Tôi chạm vào cánh cửa của một gia tộc không thường

Tôi chạm vào cánh cửa của một gia tộc không thường
TPCN - Cụ là nhà báo? nhà dịch thuật, nhà văn, nhà khảo cứu...? Có lẽ đúng cả! - Những đóng góp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh những năm đầu thế kỷ XX cho nền văn hóa nước nhà, đương thời và hậu thế đã tốn không ít giấy mực về cụ.
Tôi chạm vào cánh cửa của một gia tộc không thường ảnh 1
Ông Nguyễn Phổ (trái) với ông Trần Quốc Hương

Trước khi nói về những người con tài hoa lẫn thành đạt của cụ như nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhà văn Nguyễn Giang (từng là bạn thân của danh họa Picasso) giáo sư Nguyễn Phùng (tên ông đã được đặt cho một con đường của thành phố Montpellier nước Pháp) rồi Nguyễn Dực chủ cửa hiệu radio lớn nhất Hà thành ngày 2/9/1945 đã mang tài sản gia đình mình lắp đặt micro và hệ thống phóng thanh phục vụ cho ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập... tôi xin gõ cửa ngôi nhà một người con có lẽ kém may mắn nhất của cụ Vĩnh.

... Tôi đã đến muộn

Căn phòng không mấy thoáng rộng trong khu tập thể quân đội Nghĩa Tân đường Hoàng Quốc Việt rẽ vào dường như phảng phất khói hương. Tôi kính cẩn nối thêm nén nhang lên một ban thờ mới lập trên đó là tấm ảnh nhấp nhánh kính hình một cụ bà mới mất hơn trăm ngày. Ban thờ kế bên là hình cụ ông, con trai thứ 8 của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhà tình báo Nguyễn Phổ mất đã 8 năm nay.

Khi người ta tìm thấy cụ Vĩnh năm 1936 với cái chết bất đắc kỳ tử trên một con thuyền nhỏ buông trên sông Sêpôn (cụ quyết chí và mải mê đi tìm vàng ở Lào hầu mong đổi đời) thì gia cảnh cụ Vĩnh khi ấy đã sa sút lắm rồi!

Cậu con trai thứ 8 Nguyễn Phổ không có điều kiện để theo đòi nghiệp văn bút chữ nghĩa như các anh mình mà phải đi học nghề làm thợ  kiếm sống. Cậu học nghề sắp chữ, tráng ảnh kẽm trong nhà in.

Nhà in Têrexa Hà Nội là nơi cậu làm việc.Chính trong thời gian làm việc ở nhà in, cậu đã được đồng chí Mười Hương (sau này là Trần Quốc Hương, Trưởng ban nội chính TW) giác ngộ.

Nhà cậu cũng là nơi đồng chí Mười Hương và nhiều người khác nữa tá túc trong thời gian hoạt động bí mật.

Cách mạng tháng Tám đã làm nên biết bao điều kỳ diệu. Những người con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài Nguyễn Dực mang tất tật cơ nghiệp, máy móc của nhà góp cho Đài TNVN rồi lên Chùa Trầm, còn có Nguyễn Phổ  vác máy in từ nhà in Têrexa vào hang núi Chi Nê Hòa Bình để phục vụ cho báo Cứu Quốc...

Đầu năm 1948, có lẽ được đồng chí Mười Hương giới thiệu, Cục tình báo thuộc Nha Liên lạc Phủ Thủ tướng (bây giờ ta vẫn gọi là Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng) đã tính đếm từ lâu một nước cờ là cho một con tốt nhập cung! Cần thiết lắm cái việc lựa những người thợ tay nghề giỏi để đánh vào một cơ sở in ấn ở nội thành...

Nguyễn Phổ được lựa được tuyển vào mạng lưới tình báo quân đội là như thế. Nước cờ của cấp trên không lạc. Chỉ một thời gian ngắn, cùng với những sự móc nối này khác, Nguyễn Phổ với tay nghề  thợ ảnh kẽm xuất sắc đã được tuyển vào làm tại Phòng Thông tin Mỹ.

Gọi là Phòng thông tin nhưng đây là một cơ quan tình báo. Mà tại đó khâu in ấn có biết bao tài liệu mà Việt Minh cần đến. Nguyễn Phổ không đơn độc.

Chính trong thời gian này, một người trong nhóm điệp báo nội thành mà Nguyễn Phổ được phép biết và liên lạc rồi sau này chơi rất thân với nhau là nhà văn Vũ Bằng.

Xin trích ra đây lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Đăng, nguyên đại đội trưởng đơn vị PC 256, Tiểu đoàn 610A, Trung đoàn 75 người chỉ huy trực tiếp nhóm điệp báo thời gian hoạt động trong nội thành ...

Từ Phòng thông tin này, rất nhiều tài liệu quan trọng đã được Nguyễn Phổ sao chụp và đưa đến các hòm thư liên lạc để chuyển ra chiến khu. Sáu năm hoạt động trong lòng địch nhóm điệp báo này đã đưa được rất nhiều tài liệu có giá trị ra ngoài cho tới ngày giải phóng Thủ đô mà vẫn không bị lộ...

