Pháp Vương Gyalwang Drukpa - được kính ngưỡng là bậc hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm - đang ở lần chuyển thế thứ 12. “Quán đỉnh” là “nghi lễ cho phép thực hành pháp tu”, nghĩa đen là “rót vào đầu”. Cái được rót ở đây là năng lượng và phẩm chất Phật.

Vào lễ quán đỉnh, người tham gia phải hình dung ngay được hình ảnh của Phật Dược Sư bằng ánh sáng màu xanh dương. Theo các bức tranh thờ thì sắc thân Ngài gần với xanh methylene, tay trái Ngài giữ bát thuốc cam lồ, tay phải cầm cành cây thuốc trường sinh.

Pháp Vương diễn tả: “Từ tay Phật Dược Sư tuôn chảy dòng cam lồ xuống đỉnh đầu của chúng ta, đi khắp vào thân tâm, cùng lúc rửa sạch mọi nghiệp chướng”. Phần này gọi là “quán đỉnh bình”. Tôi mạo muội tự hiểu là mình tự biến thành cái bình để đựng năng lượng Phật.

Trong phần chính của buổi lễ, hành giả cần tin rằng Pháp Vương chính là Phật Dược Sư. Ngài dạy: “Đây là cách nhanh nhất để chúng ta có thể đón nhận năng lượng gia trì một cách trực tiếp. Nghĩ Đức Phật trên hư không thì còn cách chúng ta rất xa”. Pháp Vương truyền chân ngôn hay còn gọi là mật chú (mantra) của Phật Dược Sư bằng cách đọc thành tiếng, đại chúng đọc theo.

Mỗi vị Phật có một câu chú riêng để khi nào đệ tử cần kết nối thì tụng niệm. Chẳng hạn “Om Mani Padme Hum” là câu chú nổi tiếng của Bồ tát Quán Thế Âm. Chân ngôn bằng tiếng Phạn của Phật Dược Sư khá dài, được Pháp Vương cắt nghĩa đại ý: “Give the blessings entirely to me. I am ready to keep the blessings to all sentient beings”. Thầy Thích Đàm Tịnh dịch: “Xin thỉnh cầu Đức Phật Dược Sư ban cho con sự gia trì. Con sẽ gìn giữ sự gia trì này để đem đến sự lợi ích cho tất thảy chúng sinh”.

Đàn tràng lúc này đã trở thành cõi giới (mandala) của Phật Dược Sư. Cõi này được hình dung tan thành ánh sáng, ánh sáng tan vào nước cam lồ, tiếp tục dội vào đỉnh đầu hành giả. Mỗi người tham dự Pháp hội trở thành vị Phật có năng lực chữa lành. Toàn thể đàn tràng yên lặng, tĩnh tâm trong vài phút để (tái) cảm nhận tính Phật trong mình.

Pháp Vương dạy: “Bản chất chúng ta từ vô thủy vốn không ngăn cách với chư Phật, vì vô minh mà trôi lăn trong sinh tử. Nhưng bản chất đó không thay đổi, nay nhờ năng lực quán tưởng, sự gia trì từ tứ quán đỉnh, chúng ta được khai mở trở lại với tự tính Phật”. Được biết, với những ai thực tâm muốn thụ trì Phật pháp, lễ quán đỉnh sẽ giúp họ khai mở hệ thống kinh lạc để thực hành Mật tông.

Quà của Phật

Lễ quán đỉnh gồm 4 giai đoạn gọi là “tứ quán đỉnh”. Nhận chân ngôn là “quán đỉnh ngữ giác ngộ”. Nhìn thấy bát thủy tinh đựng thứ nước màu hồng da cam Pháp Vương đưa lên cao, coi như được “quán đỉnh tâm giác ngộ”.

