Đăng ký - sát hạch
Sáng 4/10, tại trụ sở Grab (tầng 1, tòa nhà Kim Ánh, ngõ 78 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), hàng chục người mang theo các loại xe như Wave, Sirius, Air Blade, Exciter đăng ký trở thành đối tác chạy GrabBike. Trước sân tòa nhà, hai nhân viên được cắt cử kiểm tra giấy tờ, chất lượng xe. Đa số người đến đăng ký đều rất trẻ, họ đang là những sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội. Lác đác một số người độ tuổi trung niên đã về hưu, hoặc làm bảo vệ muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập.
Thủ tục kiểm tra xe diễn ra khá chóng vánh, sau đó, ứng viên được yêu cầu đến phòng đăng ký. Để trở thành đối tác của Grab, người tham gia bắt buộc phải có giấy tờ cá nhân liên quan như thẻ sinh viên hoặc chứng minh nhân dân, giấy đăng ký, bảo hiểm, bằng lái xe máy, lý lịch tư pháp, sổ hộ khẩu và tài khoản ngân hàng. Tại tầng 1 tòa nhà, tôi và hàng chục người tham gia dễ dàng mua được Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc của chủ xe mô tô, xe máy với giá 66.000 đồng/năm, lý lịch tư pháp có thể thuê đơn vị ở đây làm hộ với giá 500.000 đồng và tài khoản ngân hàng như yêu cầu.
Qua phần kiểm tra giấy tờ và xe, tôi được hướng dẫn vào phòng đọc, ký vào Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa đôi bên, được học cách sử dụng ứng dụng, quy tắc ứng xử. Sau đó, tất cả thực hiện bài kiểm tra 34 câu hỏi cho 3 dịch vụ gồm GrabBike (chở khách), GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress Siêu tốc (giao hàng hóa). Tôi cùng 5 bạn đang là sinh viên dễ dàng qua vòng kiểm tra này. Với người nhiều tuổi như ông Nguyễn Thế Minh (55 tuổi), quê Hưng Yên lại liên tục vò đầu vì làm sai: “Nhiều tuổi rồi, đọc trước quên sau, lại chưa quen công nghệ nên làm đến lần thứ 3 vẫn chưa xong”, ông Minh phân trần.
Trường hợp trả lời chưa đạt yêu cầu, người học đọc lại tài liệu để trả lời lại, hoàn thành đúng 75% câu hỏi, người tham gia bước vào quá trình đào tạo trực tiếp với nhân viên của Grab. Gần 1 ngày đăng ký, đào tạo, người trúng tuyển được cung cấp tài khoản, mua đồng phục, sổ ghi chép, tôi chính thức trở thành đối tác của Grab.
Grab cài ứng dụng và vận hành hệ thống, đổi lại người tham gia sẽ phải trích lại 20% giá trị mỗi chuyến xe cho nhà cung cấp. Nhằm kích thích tài xế, Grab áp dụng chương trình thưởng ngọc - một hình vẽ hình viên ngọc trong ứng dụng. Mỗi chuyến giao đồ ăn, tài xế được nhận 35 ngọc, chở khách 15 ngọc, giao hàng 15 ngọc. Trong vòng 24h hàng ngày, nếu có 250 ngọc, tài xế được thưởng 40 nghìn đồng, 500 ngọc được 120 nghìn đồng, 750 ngọc: 240 nghìn đồng và 950 ngọc có 360 nghìn đồng. Ngoài ra, tài xế được Grab cho tham gia bảo hiểm dân sự (bảo hiểm tai nạn) gói bảo hiểm tối đa 115 triệu đồng.
Chính sách phạt từ phía Grab cũng rất nặng nề, liên tục. Nếu tỷ lệ nhận khách và tỷ lệ hủy chuyến và số sao được nhận từ khách hàng không tốt, tài xế sẽ bị giảm cuốc xe được nhận, có trường hợp có thể bị khóa tài khoản.
Xuống đường
Dù đã tìm hiểu rất kỹ từ trước khi trở thành tài xế GrabBike nhưng tôi vẫn phải học thêm những kinh nghiệm từ những người đi trước. Tôi quyết định lựa chọn Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân), nơi tụ tập quen thuộc của cánh tài xế Grab, Be, GoViet… Khoác lên mình bộ đồ Grab, tôi dễ dàng bắt chuyện với Hiếu, một tài xế hơn 2 năm kinh nghiệm chạy GrabBike.
Để có thu nhập tốt nhất, phía Grab khuyến khích người tham gia có thể chạy cùng lúc cả 3 dịch vụ là GrabBike, GrabFood và GrabExpress Siêu tốc. Việc chạy cùng lúc cả 3 dịch vụ cũng sẽ giúp người lái “săn” được nhiều ngọc để nhận thưởng. Hiếu cho biết, tại Hà Nội có 10 đội hỗ trợ, trong đó có 1 đội nữ. Mỗi đội trưởng phụ trách một số quận, có nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khi thành viên trong đội gặp sự cố.
Theo Hiếu, ngoài sự tận tâm, chu đáo với khách hàng, cánh lái xe cũng phải nắm rõ từng khung giờ trong ngày để dễ dàng cho việc bắt khách cũng như chạy các loại dịch vụ khác nhau. Cụ thể, với dịch vụ GrabBike, khoảng 5h00-8h00, 17h00-19h00 và đêm muộn nên có mặt ở các bến xe khách, khu vực đông dân cư thì lượng khách đặt xe sẽ nhiều, từ 8h00-11h00, 13h00-17h00 lượng người đặt vận chuyển hàng hóa sẽ cao. Từ 11h00-13h00, 18h00-20h00 là khung giờ giao đồ ăn.
Với dịch vụ chở khách, trung bình tài xế sẽ được nhận 5.000 đồng/km (đã trừ chiết khấu). Dịch vụ giao hàng được tính theo chuyến, không kể quãng đường dài hay ngắn, lái xe sẽ được nhận 15.000 đồng, nếu chạy vào giờ cao điểm ngày sẽ được thưởng thêm 10.000 đồng/chuyến, cao điểm tối là 8.000 đồng/chuyến.
Sau khi nắm rõ được ngón nghề, tôi tự tin bật ứng dụng, chưa đầy 10 phút điện thoại đã “nổ” (thông báo có khách đặt xe). Khách hàng là một phụ nữ chuyên bán mỹ phẩm qua mạng. Như lời khuyên của các GrabBike lão làng, trên chặng đường đi, khi khách vui chuyện, tôi không tiếc lời khen ngợi khách. Dù khách đặt điểm đến là đầu ngõ nhưng tôi chở chị vào tận nhà. Chuyến xe chỉ có giá 13.000 đồng nhưng khách đưa tờ 20.000 đồng và “bo” luôn vì sự chu đáo của tài xế.
Grab là ứng dụng trên thiết bị di động để đặt xe hơi, xe máy, chuyển phát… bằng hình thức tận dụng xe sẵn có của mỗi cá nhân. Bất cứ ai đều có thể trở thành tài xế toàn hoặc bán thời gian. Bắt đầu từ năm 2012, Grab nhanh chóng phát triển tại 6 nước ASEAN: Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Ngoài Grab, còn có một số hình thức tương tự và cạnh tranh trực tiếp với Grab hiện nay như Be, GoViet… Theo công bố của Grab vào năm 2018, ứng dụng này đã có 175 nghìn người tham gia. Chỉ tính riêng Hà Nội, các hội nhóm của GrabBike trên Facbook có từ 50 nghìn đến 70 nghìn thành viên.
(Còn nữa)