Chính vì không bị lộ mà sau này nhà văn Vũ Bằng lại được cử vào hoạt động trong Nam và Nguyễn Phổ do hoàn cảnh gia đình nên cấp trên cho ở lại vào làm ở nhà máy in Tiến Bộ...

...Ngó gương mặt điềm tĩnh với chất giọng trầm trầm như là thản nhiên của Tuấn, người con trai ông Phổ tuổi Nhâm Thìn sinh 1952, tôi đang cố hình dung ra thời điểm ông Phổ bị bắt, anh mới có 3 tuổi...

Chất giọng thản nhiên ấy hình như đang  chất chứa bao nhiêu là giông bão? Một đám cháy bất ngờ lan ra trong phân xưởng (sau này mới biết chỉ là chập điện) của nhà máy in Tiến Bộ.

Các nhà chức việc qua điều tra kết luận nguyên nhân cháy do từ cái tủ đựng đồ của ông Phổ! Mặc kệ những lời kêu oan của ông, ngày 29/9/1955, ông Phổ bị bắt và vào tù...

17 năm bố anh trong tù cũng là thời gian bao nhiêu tao loạn ập xuống mái ấm gia đình này. Ngôi nhà ở 25 Nguyễn Gia Thiều của gia đình ông Phổ bị tịch thu.

Bảy đứa con đứa lớn nhất 12 tuổi bé nhất mới 5 tháng cùng với bà nội (vợ cả cụ Vĩnh) khi ấy đã gần 80 tuổi và vợ ông, tất thảy 9 người phải chen chúc trong diện tích 18 mét vuông ở ngõ Liên Trì.

Bà mẹ ông Phổ sau cú sốc ấy cứ ngơ ngác... Cụ bỏ về quê chồng là làng Phượng Dực, Hà Tây, cái làng quê có hai nhân vật văn hóa là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy). Chẳng bao lâu thì cụ qua đời...

Cái đoạn trường muối dưa đắp đổi mà chẳng phải tháng ngày thong dong như câu Kiều mà là cơ cực thời tem phiếu bao cấp... Mà làm gì có tiêu chuẩn tem với phiếu bởi vợ ông Phổ lúc ấy mới 35 tuổi đang làm ở một cơ quan thuộc khu vực Hàng Cỏ  bị buộc thôi việc.

Phải kiếm cách để nuôi lũ con thơ dại, bà bươn bả đi học nghề y tá. Nhưng học xong lại chẳng nơi nào nhận. Chạy vạy mãi, bà mới xin vào làm một hợp tác xã may mặc quận Đống Đa.

Đó cũng là cơ sở để sau này hai chị em Tuấn vào làm trong nhiều năm. Anh Tuấn đang nói đến đoạn bạn bè anh bây giờ mỗi lúc nhắc lại cái thời ấy, hình ảnh nhất, ấn tượng nhất ở nhà Tuấn là một nồi rau tướng khi luộc khi quấy sền sệt với chút gạo.

Cơm áo thúc bách rồi thuốc men mỗi khi ốm đau sài đẹn đã đành. Nhưng mỗi khi ló mặt ra khỏi nhà là phải chạm phải đối mặt ngay với những cái nhìn trân trối lạ lẫm và cả  lườm nguýt nữa của  hàng phố của chúng bạn trong lớp rằng bố nó làm gián điệp đi tù rồi!

Chao ôi ứng xử ra sao, nghĩ lẫn ứng đối những gì ở những 7 tâm hồn trẻ thơ ấy? Học rất giỏi nhưng cả bảy anh chị em không ai được vào đại học vì phải trĩu một cái lý lịch như thế!

Cô con gái đầu may mà xin vào được 10+3 sau đi dạy cũng đỡ đần cho mẹ ít nhiều. Người con trai nhớn, anh Sử không được vào  đại học lấy máu viết đơn xin đi bộ đội nhưng không được duyệt.

Xin đi nông trường trên tận Điện Biên Phủ nhưng mấy tháng sau bị phát hiện lý lịch có vấn đề bị trả về địa phương. May có tí hoa tay sau đi vẽ thuê cho Sở văn hóa.

Cạy cục mãi, cô Hồng em anh Sử mới xin vào được một đơn vị TNXP đảm bảo cầu phà ở tuyến lửa khu Tư... Nhưng hình như giời cũng có mắt. Bảy đứa con, may sao hết thảy lành lặn không khuyết một ai trong những tháng năm tao loạn ấy.

Tôi đang nói đến cái diện tích 18m2  cho 9 người ấy. Kỳ lạ hay kỳ diệu đây chả biết khi trên diện tích ấy ba cặp vợ chồng là anh trai Tuấn, Tuấn và em trai Tuấn.

Hết thảy việc cưới xin ngủ nghê, sinh con đẻ cái cũng trên cái diện tích ấy! Cái giường một duy nhất chỉ xuất hiện khi ông Phổ ra tù bởi sau khi ra tù ông mắc chứng lao rất nặng phải một năm nằm trong bệnh viện, chẳng thể nằm đất được.