Khi mọi người thiền định- nhập vào cõi Phật - chính là “quán đỉnh trí tuệ giác ngộ”. Để các Phật tử dễ hình dung và thụ nhận, các loại quán đỉnh được vật chất hóa thành những biểu tượng cụ thể như nước hay thuốc gia trì, dây hộ thân, ảnh Phật, chứng điệp quy y…

Những phẩm vật này đều thấm đẫm năng lượng tốt lành của Phật. Đơn cử, với quy trình “sản xuất” thuốc gia trì, xem trong tài liệu của Drukpa Việt Nam mà choáng!

Trước hết, Tăng đoàn tập hợp và trộn nguyên liệu, gồm thảo dược mọc ở các vùng thánh địa cùng xá lợi các bậc Thượng sư, Thành tựu giả hay thậm chí xá lợi Phật. Khi trộn thuốc, người trộn phải tự quán mình là Bản tôn (tức một vị Phật cụ thể như Phật Dược Sư, Phật A Di Đà hay Bồ tát Quán Thế Âm...). Hỗn hợp này được nặn thành hình vị Phật Bản tôn, khoác các sức trang hoàng và đặt trong mô hình cõi giới của vị Phật đó.

Kế đó, Tăng đoàn cử hành nghi lễ Đại thành tựu pháp, cầu nguyện liên tục trong vòng 100 ngày (ít nhất 49 ngày), cho đến khi gặp cảm ứng cát tường (tượng thuốc mọc tóc hoặc phát sáng, linh kiến mặt trăng và mặt trời nhập làm một...) báo hiệu pháp đã thành tựu. Các viên thuốc chính là tượng Phật Bản tôn được tán ra.

Bởi vậy, một viên thuốc gia trì cam lồ nhỏ hơn đầu que tăm cũng đã chứa đựng vô số công đức và năng lượng tâm linh. Thuốc gia trì có thể được ngậm, pha cùng nước nóng để uống hay mang theo người để hộ thân. Thuốc cần được bảo quản ở môi trường khô và kín đáo, nơi người hay thú vật không thể bước trên.

Khỏi phải nói, khi các sư đi phát những phẩm vật này, đàn tràng sôi nổi thế nào. Khung cảnh có vẻ rất phấn khởi, khi mọi người thi nhau chìa tay từ xa về phía những người phát phẩm vật, cười cười nói nói. Nhưng Đức Pháp Vương bỗng trở nên nghiêm nghị.

Ngài yên lặng quan sát đại chúng một lúc rồi giở cuốn kinh Phật Dược Sư giản lược ra đọc từ đầu đến cuối, yêu cầu mọi người đọc theo. Muốn thực hành hiệu quả, Phật tử phải chú tâm nhận sự truyền khẩu này. Nhưng hình như đa số ở dưới vẫn còn đang mải mê với các món quà pháp. Khung cảnh có thể hoàn toàn khác nếu Phật tử ta điềm tĩnh hơn.

Mọi người vẫn có thể ngồi yên đọc kinh, các sư vẫn sẽ đến từng người để trao phẩm vật. Nhưng chúng ta vẫn là con người, vẫn bị thu hút trước tiên bởi những gì thuộc về vật chất. Thì cũng chính vì thế mà các nghi thức được vật hóa.

Khi Pháp hội viên mãn, những người tham dự được đảm bảo đã hoàn toàn rửa sạch mọi ác nghiệp, từ thân thể, lời nói cho đến ý nghĩ (thân khẩu ý) đều trở nên sạch trong như Phật! Để giữ được trạng thái này, ít nhất bạn phải đáp ứng một điều tưởng chừng đơn giản.

Pháp Vương dạy: “Đừng bao giờ nghĩ chỉ có mình là quan trọng nhất, chỉ có bệnh tật của mình là đau đớn nhất. Hãy nghĩ đến mọi người, hãy chia sẻ và cầu nguyện cho tất cả đều mạnh khỏe, hãy truyền nguồn năng lực gia trì này cho tất cả…”.

MỚI - NÓNG