Lại nói về ông Phổ, Tòa tuyên ông là 15 năm tù  nhưng do cải tạo tốt ông được giảm án 2 lần quy đổi ra thời gian là 5 năm 6 tháng. Nhưng không hiểu sao ông vẫn phải ở thêm trong trại 2 năm so với mức án cũ. 

Ngày 30 tháng 10 năm 1972, có thể đó là thời điểm Cảng Hải Phòng bị phong tỏa bị bao vây bởi thủy lôi nhưng là ngày ông Phổ được tự do sau 17 năm 1 tháng và 1 ngày oan khuất khi bước sang cái tuổi 56.

... Nguôi ngoai ít lâu sau niềm vui lớn của đất nước, nỗi đau cũ không chuội theo thời gian mà vẫn cộm vẫn hằn nỗi oan khuất của ông, của cả nhà ông... Hà Giang. Lào Cai. Yên Bái. Phú Thọ. Thái Nguyên. Thanh Hóa...

Mỗi địa danh ấy là những kỷ niệm buồn. Không có trại nào là vợ con ông không bươn bả tìm đến. Chỉ lạng chè hay cái kẹo gói bánh, dịp Tết có cái bánh chưng hay mấy đồng bạc...

Thứ quà tiếp tế ấy là cái gì quý giá đáng kể trong những ngày khốn khó. Không thể cả ngày xếp bằng trên chiếc giường một này mà nhìn cả nhà nheo nhóc dưới sàn kia mãi, ông quyết kêu cho ra nhẽ...

Sau nhiều lần vất vả kêu nài ở các cấp có thẩm quyền, phải mất đến 6 năm, ngày 28/3/1978, Tòa giám đốc thẩm Tòa án NDTC đã tuyên ông vô tội và phục hồi mọi chế độ quyền lợi.

Nhưng đó mới chỉ là tinh thần lời văn tuyên của Tòa còn thực hiện là một việc khác? Ông Phổ còn vất vả lận đận cho tới năm 1990, sau nhiều bận chạy đôn chạy đáo, ông mới được UBND thành phố Hà Nội cấp cho căn hộ tập thể ở khu Thanh Xuân.

Rồi mấy năm sau nữa ông mới được hưởng chế độ lương hưu công nhân viên Quốc phòng bậc 7/7 và được tính thời gian công tác liên tục từ năm 1948-1981.

Nếu trong những năm cuối chín mươi ấy, nhà văn Vũ Bằng được Bộ Quốc phòng minh oan bằng việc cấp chứng chỉ thời gian hoạt động bí mật và nhà nước thưởng Huân chương kháng chiến thì năm 1996, ông Nguyễn Phổ cũng được Bộ Quốc phòng cấp một căn hộ ở khu TT quân đội mà tôi đang ngồi đây!

Chưa hết những kết thúc có hậu của câu chuyện buồn ấy là ông được quy đổi 17 năm tù oan ấy thành 55 triệu đồng tiền truy lĩnh lương và 45 triệu tiền bồi thường những vật dụng của gia đình ông bị tịch thu năm 1955.

Năm 1997, cũng như nhà văn Vũ Bằng, ông Phổ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Câu chuyện của anh con trai lại đưa tôi về những đêm ông Phổ không biết nghĩ chi mà ít ngủ cứ chong đèn ngồi bó gối như thế cũng như ban ngày ông thường đăm chiêu lặng lẽ ra ra vào vào...

Cô con gái thương bố  có bận lăn xả chặn xe một số vị chức sắc để đưa đơn!  Cái hồi chạy đôn đáo để gõ hàng chục cái cửa quyền cũng như thời gian được minh oan đền bù này khác, ông cũng cứ đăm chiêu lặng lẽ, đâm ít nói hẳn đi...

Nghe hệt như  câu chuyện của anh con trai nhà văn Vũ Bằng lần ấy kể với tôi về động thái của nhà văn Vũ Bằng trước thời điểm bố anh mất. Ông Phổ dù sao cũng còn may mắn hơn đồng đội của mình... ông Phổ đã kịp làm cái việc là trong một chuyến đi Nam thăm bà con, ông đã ghé qua nhà văn Vũ Bằng.

Anh Tuấn kể lại rằng dạo ấy nhà văn túng quá phải đi bán thuốc tây lẻ. Có mấy bận bị tịch thu ráo. Mất cả vốn lẫn lãi! Nhưng trong mớ hành trang của ông Phổ mang ra ngoài Bắc sau chuyến đi xa ấy, nặng trịch một tập sách tặng của ông bạn ngày trước trong tổ điệp báo, Vũ Bằng.

Trên hai ban thờ cụ ông với cụ bà hương đang ngún khói. Dường như tít trên kia đang toả xuống chúng tôi cái nhìn độ lượng, bao dung. Hình như anh con trai đang kể cho tôi nghe cái đoạn cụ bà năm 1982 quyết định xuống tóc vào tu ở tịnh xá Tòng Lâm (thành phố Hồ Chí Minh) đạt tới chức Tỳ khoeo ny, pháp danh là Trí Tuệ mãi năm 1997, cụ ông trở bệnh nặng mới ra Bắc...

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...